Xung quanh việc nuôi tôm thẻ chân trắng tại Hải Dương

Dù hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại thủy sản khác nhưng vẫn nên cân nhắc việc nuôi tôm thẻ chân trắng bởi tỷ lệ hao hụt cao, người nuôi dễ gặp rủi ro và có nguy cơ tác động xấu về môi trường.

Các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở Hải Dương chỉ ở quy mô nhỏ lẻ và rải rác ở một số huyện

Những năm gần đây, nhiều mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng cho giá trị kinh tế cao hơn các loại thủy sản khác. Dù vậy, loại tôm này vẫn khá mới nên cần thêm thời gian để đánh giá toàn diện về hiệu quả và rủi ro.

Hiệu quả kinh tế cao

Nuôi cá nhiều năm nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao nên năm 2021, anh Nguyễn Văn Mạng ở thôn Quảng Tân (Nam Sách) chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Là hộ đầu tiên trong xã nuôi giống mới nên những vụ đầu anh Mạng không tránh khỏi thất bại do thiếu kỹ thuật và kinh nghiệm. Không bỏ cuộc, anh Mạng học hỏi kinh nghiệm thực tế ở nhiều nơi, tìm hiểu thêm trên sách báo. Đến nay, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Mạng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo anh Mạng, mỗi vụ nuôi tôm kéo dài khoảng 3 tháng, một năm nuôi được 3 vụ. Hiện anh có 1,3 mẫu ao nuôi tôm, thả khoảng 10 vạn tôm giống. Chi phí cho mỗi vụ nuôi tôm gần 100 triệu đồng gồm thức ăn chăn nuôi, men vi sinh và một số chế phẩm khác. Với giá bán dao động từ 110.000 – 200.000 đồng/kg (tùy từng kích cỡ), vụ nào ít cũng lãi gần 100 triệu đồng, có vụ anh lãi trên 300 triệu đồng. So với nuôi cá, nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả kinh tế cao hơn trong khi chi phí đầu tư ít hơn.

Tôm thẻ chân trắng nuôi trong nước ngọt cho chất lượng thịt thơm ngon hơn so với nuôi ở nước lợ

Ông Bùi Hữu Trai ở thôn Quý Khê, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) phấn khởi vì vừa thu hoạch lứa tôm thẻ chân trắng đầu tiên. Với 8 sào ao, ông thu được 4 tạ tôm, bán cho thương lái với giá 195.000 đồng/kg. Trước đó cả tháng, ông đã bắt đầu thu tỉa từ 7 – 8 tạ bán lẻ cho người dân trong vùng. Ông Trai tính toán, vụ đầu tiên nuôi nên tỷ lệ tôm hao hụt tới 40%, bù lại giá bán ổn định, trừ chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng, ông lãi trên 50 triệu đồng. “Vụ tới, tôi sẽ chuyển toàn bộ 1,5 mẫu ao nuôi cá sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Dù tỷ lệ hao hụt nhiều nhưng lợi nhuận cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với nuôi cá nên tôi vẫn muốn thử sức với giống mới này”, ông Trai nói.

Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, hiện nay, một số hộ nuôi cá ở xã Cẩm Hoàng đang chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Dù là nuôi thử nghiệm, các hộ nuôi chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật nhưng mô hình đã bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều mô hình nuôi thủy sản khác. Huyện cũng đang đề xuất xây dựng mô hình thí điểm nuôi tôm thẻ chân trắng để đánh giá rõ hơn hiệu quả kinh tế và các rủi ro do mô hình mang lại.

Rủi ro

Hiện tại, nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cá là điều đã được nhiều hộ chăn nuôi khẳng định. Tuy nhiên, với tỷ lệ hao hụt lên đến 40%, thậm chí cao hơn thì rủi ro mà tôm thẻ chân trắng mang đến rất lớn.

Ông Vũ Tiến Phương ở thôn Kim Đôi, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) cũng có 1 mẫu nuôi tôm thẻ chân trắng và đã thu lãi trên 50 triệu đồng sau 3 tháng nuôi. Lãi cao nhưng ông vẫn không khỏi lo lắng về những rủi ro mà con tôm mang lại. Ông Phương chia sẻ: “Khác hoàn toàn với nuôi cá, người nuôi tôm phải chú ý quan sát tỉ mỉ từ sự thay đổi nhỏ nhất của thời tiết, môi trường nước đến giờ cho tôm ăn. Để thu được lợi nhuận từ con tôm thì người nuôi phải bỏ công sức nhiều hơn so với các loài khác. Ở chỗ tôi nhiều hộ cũng đã xuống giống tôm nhưng không phải hộ nào cũng được thu hoạch, nhiều hộ đã đầu tư vốn liếng nhưng mất trắng”.

Tôm thẻ chân trắng nuôi trong nước ngọt cho chất lượng thịt thơm ngon hơn so với nuôi ở nước lợ

Ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đã xuất hiện từ nhiều năm nay và ngày càng được nhân rộng vì giá trị kinh tế cao, thời gian nuôi ngắn và đặc biệt nuôi được trong nước ngọt mà vẫn tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, mô hình này cũng đang gây tranh cãi. Do quy mô nhỏ lẻ và mang tính tự phát nên việc người dân tự ý nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt đã gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái khu vực do chưa có hệ thống xử lý nước thải hợp lý mà hầu hết là thải trực tiếp ra sông ngòi. Ở nhiều nơi, người nuôi còn bổ sung độ mặn cho ao nuôi tôm bằng cách rải thêm muối hột vào ao làm cho nước ở khu vực này bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến canh tác lúa cũng như nuôi thủy sản ở vùng lân cận. Tại Hải Dương, mô hình này xuất hiện khoảng 7 – 8 năm nay và nuôi tự phát với quy mô nhỏ lẻ rải rác ở một số huyện nên hiện tại chưa gây tác động xấu đến môi trường sinh thái của khu vực.

Theo ông Mạc Đăng Mạnh, Trưởng Phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng cần có thêm thời gian để đánh giá toàn diện về giá trị kinh tế cũng như những tác động lâu dài do nuôi tôm mang lại, đặc biệt là các tác động về môi trường. Nhìn chung, mô hình này đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật, môi trường nuôi… nên nếu phát triển theo quy mô lớn thì vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

TRẦN HIỀN

Nguồn: Baohaiduong.vn