Vì sao Nghị quyết hỗ trợ nuôi tôm thẻ chân trắng khó khả thi?

Toàn tỉnh Thanh Hóa chưa có hộ dân nào được hưởng chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng theo Nghị quyết 20.

Người nuôi khó đáp ứng tiêu chí

Để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất theo hướng chuyên sâu, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 về chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2025, trong đó có nuôi tôm thẻ chân trắng.

Theo đó, các doanh nghiệp, cá nhân nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ 30% tổng chi phí đầu tư gồm: Chi phí mua sắm máy móc, thiết bị; chi phí chuyển giao công nghệ (nếu có); chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; chi phí đào tạo, tập huấn kỹ thuật… Mức hỗ trợ không quá 3 tỷ đồng/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Để nhận được hỗ trợ, các nhóm đối tượng trên phải đảm bảo các điều kiện về diện tích ao nuôi, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản; máy móc thiết thị mua mới 100% và có xuất xứ rõ ràng; đã sản xuất ít nhất 1 vụ…

Xã Hoằng Yến là địa phương có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng lớn của huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm kể từ khi Nghị quyết có hiệu lực, việc hỗ trợ vốn cho nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Toàn tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có hộ dân nào được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, bởi theo người dân, các điều kiện đưa ra tại Nghị quyết 20 rất khó đáp ứng.

Năm 2022, anh Trần Văn Đông (thôn Phượng Cát, xã Thanh Thủy, thị xã Nghi Sơn) đầu tư 20 ha nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ cao với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng. Chủ đầm tôm cho biết, từ khâu thiết kế, xây dựng đến kỹ thuật nuôi thả tôm, anh đều tự mày mò, học hỏi để thực hiện.

“Các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng chủ yếu tự học, nghiên cứu để xây dựng hệ thống ao nuôi chứ ít ai để ý đến quy chuẩn cụ thể. Bên cạnh đó, các hộ dân nuôi tôm theo kinh nghiệm thực tiễn chứ không nhận chuyển giao khoa học công nghệ từ đơn vị nào cả… Do đó, đối với người dân, để đáp ứng đầy đủ điều kiện đưa ra tại Nghị Quyết 20 là rất khó khăn”, anh Đông chia sẻ.

Bà Đặng Thị Hương, chủ đầm tôm công nghệ cao tại xã Hoằng Yến, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ảnh: Tâm Phùng.

Tương tự, bà Đặng Thị Hương (hộ nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Hoằng Yến, Hoằng Hóa) cũng cho rằng, việc đáp ứng các điều kiện về hóa đơn, chứng từ, chứng minh xuất xứ hàng hóa đối với người dân để nhận hỗ trợ là rất khó khăn.

“Đối với người nuôi tôm, càng tối giản chi phí đầu tư thì càng có lợi. Nhiều khi chúng tôi mua máy móc cũ chỉ nói miệng với nhau rồi đưa tiền chứ có để ý gì đến hóa đơn chứng từ đâu. Bây giờ nếu bỏ tiền đầu tư mới để đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo Nghị quyết 20 thì rất tốn kém và lãng phí. Thậm chí tiền đầu tư để hưởng hỗ trợ của nhà nước còn cao hơn nhiều lần tiền hỗ trợ”, bà Hương chia sẻ.

Có tiền nhưng không tiêu được

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 19.200 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có 238 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ cao. Có gần 70 hộ dân có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng nuôi trong nhà màng, nhà lưới đạt diện tích từ 0,5 ha trở lên chủ yếu tập trung tại các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Nga Sơn, Nghi Sơn.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa, năm 2023, vốn phân bổ cho chương trình (trong đó có việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng) khoảng 40 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, có 3 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đăng ký xét duyệt, nhưng không đảm bảo điều kiện theo quy định.

Đầm tôm công nghệ cao của gia đình bà Đặng Thị Hương tại xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Đỗ Văn Huân, Trưởng phòng quản lý cơ sở (Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa) lý giải nguyên nhân: “Có hộ dân đủ điều kiện về diện tích nuôi nhưng lại thiếu các thủ tục về chứng nhận VietGap hoặc GlobalGap. Có hộ dân đủ diện tích nuôi nhưng không đủ điều kiện về hệ thống xử lý nước thải. Có trường hợp đáp ứng về hạ tầng, nhưng lại thiếu chuyển giao công nghệ nên không đảm bảo điều kiện thụ hưởng theo quy định tại Nghị quyết 20…”, ông Huân chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó phòng NN-PTNT huyện Hậu Lộc cho hay, trên địa bàn huyện Hậu Lộc có hàng chục hộ dân đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao. Các hộ nuôi chủ yếu tự học, tự đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với khả năng kinh tế và kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, huyện Hậu Lộc không có hộ dân nào đảm bảo điều kiện thụ hưởng chính sách do các tiêu chí đưa ra trong Nghị quyết 20 khá cao.

Quốc Toản – Tâm Phùng

Nguồn: Báo Nông nghiệp

Tin mới nhất

T5,02/05/2024