Xây dựng chuỗi giá trị con tôm

Quảng Ninh xác định tôm là đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực của địa phương. Những năm qua, diện tích, giá trị, sản lượng tôm nuôi của tỉnh không ngừng tăng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa hình thành chuỗi giá trị cho con tôm, làm giảm giá trị, sức cạnh tranh, tiêu thụ chủ động.

Kỹ sư Tập đoàn Việt Úc kiểm tra tốc độ sinh trưởng của tôm giống.

Những năm gần đây, việc nuôi tôm trên địa bàn tỉnh chuyển dần từ phương thức quảng canh, quảng canh cải tiến sang hình thức bán thâm canh, thâm canh. Các mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi trong nhà kính, nuôi công nghệ Biofloc, nuôi đa giai đoạn… được áp dụng rộng rãi. Một số cơ sở đã áp dụng nuôi tôm trong nhà màng đem lại hiệu quả cao, nuôi được trong thời tiết nhiệt độ thấp, mưa nhiều. Toàn tỉnh hiện có 7.000ha nuôi tôm, trong đó trên 4.200ha thâm canh, bán thâm canh công nghiệp.

Bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng, năm 2017, tỉnh phê duyệt dự án Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại huyện Đầm Hà, do Công ty TNHH Việt Úc – Quảng Ninh làm chủ đầu tư, nhằm chủ động cung ứng con giống chất lượng cao, diện tích gần 170ha. Từ năm 2019, Công ty hoàn thiện giai đoạn I của dự án, gồm khu sản xuất tôm giống công suất 8 tỷ con/năm; khu nhà sản xuất tảo, Artemia và phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế, đưa vào vận hành, phục vụ sản xuất con giống tại Quảng Ninh. Từ năm 2022, các trại giống của Công ty sẽ sản xuất 2 tỷ con giống trở lên/năm.

Công nhân Công ty CP Thủy sản BNA Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) sơ chế tôm.

Trên địa bàn tỉnh đã có một số cơ sở thực hiện chế biến tôm. Điển hình như Công ty CP Thủy sản BNA Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ), đi vào hoạt động từ năm 2017, là nhà máy chế biến thuỷ sản hàng đầu khu vực phía Bắc được Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) chứng nhận điều kiện cơ sở hạ tầng, quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn HACCP. Từ năm 2020 đến nay, nhà máy đi vào sản xuất các nhóm sản phẩm tươi đông lạnh, sản phẩm hấp đông lạnh, ướp muối, sống…, công suất 15 tấn tôm/ngày, tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước.

Mặc dù đã có các yếu tố đầu vào, nuôi trồng, thu mua, chế biến, tiêu thụ, song đến nay trên địa bàn tỉnh chưa hình thành chuỗi giá trị tôm. Bởi hầu hết các yếu tố trong chuỗi giá trị rời rạc, manh mún, thiếu sự liên kết. Trong đó, thay vì được bán cho các cơ sở sản xuất, phần lớn tôm thu hoạch trên địa bàn tỉnh tiêu thụ trong nước dưới dạng thô, chưa sơ chế, chưa chế biến. Điều này khiến cho việc tiêu thụ dễ rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”; khó khăn trong kiểm soát chất lượng, dư lượng kháng sinh, an toàn thực phẩm; thiếu vốn đầu tư sản xuất…; đặc biệt khiến cho giá trị của con tôm không cao. Năm 2021, tổng sản lượng tôm thu hoạch toàn tỉnh đạt 14.000 tấn, giá trị 1.400 tỷ đồng.

Nhằm nâng cao giá trị của con tôm và ngành tôm, thời gian tới ngành NN&PTNT tỉnh tập trung xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị ngành tôm, từ sản xuất cung ứng giống, vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất, đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi. Trong đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản; cơ cấu lại diện tích, đối tượng nuôi phù hợp, hoàn thiện quy trình nuôi nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; từng bước chủ động nguồn giống đáp ứng nhu cầu con giống cho các vùng nuôi; tăng cường công tác quản lý, giám sát, chủ động phòng chống dịch bệnh thủy sản; sắp xếp lại hoạt động của các cơ sở chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị có lộ trình thực hiện di dời các cơ sở chế biến thủy sản vào CCN, KCN, khu dịch vụ hậu cần nghề cá theo quy hoạch.

Cao Quỳnh

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh