Xã Thanh Thủy phát triển vùng nuôi tôm theo hướng công nghệ cao

Tôm thẻ chân trắng là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của xã Thanh Thủy (thị xã Nghi Sơn) với diện tích nuôi thả là 234 ha. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do thời tiết và một số tác nhân khác khiến dịch bệnh xảy ra nhiều. Để ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, một bộ phận người nuôi đã sử dụng thuốc, các chất hóa học không an toàn, gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe con người. Nhằm hạn chế tình trạng trên, 2 – 3 năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm công nghiệp theo phương pháp truyền thống sang mô hình nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu cho kết quả khả quan.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao tại xã Thanh Thủy cho hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình là hộ gia đình anh Trần Văn Đồng, xã Thanh Thủy. Gắn bó với nghề nuôi tôm hơn chục năm, trải qua không ít khó khăn song với bản tính kiên trì, không nản chí, lại say mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nên anh đã thành công. Năm 2019, anh Đồng quyết định đầu tư hơn 3 tỷ đồng để cải tạo lại khu nuôi, xây dựng bể nổi có mái che ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao. Các bể được thiết kế hình tròn, khung sắt lót bạt HDPE xung quanh và hệ thống cung cấp ôxy bao quanh cùng với máy móc, thiết bị cần thiết. Nuôi tôm trong bể có thể thả nuôi với mật độ 300 con/m2. Đáng chú ý, các bể đầu tư nuôi tôm công nghiệp theo hướng công nghệ cao đều có mái che, tạo điều kiện cho tôm sinh trưởng, phát triển tốt. Với hình thức nuôi này, rất thuận lợi trong việc chăm sóc, quản lý tôm nuôi, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường trong ao, các chỉ tiêu môi trường luôn duy trì ổn định. Sử dụng vi sinh định kỳ trong suốt quá trình nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tôm nuôi phát triển tốt.

Đến nay, anh Trần Văn Đồng đã mở rộng quy mô nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp của mình lên 24 ha với 6 ao nuôi tôm. Anh khẳng định, xây dựng bể nổi có mái che ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao có rất nhiều ưu điểm, như: môi trường ít biến động, nhiệt độ ổn định hơn, dễ kiểm soát mầm bệnh lây lan… Vì hạn chế được tối đa rủi ro, nên dù mật độ nuôi cao, dao động từ 250 đến 300 con/m2 song con nuôi vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Với bể nuôi có diện tích 350m2, năng suất trung bình mỗi vụ đạt hơn 10 tạ/vụ, doanh thu đạt khoảng 130 đến 150 triệu đồng/vụ, lợi nhuận đạt 40 đến 50 triệu đồng/vụ. Như vậy, nếu sản xuất 3 vụ trong năm thì lợi nhuận bể đạt từ 120 đến 150 triệu đồng/năm. Năm qua, anh Đồng đã thu hoạch được trên 5 tấn tôm, bán với mức giá 280 nghìn đồng/kg loại 40 con/kg.

Để nói về hiệu quả kinh tế, anh Trần Văn Đồng đánh giá: “Nhờ chuyển sang áp dụng mô hình nuôi công nghệ cao đàn tôm lớn nhanh hơn, khỏe mạnh, đặc biệt là dư lượng kháng sinh không có, tôm thành phẩm sạch hoàn toàn, bóng đẹp nên đầu ra tiêu thụ tốt hơn rất nhiều”.

Ông Nguyễn Văn Tường, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết: “Từ kết quả thực tiễn cho thấy, nuôi tôm công nghệ cao là mô hình có tính bền vững, mở ra một hướng đi hiệu quả, đầy triển vọng cho người nuôi tôm thâm canh trên địa bàn tỉnh, nhất là những ao trước đây thường xảy ra dịch bệnh, môi trường suy thoái. Hình thức nuôi này cần được nhân rộng trong thời gian tới, đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế ổn định và bền vững cho các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn xã nói riêng và địa bàn tỉnh nói chung, góp phần thúc đẩy kinh tế thủy sản ngày càng phát triển hơn”.

Bài và ảnh: Chi Phạm

Nguồn tin: Baothanhhoa.vn