Đổi đời từ con tôm

[Người Nuôi Tôm] – Nuôi tôm vốn không phải là một nghề đơn giản, nhiều người “đổi đời”, tậu xe sang nhà lầu nhờ con tôm, nhưng cũng không ít người trắng tay, thua lỗ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận lợi nhuận “khủng” mà con tôm mang lại. Bài viết dưới đây là tổng hợp một số tấm gương nuôi tôm điển hình, trải qua nhiều thất bại vẫn quyết gắn bó với con tôm, và gặt về nhiều “trái ngọt”.

 

Thu nhập trăm triệu tiếp nhờ nuôi tôm trên bể xi măng

Mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh trong bể tròn khung sắt được anh Vũ Văn Phòng, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa thực hiện, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nuôi tôm sạch bệnh, mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Năm 2018, qua tìm hiểu thông tin và học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh miền Nam, anh Phòng đã đầu tư xây dựng trên diện tích 2 ha của gia đình để nuôi tôm thẻ thâm canh trong bể tròn khung sắt. Hệ thống nuôi bao gồm 6 bể nuôi với diện tích 400m2/bể, các bể được thiết kế hình tròn khung sắt có lót bạt xung quanh và hệ thống ôxy, lưới bao quanh cùng thiết bị hỗ trợ khác. Quá trình nuôi và thu hoạch qua 2 đợt nuôi, mỗi đợt nuôi từ 115 – 120 ngày, tỷ lệ tôm sống đạt 90 – 95%, năng suất 4 đến 5 tấn/bể, trọng lượng bình quân tôm thu hoạch 26,5 – 28 con/kg, lợi nhuận đạt 500 triệu đồng/đợt nuôi. Việc nuôi tôm thẻ thâm canh trong bể thuận lợi trong việc chăm sóc, quản lý tôm nuôi, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường nuôi, các chỉ tiêu môi trường luôn duy trì ổn định; sử dụng vi sinh định kỳ trong suốt quá trình nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tôm nuôi phát triển tốt; lắp ráp bể nuôi nhanh, chủ động khi di dời; dễ thu gom chất thải… Hiện anh đang tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện thêm 20 bể nuôi và ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm công nghiệp.

 

Làm giàu từ nuôi tôm trên bạt

Từ năm 2013, ông Lê Quang Toàn, sinh năm 1957, nông dân xã Vạn Thọ huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đã thành công khi áp dụng công nghệ Biofloc vào nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo ông tâm sự, thời điểm mới nuôi do chưa có kinh nghiệm nên nuôi liên tiếp bị thất bại. “Lúc đó, tôi khá bế tắc, đã có lúc tôi định dừng lại để chuyển hướng khác. Thế rồi may mắn, tôi cùng một số hộ nuôi được sự quan tâm của Hội Nông dân và các ngành có liên quan tổ chức đi thăm quan nhiều mô hình nuôi tôm trên bạt ở các nước Thái Lan, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia. Từ đó, tôi cập nhật được kỹ thuật nuôi tôm trên bạt và về áp dụng trên diện tích nuôi nhà mình. Chỉ sau 2 tháng, vụ tôm đầu tiên đã cho gia đình thu lãi hơn 2 tỷ đồng”, ông Toàn chia sẻ.

Trong năm 2020, lứa tôm thứ 3 thu hoạch đã mang lợi nhuận về cho gia đình ông Toàn khoảng 8 tỷ đồng.

 

Đến nay, gia đình ông Lê Quang Toàn có 15 hecta đất, trong đó có khoảng 8-9 hecta là hồ nuôi tôm, tương ứng 40 ô nuôi tôm trải bạt; diện tích còn lại là để làm ao lắng, ao chứa chất thải và một số diện tích dành nuôi ốc hương, cá. Do áp dụng công nghệ Biofloc, quá trình nuôi không dùng thuốc kháng sinh mà cấy vi sinh bằng cách dùng hỗn hợp nước, mật rỉ đường, vi sinh… tạo biofloc để đưa xuống ao nuôi thường xuyên nên tôm nuôi phát triển, ăn mạnh và mau lớn dù ông thả với mật độ dày (1 m2 khoảng 400 con). Từ khi áp dụng nuôi tôm thẻ chân trắng trên bạt bằng phương pháp trên, bình quân một vụ ông thu lãi khoảng 8 tỷ, nếu thuận lợi mỗi năm cũng cho lãi trên dưới 20 tỷ đồng. “Cứ 2,5 tháng thả nuôi tôm đạt kích cỡ khoảng 50-60 con/kg sẽ xuất bán với giá giao động từ 100.000 – 125.000 đồng/1 kg. Trung bình, mỗi hồ nuôi tôm cho sản lượng 8 tấn và mỗi vụ thu hoạch với tổng sản lượng 32 tấn (2,5 tháng/vụ). Như vậy, mỗi năm nuôi 4 vụ, với tổng sản lượng trên 100 tấn. Những năm nuôi thuận lợi, có thể bỏ túi từ 15-16 tỷ đồng”, ông Toàn cho biết.

 

Thu tiền tỷ từ nuôi tôm của lão nông U60

Trong khi nhiều người nuôi tôm ở tỉnh Quảng Ngãi gặp rất nhiều khó khăn do nguồn nước bị ô nhiễm, con giống không bảo đảm chất lượng, tình hình dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, nhiều hộ dân bị thua lỗ. Trong khi đó lão nông Trần Huệ ở thôn Tân Mỹ, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nuôi tôm chân trắng trong hồ lót bạt vẫn cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Một góc hồ nuôi tôm của ông Huệ tại thôn Tân Mỹ, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Sau hơn 12 năm nuôi tôm sú, ông nhận thấy hiệu qủa rất tốt, nhưng vì mật độ thả thưa nên năng suất thấp và đầu ra lại hạn chế nên ông muốn thay đổi. Đến năm 2006, ông cập nhật được nhiều thông tin về các đối tượng, hình thức nuôi mới, thông tin về giá cả, đầu ra cho sản phẩm….Ông quyết định chuyển đổi đối tượng nuôi tôm sú trước đây bằng nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao nuôi lót bạt và mở rộng diện tích ao nuôi lên 1,5ha, đồng thời ông đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị, hệ thống quạt nước…. để nuôi tôm thẻ chân trắng. Với hơn 25 năm kinh nghiệm nuôi tôm, vụ nuôi năm 2019 ông đã thả nuôi hơn 300 vạn con giống tôm thẻ chân trắng trong 9 hồ nuôi trên tổng diện tích 1,5ha và đã thu được hơn 20 tấn. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi và thường xuyên sử dụng các chế phẩm sinh học nên tôm thương phẩm thu được có kích cỡ đồng đều, sạch bệnh. Với giá bán từ 95.000đ – 100.000đ/kg, sau khi trừ các khoản chi phí gia đình ông còn lãi 1,5 trên tỷ đồng. Ông Huệ phấn khởi: “Nuôi tôm đòi hỏi kỹ thuật rất cao, vì vậy để có được hiệu quả kinh tế từ việc nuôi tôm, ngoài áp dụng kỹ thuật nuôi, tôi tuân thủ theo đúng lịch thời vụ của nhà nước khuyến cáo, một năm chỉ nuôi 2 vụ, thời gian còn lại để hồ nghỉ ngơi, không nên lạm dụng khai thác mạch nước ngầm quá mức… Chính vì thế mà cho đến thời điểm hiện nay 9 hồ nuôi của gia đình chưa sử dụng hệ thống ao lắng để xử lý nước trước khi đưa vào thả nuôi, mà chỉ bơm lấy nước trực tiếp vào ao nuôi từ nguồn nước ngầm dưới sông”.

Ông Huệ chia sẻ thêm, ngoài yếu tố con giống, môi trường ao nuôi thì biện pháp chăm sóc là rất quan trọng, quyết định đến đời sống của con vật nuôi. Vì vậy ông tự làm men vi sinh để bổ sung vào thức ăn cho tôm, bằng cách sử dụng EM gốc, cám gạo, bột mì trộn đều vào thức ăn và ủ trong 3 – 4 ngày rồi cho tôm ăn trong suốt quá trình nuôi, phương pháp này giúp cho tôm có đường ruột khỏe mạnh hơn, đồng thời thường xuyên bổ sung Vitamin C và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho tôm.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, ông còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên trao đổi học hỏi kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật mới về nuôi tôm với các hộ gia đình khác trên địa bàn xã, huyện để có nhiều cách làm hay, hiệu quả từ đó mở rộng mô hình, phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Lê Bùi (Tổng hợp)