Thức ăn thủy sản tăng cao: Người nuôi lao đao

[Người Nuôi Tôm] – Giá ngô, giá đậu tương nhập khẩu tăng 70% trong 6 tháng qua, cá biệt, chỉ trong một tháng qua giá 2 loại nguyên liệu này tăng tới 20%. Nguyên nhân có thể lý giải do nguồn cung khan hiếm, khi nguồn cung nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản thiếu hụt, doanh nghiệp, người chăn nuôi đối mặt với nhiều thách thức.

Các công ty thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng giá chóng mặt

Từ đầu năm đến nay, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Ngoài thách thức về giá cả, vận chuyển logistic, giờ đây doanh nghiệp và người nuôi lại tiếp tục đối mặt với thách thức về giá cả nguyên liệu, thức ăn thủy sản tăng cao liên tiếp nhiều lần trong thời gian ngắn. Theo thông tin từ các công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn, giá một số loại thức ăn nuôi tôm từ đầu năm đến nay tăng từ 1,69 – 5,03% (trung bình 3,09% so với năm 2020), chủ yếu là thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng. Từ đầu năm đến nay, tất cả các sản phẩm thức ăn tôm của các công ty đều thông báo tăng giá từ 1.200 đồng/kg đến 1.900 đồng/kg. Tại công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam đều tăng giá thêm 1.500 đồng/kg từ ngày 1/3. Cụ thể, C.P.9920 01 bao 10kg hiện có giá 389.000 đồng; C.P.9922 01 bao 25kg có giá 972.500 đồng;…

Ông Trần Oanh Liệt, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi tại xã Vĩnh Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cho biết: Gần đây hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản đều có thông báo điều chỉnh tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là nguyên liệu nhập khẩu. Theo đó, các cửa hàng bán lẻ cũng phải điều chỉnh tăng giá bán. Trong thời gian tới, hộ dân chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các hộ định tái đàn vì giá thức ăn đầu vào tăng, mà giá đầu ra vẫn ổn định.

Theo ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, những ngày qua, giá thức ăn chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh có biến động, giá thức ăn tăng từ 3-5%, tùy theo loại. Giá thức ăn tăng làm ảnh hưởng lợi nhuận đến người nuôi, vì giá đầu vào tăng nhưng giá đầu ra lại không tăng. Tại thời điểm hiện tại, giá tôm thẻ chân trắng loại 70 con/kg đang được thu mua với mức giá khoảng 117.000 đồng/kg.

Giá tăng cũng khiến nhiều cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thủy sản lo ngại việc tới đây sức tiêu thụ hàng hóa bị giảm. Người dân ngán ngại đầu tư phát triển trang trại nuôi, nhất là khi giá cả đầu ra còn nhiều bấp bênh. Hiện nay, là thời điểm người dân đẩy mạnh các hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho nhu cầu tết Thanh Minh. Do vậy, giá thức ăn tăng cao đã gây nhiều khó khăn cho người nuôi về nguồn vốn để tái đầu tư.

Ngành thức ăn chăn nuôi, thủy sản đang đối mặt với nhiều thách thức

Giá nguyên liệu tăng cao, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi – thủy sản là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên, giá nguyên liệu tăng gấp đôi, nhưng giá thành phẩm lại tăng nhỏ giọt, chưa tương xứng. Các loại nguyên liệu dự trữ sắp cạn kiệt, thời điểm hiện tại chúng ta đang phải sử dụng các loại nguyên liệu mới, với giá thành mới. Chính vì vậy đã đẩy giá thành nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản lên rất cao. Trong khi đó, việc tăng giá cao cho các sản phẩm đầu ra là chưa thể. Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, giờ họ không thể mua nguyên liệu theo quý, theo năm như trước nữa, mà chỉ dám mua theo từng tháng.

Trong khi các doanh nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những lần tăng giá nguyên liệu thì đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là người nuôi, đặc biệt là với những hộ nuôi quy mô vừa và nhỏ. “Người nuôi tôm như tôi chỉ mong muốn giá thức ăn được ổn định, đầu ra tốt để chúng tôi yên tâm sản xuất”, anh MH, chủ vuông tôm ở Thái Bình tâm sự.

“Nếu giá thức ăn cho tôm cứ liên tục tăng như hiện nay, mà không có sự can thiệp từ Chính phủ cũng như hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, người nuôi như chúng tôi khó có thể bám trụ với nghề, bởi một vụ tôm hiện đang phải gánh quá nhiều chi phí, trong khi đầu ra thì bấp bênh, không ổn định. Nếu chi phí đầu vào và đầu ra không thể cân đối được, những lứa tới tôi có thể sẽ phải treo ao vì không đủ kinh phí để gối vụ”, anh Nguyễn Triệu, chủ vuông tôm tại Trà Vinh chia sẻ.

Hai nhóm chính tác động chủ yếu đến giá thành thức ăn chăn nuôi chính là ngô hạt và khô dầu đậu tương, đây là những nguyên liệu chúng ta đang thiếu, và là thế mạnh của các nước thuộc khu vực Nam Mỹ và Bắc Mỹ – vùng có lợi thế về sản xuất các nguyên liệu ngũ cốc. Điều này gây ra sự phụ thuộc của hoạt động sản xuất trong nước với những loại nguyên liệu nhập khẩu, thể hiện rõ nhất khi chúng ta phải đối mặt với đứt gãy do dịch bệnh Covid-19 hay ảnh hưởng bởi vấn đề mùa vụ của các nước Nam Mỹ, khiến giá ngũ cốc chịu ảnh hưởng trực tiếp, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn Nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm.

Các mặt hàng ngô, đậu tương, lúa mì được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá trong năm 2021. Tình hình những tháng đầu năm 2021 có rất nhiều biến động, không chỉ với thức ăn, mà thuốc thủy sản và con giống cũng đều đồng loạt tăng giá, góp phần khiến bài toán chi phí và lợi nhuận của người nuôi tôm ngày một phức tạp.

Phúc Bảo

Bộ NN&PTNT: Mỗi năm, toàn ngành nông nghiệp có thể cung cấp 4 triệu tấn cám, khoảng dưới 4 triệu tấn sắn để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong khi nhu cầu cần tới 27 triệu tấn các loại. Hơn nữa, các loại ngô, đậu tương, lúa mì lại không phải là cây trồng thế mạnh của Việt Nam.

Cục Chăn nuôi: Ban hành công văn số 141/CN-TĂCN ngày 21/01/2021 về tình hình giá và sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi:

Thời gian gần đây giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) nhất là các loại ngũ cốc liên tục tăng cao và dự báo sẽ còn giữ ở mức cao này đến Quý II năm 2021 gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất chăn nuôi trong nước. Nhằm giảm thiểu tác động bất lợi này, Cục Chăn nuôi đề nghị các tổ chức, cá nhân sản xuất TĂCN thực hiện một số nội dung sau:

  1. Sử dụng tiết kiệm triệt để, hiệu quả nguồn nguyên liệu để hạ giá thành sản xuất TĂCN;
  2. Tăng cường các giải pháp tìm kiếm, tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu;
  3. Thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến giá nguyên liệu TĂCN trên thế giới và trong nước để có giải pháp ứng phó kịp thời;
  4. Điều chỉnh mức độ và lộ trình thay đổi giá bán TĂCN phù hợp không gây ảnh hưởng nhiều làm xáo trộn sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước.