Đột phá nuôi tôm nước lợ công nghệ cao vùng Tứ giác Long Xuyên

Nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao không chỉ tạo đột phá cho vùng Tứ giác Long Xuyên mà còn đóng góp lớn vào sản lượng tôm nuôi của tỉnh Kiên Giang.

Sáng 18/2, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đi thị sát tình hình sản xuất, phát triển nuôi tôm nước lợ ở các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên. Cụ thể, đoàn đã đến khảo sát trang trại nuôi tôm của Công ty CP Thủy sản NTSF, Công ty CP Chế biến Thủy sản Trung Sơn (xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương), Khu nuôi Thủy sản Đồng Hòa, Chi nhánh Công ty CP Thủy sản BIM Kiên Giang (xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành) và một số hộ nuôi cá thể trong khu vực.

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã tạo đột phát về phát triển sản xuất nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên, có đóng góp lớn vào sản lượng tôm nuôi của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Lãnh đạo UBND huyện Kiên Lương kiến nghị tỉnh sớm triển khai đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Dương Hòa. Đồng thời, quan tâm đầu tư thêm hệ thống thủy lợi theo hướng có kênh cấp và kênh thoát nước riêng, hệ thống thủy lợi thông minh nhằm giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giảm rủi ro dịch bệnh, sản xuất bền vững.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị ngành nông nghiệp quan tâm nạo vét các tuyến kênh cấp, thoát nước torng khu vực, tạo sự thông thoáng cho việc lấy nước mặn từ biển vào, giảm ô nhiễm môi trường… Ngoài ra, ngành chức năng cần kết nối với các trường, đơn vị đào tạo nghề nông thôn, để cung ứng nguồn lao động có tay nghề phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản xuất khẩu.

Đoàn đến khảo sát điểm đầu tuyến đường ống lấy nước biển xa bờ để cấp cho vùng nuôi tôm trọng điểm của huyện Kiên Lương do Tập đoàn Thủy sản Minh Phú làm chủ đầu tư. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, năm 2021, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh đạt 137.415 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 104.690 tấn, vượt kế hoạch gần 7.000 tấn. Trong đó, vùng Tứ giác Long Xuyên diện tích thả nuôi chỉ 18.760 ha nhưng sản lượng đóng góp lên đến 44.430 ha. Toàn vùng có 10 doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp, sản lượng thu hoạch gần 10.000 tấn.

Kế hoạch năm 2022, Kiên Giang mở rộng diện tích thả nuôi tôm nước lợ lên 140.630 ha, sản lượng 108.500 tấn. Trong đó, nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp là 4.200 ha, sản lượng 39.250 tấn, tập trung chủ yếu ở vùng Tứ giác Long Xuyên.

Niềm vui của người nuôi tôm vùng Tứ giác Long Xuyên, khi thời tiết đầu năm nay thuận lợi, tôm nuôi phát triển rất tốt. Ảnh: Trung Chánh.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành khẳng định, tôm nuôi nước lợ là thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của tỉnh, tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, tỉnh rất quan tâm phát triển nghề nuôi tôm, quy hoạch mở rộng diện tích thả nuôi, sản lượng thu hoạch đều tăng hàng năm. Các doanh nghiệp và người dân cần đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ, thay đổi phương thức nuôi đã tăng tính hiệu quả và bền vững hơn. Các cơ quan chức năng và các huyện phải tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp, người nuôi tôm, thu hút người lao động vào lĩnh vực nuôi tôm, giải quyết việc làm cho người lao động…

Chiều cùng ngày, đoàn làm việc với UBND huyện Giang Thành về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của huyện, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy biên giới mậu dịch khu vực cửa khẩu Giang Thành, thông thương với cửa khẩu Ton Hon, tỉnh Kampot, Campuchia.

Đ.T.CHÁNH

Báo Kiên Giang