Xử lý tảo đỏ – tảo giáp trong ao nuôi tôm

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Tảo đỏ – tảo giáp là một trong những vấn đề nan giải trong ao nuôi tôm. Nếu không được xử lý kịp thời, loại tảo này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe và năng suất của tôm.

Tảo đỏ – tảo giáp ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tôm (Ảnh: Khoa học Việt Đức)

Tảo đỏ – tảo giáp ảnh hưởng tiêu cực đến tôm trong ao nuôi do tôm không thể tiêu hóa loại tảo này, bởi chúng có vách tế bào cứng. Trong một số trường hợp, tảo giáp tích tụ trong ruột tôm có thể gây tắc nghẽn hoặc đứt đoạn đường ruột. Tảo giáp xuất hiện với mật độ cao thường làm cho tôm nổi đầu vào ban đêm hoặc sáng sớm do thiếu oxy trong nước. Đồng thời, nước trong ao bị phát sáng cũng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sinh hoạt của tôm nuôi.

Nhiều loại tảo giáp có thể gây ra các vấn đề từ thiếu oxy, ngộ độc thức ăn, thần kinh đến tê liệt đối với các loài động vật. Các tế bào tảo giáp này cũng sẽ gây tổn hại hoặc tắc nghẽn mạng lưới hệ tiêu hóa của các loài động vật có vỏ.

Để phòng ngừa và xử lý hiệu quả tảo đỏ – tảo giáp trong ao nuôi tôm, có thể áp dụng các biện pháp sau:

Biện pháp phòng ngừa

– Không nên lấy nước và thay nước cho ao nuôi khi có hiện tượng tảo nở hoa đỏ (thủy triều đỏ) ở các nguồn nước lân cận.

– Trước khi cấp vào ao nuôi, nước phải được xử lý bằng vi sinh để giảm mật độ tảo sau khi cấp.

– Sử dụng vi sinh định kỳ trong ao nuôi để duy trì chất lượng nước và không xảy ra tình trạng tảo phát triển quá mức.

– Khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, tăng sục khí và siphon đáy định kỳ để quản lý nước ao tốt hơn.

– Cho ăn hợp lý, tránh cho ăn thừa. Biện pháp xử lý

– Khi phát hiện có dấu hiệu của tảo đỏ – tảo giáp trong ao nuôi, cần kiểm tra mật độ, loại và mức độ nguy hiểm của loài tảo này để có thể xử lý kịp thời.

– Nếu mật độ của loài tảo này không quá cao, bạn có thể sử dụng các chất hấp thu như than hoạt tính, zeolite, bentonite… để giảm mật độ của chúng trong nước.

– Nếu mật độ của loài tảo này cao và có nguy cơ gây ngộ độc cho tôm nuôi, bạn cần thay nước nếu như có nước sạch và dùng thêm vi sinh. Nếu không có nước thay thì dùng vi sinh giảm mật độ tảo.

Việc phòng ngừa và xử lý tảo đỏ – tảo giáp trong ao nuôi tôm là một vấn đề quan trọng. Bằng cách áp dụng các biện pháp phòng ngừa như tránh sử dụng nước có tảo, xử lý nước bằng vi sinh, duy trì chất lượng nước và đảm bảo việc cho ăn hợp lý, chúng ta có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của tảo đỏ – tảo giáp đến ao nuôi tôm và đảm bảo sự phát triển và sức khỏe của tôm trong quá trình nuôi.

 Thái An (Theo Nam Miền Trung)