Người nuôi tôm nên chọn nguồn giống chất lượng được phân phối bởi các doanh nghiệp, cơ sở có uy tín cao trên thị trường.
Với sự chuẩn bị chu đáo từ công tác cải tạo ao đầm, lựa chọn nguồn giống, đầu tư cơ sở hạ tầng… người nuôi tôm Hà Tĩnh đang khởi động vụ nuôi tôm xuân hè 2021 với hi vọng sẽ giành được nhiều thắng lợi.
Những ngày này, bà con vùng nuôi tôm của HTX Nuôi trồng thủy sản Tiểu Láng (xã Kỳ Hà, TX Kỳ Anh) đang tất bật cải tạo ao đầm, thực hiện các điều kiện cần thiết để xuống giống vụ tôm xuân hè 2021.
Ông Lê Quang Anh – Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Tiểu Láng cho biết: HTX hiện đang có 45 thành viên tham gia. Chúng tôi sẽ thả nuôi hết 100% số diện tích với gần 37 ha. Quá trình cải tạo ao đầm năm nay tốn thời gian, nhân lực hơn vì sau trận lũ lịch sử hồi tháng 10/2020, các hộ đều gần như bỏ trống ao, không tiến hành thả nuôi trong một thời gian dài.
Kiểm tra nguồn nước cấp cũng là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho vụ nuôi tôm thắng lợi.
“Đến nay, công tác cải tạo đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị bơm nước vào để xử lý và chờ ngày thả giống. Việc lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng cũng được các hộ nuôi đặc biệt quan tâm, chú trọng. Bà con rất kỳ vọng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, vụ tôm này sẽ thuận lợi để “gỡ” lại phần nào thiệt hại trong năm 2020 vừa qua” – ông Anh cho biết thêm.
Được biết, theo kế hoạch, vụ nuôi tôm xuân hè năm 2021, TX Kỳ Anh sẽ thả nuôi 510 ha với hơn 138 triệu con tôm giống (chủ yếu tôm sú, tôm thẻ chân trắng), tập trung tại các vùng nuôi trọng điểm như: xã Kỳ Hà, xã Kỳ Ninh, phường Kỳ Trinh…
Bà Nguyễn Thị Thuỷ – Phó trưởng phòng Quản lý đô thị và Kinh tế TX Kỳ Anh cho biết: “Huyện đã hướng dẫn bà con tập trung cải tạo, chuẩn bị ao đầm; kiểm tra lại nguồn nước, môi trường nuôi; tuân thủ lịch thời vụ quy định; tiến hành tập huấn về các nội dung trọng tâm. Cùng với đó, trong thời gian gần đây, việc chuyển sang thâm canh công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học đang được người nuôi quan tâm đầu tư hơn”.
Người nuôi tôm vùng Hà Lầm (Thạch Sơn) thau rửa ao đầm, hạn chế mầm bệnh.
Là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm lớn của huyện Nghi Xuân, bà con nông dân xã Xuân Phổ cũng đang dồn sức để nhanh chóng hoàn tất công việc chuẩn bị cho vụ mùa mới.
Anh Hồ Quang Dũng (xã Xuân Phổ, Nghi Xuân) chia sẻ: “Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng tôi tiến hành vệ sinh thật kỹ nhằm loại bỏ mầm bệnh tồn dư trong ao nuôi; xử lý hệ thống kênh cấp, thoát nước, ao chứa lắng; cải tạo lại hệ thống bờ kè bị sụt lún, hư hỏng trong đợt lũ 2020…
Khởi đầu vụ nuôi năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ thả 1,5 triệu con giống của Tập đoàn Việt – Úc, Công ty TNHH Thông Thuận vào các nhà ươm, khi tôm giống được gần 1 tháng mới đưa ra môi trường tự nhiên với diện tích gần 5,5ha”.
Không chỉ có TX Kỳ Anh, huyện Nghi Xuân, mà nhiều vùng nuôi tôm lớn trên địa bàn tỉnh như: huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà… bà con đang tập trung vệ sinh hệ thống kênh cấp, thoát nước, ao chứa lắng, đồng thời vét bùn đáy ao, vỗ bờ; lựa chọn con giống, thức ăn chuẩn bị cho vụ nuôi lớn và quan trọng nhất trong năm.
Một số hộ đã hoàn thành việc lấy nước vào ao nuôi chờ điều kiện thích hợp để xuống giống.
Được biết, theo khung lịch thời vụ năm 2021 của Sở NN&PTNT, tôm thẻ có thể bắt đầu thả giống từ đầu tháng 3 dương lịch và tôm sú là từ tháng 4. Toàn tỉnh dự kiến sẽ sản xuất trên diện tích 2.526 ha với hơn 869 triệu con giống. Trong đó, TP Hà Tĩnh 310 ha, thị xã Kỳ Anh 510 ha, Kỳ Anh 591 ha, Cẩm Xuyên 300 ha, Thạch Hà 266 ha, Lộc Hà 125 ha, Nghi Xuân 424 ha.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy – Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Đối với vụ nuôi xuân hè năm nay, ngành chuyên môn đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các xã, phường, thị trấn phổ biến lịch thời vụ, quản lý chặt chẽ việc thả giống, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, thực hiện kiểm soát con giống và các yếu tố đầu vào; khuyến cáo các vùng, cơ sở nuôi liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp sản xuất giống trong việc cung ứng, ký kết hợp đồng.
Đồng thời, hướng dẫn người nuôi nên ương dưỡng 2 – 3 giai đoạn trong nhà ươm rồi mới thả giống cỡ lớn ra môi trường tự nhiên; thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của tôm; khi có dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn để có hướng xử lý…”.
Thái Oanh – Ngọc Loan Báo Hà Tĩnh
Từ khóa