Sản xuất giống: Cần thu hút doanh nghiệp đầu tư các khu công nghệ cao

[Người Nuôi Tôm] – “Công tác giống và an toàn sinh học là hai yếu tố quyết định để ngành thủy sản phấn đấu mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD đến năm 2025. Theo đó, cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư các khu công nghệ cao sản xuất tôm giống” – Ông Phùng Đức Tiến (Thứ trưởng Bộ NN&PTNT)

Ảnh minh họa: Tuan Nguyen

 

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2020, cả nước có 2.028 cơ sở sản xuất tôm giống, sản xuất được 146 tỷ con tôm giống, trong đó tôm sú là 36 tỷ con, tôm thẻ chân trắng là 110 tỷ con. Các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ là những khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta, hàng năm cung cấp khoảng 56% số lượng tôm giống nước lợ cho nhu cầu thả nuôi của cả nước. Số còn lại được sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long như Bạc Liêu, Cà Mau và các tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh.

Chúng ta vẫn chưa tự chủ được nguồn tôm bố mẹ. Năm 2020, cả nước nhập khẩu 252.719 con tôm bố mẹ thẻ chân trắng, tăng 27% so với năm 2019, trong đó chủ yếu được nhập từ Công ty SIS-Mỹ, chiếm 53,5%, Công ty CP- Thái Lan chiếm 20,1%, còn lại là các đơn vị cung cấp khác chiếm 26,4%. Tôm sú bố mẹ nhập khẩu khoảng 5.000 con. Tính đến hết 6 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 83.804 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ. Đối với sản xuất trong nước, Công ty Việt – Úc sản xuất được khoảng 9.100 con. Tôm sú của công ty TNHH Moana Ninh Thuận cung cấp ra thị trường khoảng 7.800 con. Sản lượng tôm giống của cả nước ước đạt 55 tỷ con. Trong đó, tôm thẻ chân trắng là 40,7 tỷ con, tôm sú là 14,3 tỷ con, bằng 109% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, tỉnh trọng điểm trong sản xuất tôm giống của cả nước, toàn tỉnh hiện có khoảng 450 cơ sở sản xuất tôm giống, sản lượng hàng năm ước đạt 42 – 43 tỷ con, đáp ứng khoảng 30 – 35% nhu cầu nuôi của cả nước. Tổng thể tích bể ương trên 140.000 m3, gồm 2 khu sản xuất giống thủy sản tập trung có diện tích 225 ha, trong đó tại xã An Hải (Ninh Phước) có 125 ha và xã Nhơn Hải (Ninh Hải) có 100 ha. Để phát huy thế mạnh về sản xuất giống tủy sản, Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025, sản lượng sản xuất đạt 41 tỷ con tôm giống/năm. Tiềm lực là vậy, nhưng theo anh Lê Văn Quê (Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư S6), Chủ tịch Hiệp hội Giống Thủy sản tỉnh, lĩnh vực sản xuất giống thủy sản ở Ninh Thuận vẫn còn một số vấn đề đáng trăn trở, mà trước hết là việc quy hoạch 2 trung tâm sản xuất giống thủy sản của tỉnh. Cụ thể như Trung tâm giống thủy sản tập trung An Hải, vì hiện nay chỉ có kênh thu gom nước thải chưa xử lý, anh Quê đề xuất chỉnh trang lại hệ thống xử lý nước thải ở đây trước khi đưa ra biển. Đối với Trung tâm xuất tôm giống thủy sản tập trung Nhơn Hải, anh kiến nghị tỉnh cần quan tâm đẩy mạnh quy hoạch xây dựng lại hạ tầng kỹ thuật như: điện, nước ngọt, đường nội bộ. Hiện tại do chưa có quy hoạch, các doanh nghiệp tự phát mua đất xây dựng trại manh mún, xả nước thải sản xuất gây ô nhiễm môi trường, thậm chí làm nhiễm mặn các vùng canh tác nông nghiệp lân cận.

Ảnh minh họa: ST

 

Theo ghi nhận, tại An Hải (Ninh Phước) và Phước Dinh (Thuận Nam) năm qua có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Moana (sản xuất 10.400 cặp giống tôm sú bố mẹ), Công ty TNHH Việt Úc (sản xuất 7.000 cặp giống tôm thẻ bố mẹ) phục vụ ngành sản xuất tôm giống trong nước và xuất khẩu. Với việc đi đầu trong cả nước về nghiên cứu và sản xuất tôm giống bố mẹ, tỉnh đã được khẳng định là trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước. Phát huy lợi thế của các doanh nghiệp có năng lực tài chính, áp dụng công nghệ cao trong điều hành sản xuất, năm 2021 Sở NN&PTNT đề ra chỉ tiêu sản xuất 37 tỷ con giống thủy sản, bao gồm: 36,8 tỷ tôm giống (6,2 tỷ giống tôm sú và 30,6 tỷ giống tôm thẻ) và 200 triệu con giống thủy sản khác.

Tại cuộc họp trực tuyến bàn về giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 do Bộ NN&PTNT tổ chức, ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất Bộ NN&PTNT quan tâm đến 2 khu vực sản xuất tôm giống lớn nhất của Ninh Thuận, tạo điều kiện cho các khu vực này tiếp cận được với khoa học công nghệ. “Hiện nay, Ninh Thuận đã có khu quy hoạch riêng cho hoạt động nuôi tôm bố mẹ, tỉnh hi vọng Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được với những khoa học công nghệ tiên tiến áp dụng trong sản xuất giống, phát triển chất lượng tôm giống Ninh Thuận, xứng tầm là trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước.”

Theo Hiệp hội Giống thủy sản tỉnh Ninh Thuận, để tạo bứt phá mới cho sản xuất giống thủy sản, cần chú trọng thu hút thêm các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghệ di truyền giống thủy sản. Bởi vì qua đầu tư phát triển đó, các doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản mới chủ động được nguồn tôm bố mẹ đầu vào, giảm rủi ro và xung đột pháp luật trong quá trình nhập khẩu từ các nước về, chủ động được kế hoạch sản xuất cũng như vụ nuôi tôm của người nuôi và bảo đảm vấn đề an ninh ngành hàng giống thủy sản nói riêng và của ngành Nông nghiệp nói chung.

Gia Bảo