Tỏi lên men: Khả năng kháng khuẩn và phòng bệnh AHPND ở tôm thẻ chân trắng

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Thị Hạnh, Phan Thị Vân, Phạm Thị Yến, Lê Thị Mây, Trương Thị Mỹ Hạnh – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1 thực hiện nhằm kiểm tra khả năng kháng khuẩn của tỏi lên men đối với các chủng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus KC.13.14.2 và Vibrio harveyi KC.13.17.5 gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND), đồng thời đánh giá khả năng phòng AHPND cho tôm thẻ chân trắng trong điều kiện phòng thí nghiệm.

Ảnh minh họa: ST

 

Tỏi có vai trò kích thích tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch, gia tăng kiểm soát tác nhân gây bệnh, đặc biệt là vi khuẩn và nấm. Một số nghiên cứu về hiệu quả của dịch chiết tỏi, tỏi tươi ép, tỏi bột đối với phòng trị bệnh nhiễm khuẩn ở động vật thủy sản đã được thực hiện. Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có hạn chế, cụ thể phương pháp tách chiết đòi hỏi trang thiết bị và hóa chất chuyên dùng, người thực hiện cần được đào tạo bài bản, chi phí thực hiện cao, dẫn đến giá thành sản phẩm cao, ngoài ra còn không thuận tiện trong cách bảo quản lẫn sử dụng tại các nông hộ. Phương pháp lên men tỏi đã khắc phục được các hạn chế, thực hiện không quá cầu kỳ, giá thành rẻ, thuận lợi cho bà con nông dân khi sử dụng cho động vật thủy sản nuôi, đặc biệt sản phẩm có mùi thơm kích thích động vật thủy sản bắt mồi. Đây là một hướng nghiên cứu đầy hứa hẹn, có giá trị ứng dụng cao.

Vật liệu nghiên cứu dùng trong nghiên cứu là Củ tỏi ta (Allium sativum L.) thu tại Hải Dương, bóc bỏ lớp vỏ lụa bên ngoài, sau đó cắt nhỏ các tép tỏi, phối trộn cùng với rượu và mật ong theo tỷ lệ 10 kg tỏi : 10 lít rượu : 1 lít mật ong. Chuyển nguyên liệu đã phối trộn vào thùng/xô nhựa có nắp đậy ủ cho lên men trong thời gian 25-30 ngày ở 30-35oC. Sau thời gian ủ, lọc bỏ phần bã của củ tỏi, phần dịch tỏi lên men được sử dụng để thử khả năng kháng khuẩn và hiệu quả phòng AHPND cho tôm. Các chủng vi khuẩn  thử  nghiệm  bao  gồm V.   parahaemolyticus KC.13.14.2 và V. harveyi KC.13.17.5 gây AHPND ở tôm nuôi nước lợ tại Nghệ An. Các chủng này hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (CEDMA), Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1. Tôm thẻ chân trắng có khối lượng khoảng 3-4 g/con, kích thước đồng đều, phản xạ nhanh, ruột đầy thức ăn, có kết quả âm tính với virus gây bệnh đốm trắng và các loài vi khuẩn gây AHPND. Bể composit có thể tích 200 l/bể, muối biển nhân tạo dùng để pha nước nuôi tôm ở độ mặn 15‰

Qua thời gian thực hiện, kết quả cho thấy ở các nồng độ 5, 10, 15 và 20 μl, sản phẩm tỏi lên men không có hiệu quả diệt khuẩn cao. Ở nồng độ 25 và 30 μl, sản phẩm tỏi lên men có độ nhạy cao đối với cả 2 chủng vi khuẩn V.  parahaemolyticus KC.13.14.2  và V. harveyi KC.13.17.5 gây AHPND. Trong điều kiện phòng thí nghiệm, bổ sung tỏi lên men với liều 15 ml/kg thức ăn/ngày vào thức ăn rồi bao ngoài bằng dầu mực cho tôm ăn trong 10 ngày liên tục có khả năng nâng cao tỷ lệ sống của tôm lên 53%, cao hơn nghiệm thức không sử dụng chất bao ngoài (51%), bao ngoài bằng bột nếp (42%) và cao hơn so với đối chứng dương tôm chỉ ăn thức ăn thường không bổ sung sản phẩm tỏi lên men (14%). Tỷ lệ sống của tôm ở các nghiệm thức bổ sung dịch tỏi lên men vào thức ăn so với tỷ lệ sống của tôm ở nghiệm thức đối chứng không bổ sung tỏi lên men vào thức ăn là có sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Kết quả nghiên cứu mở ra tiềm năng ứng dụng sản phẩm tỏi lên men để phòng trị AHPND cho tôm nuôi nước lợ.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam