Dạo quanh thị trường tôm trên thế giới

[Người Nuôi Tôm] – Dữ liệu từ ITC cho thấy, nhập khẩu tôm toàn cầu giảm 3% xuống còn 3,042 triệu tấn vào năm 2020, mức giảm đầu tiên kể từ năm 2009. Các chuyên gia trong ngành kỳ vọng ngành tôm toàn cầu sẽ tăng trở lại vào năm 2021.

Ấn Độ: Đầu tư vào thương hiệu “Sản xuất tại Ấn Độ”

Với mục tiêu tăng sản lượng tôm lên 1,4 triệu tấn vào năm 2024, Hiệp hội Chuyên gia Nuôi trồng Thủy sản Ấn Độ (SAP) cho rằng, Ấn Độ cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Hoa Kỳ. SAP đã đề xuất Ấn Độ tạo ra thị trường tiếp thị riêng hoặc tham gia vào một sáng kiến toàn cầu để thúc đẩy tiêu thụ tôm tại các thị trường chính. SAP cũng khuyến nghị Ấn Độ tìm cách giành lại thị trường ở châu Âu hoặc Nhật Bản, cũng như đầu tư vào thương hiệu “Sản xuất tại Ấn Độ” để phân biệt với đối thủ cạnh tranh. Ấn Độ cũng đề cập đến việc thúc đẩy tiêu thụ nội địa và nhấn mạnh rằng, tôm sẽ dễ dàng được chấp nhận do dễ chế biến, miễn là được quảng bá tốt.

Năm 2021, sản lượng tôm thẻ chân trắng của Ấn Độ được kỳ vọng phục hồi trở lại, sau khi giảm từ 800.000 tấn xuống khoảng 650.000 tấn trong năm 2020. Cho đến nay, hơn 60% trang trại tôm tại Ấn Độ đã được thả nuôi, trong khi thời điểm này năm 2020 Ấn Độ đang áp dụng lệnh phong tỏa do Covid-19. Vụ thu hoạch tôm tại Ấn Độ dự kiến sẽ bắt đầu kể từ tháng 4/2021.

Mỹ La Tinh: Dự kiến tăng 8% sản lượng so với năm 2020

Theo Undercurrent News, sản lượng tôm nuôi ở Mỹ Latinh năm 2021 dự kiến sẽ tăng 8% so với năm 2020, lên khoảng 1,1 triệu tấn. Trong đó, sản lượng tôm của Ecuador dự báo sẽ tăng 6%, lên 750.000 tấn; sản lượng ở Mexico tăng 8%, lên 130.000 tấn trong năm 2021.

Trung Quốc: Dỡ bỏ lệnh tạm ngưng nhập khẩu tôm từ Ecuador

Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm từ công ty xuất khẩu tôm lớn thứ tư của Ecuador (Sociedad Nacional de Galapagos, Songa). Vào cuối tháng 1/2021, Cơ quan Hải quan Trung Quốc (GACC) đã thông báo về việc tạm dừng nhập khẩu tôm từ công ty này do có virus đốm trắng trên tôm nhập khẩu.

Chính phủ và ngành tôm Ecuador đã cam kết hoàn thiện từng chi tiết trong chuỗi sản xuất bằng cách tăng số lượng các đợt kiểm tra, cũng như khử trùng và truy xuất nguồn gốc tôm.

Ecuador: Trở thành nguồn cung lớn thứ hai của Mỹ

Theo số liệu từ NOAA, Mỹ đã nhập tổng cộng 52,903 tấn tôm trị giá 450,8 triệu USD trong tháng 2/2021, tăng 3% về lượng và tăng 3% về trị giá so với tháng 2/2021.

Tháng 2/2021, không phải là Indonesia mà Ecuador một lần nữa vượt lên trong cuộc đua cung cấp nhiều tôm hơn cho người tiêu dùng Mỹ, sau Ấn Độ. Quốc gia này đã xuất khẩu sang Mỹ 11.210 tấn tôm, trị giá 72,5 triệu USD vào tháng 2/2021, tăng 29% về lượng và hơn 36% về trị giá so với tháng 2/2020. Ecuador chiếm 21% tổng khối lượng nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ trong tháng 2/2021.

Việt Nam: Xuất khẩu vào EU tăng mạnh

Theo sở Công thương các tỉnh ĐBSCL, những tháng đầu năm 2021, tình hình xuất khẩu tôm có nhiều khởi sắc và tăng trưởng mạnh tại thị trường châu Âu.

Theo đó, Cà Mau vẫn là tỉnh dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm với tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) trên địa bàn quý I-2021 đạt 163 triệu USD, bằng 15% kế hoạch, tăng 6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu quý 1 tăng so với cùng kỳ nhờ tác động lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết với nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu tôm vào các thị trường này tăng mạnh. Đặc biệt, xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau vào thị trường châu Âu tăng 154%, Canada tăng gần 15%, Australia tăng gần 41%, Thụy Sỹ tăng 568%.

Bên cạnh tình hình xuất khẩu, giá tôm hiện nay tại các tỉnh cũng đang có nhiều khởi sắc. Tại Cà Mau, tháng 3.2021, tôm sú thương phẩm loại 20 con/kg giá 210.000 – 220.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg nuôi ao bạt có giá 103.000 – 113.000 đồng/kg; nuôi ao đất giá 101.000 – 111.000 đồng/kg

 

Phạm Huệ (Tổng hợp)