Vasep: Xuất khẩu tôm sẽ thu hẹp mức sụt giảm trong quý III và có thể phục hồi trong quý IV/2023

Tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ và Trung Quốc, cùng sự hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp, dự kiến mức sụt giảm trong kim ngạch xuất khẩu tôm trong quý III/2023 sẽ thu hẹp so với cùng kỳ và có thể phục hồi trở lại trong quý cuối năm.


Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), trong tháng 7, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt hơn 320 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đây là mức giảm thấp nhất kể từ đầu năm nay. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 1,8 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ.

Về sản phẩm xuất khẩu, giá trị xuất khẩu các sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú chế biến giảm mạnh hơn so với các sản phẩm tươi/đông lạnh. Còn xuất khẩu tôm loại khác đóng hộp và tôm khác khô ghi nhận tăng; giá trị xuất khẩu các sản phẩm tôm còn lại đều giảm ở mức 2 con số.

Trong tháng 7/2023, xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Anh, Australia tiếp tục ghi nhận tăng trưởng âm từ 15 – 46%. Trong khi đó, một số thị trường nhỏ như Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sĩ tăng trưởng dương từ 18 – 63%.

Điểm nổi bật trong tháng 7 đó là tăng trưởng dương trong kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ, Trung Quốc và Hồng Kông.

Đối với thị trường Mỹ, sau khi tăng trưởng âm liên tục trong suốt 6 tháng đầu năm, sang tháng 7, xuất khẩu tôm đã ghi nhận mốc tăng trưởng dương đầu tiên với 14% so với cùng kỳ, đạt 76 triệu USD. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 375 triệu USD, giảm 32%.

Theo số liệu được công bố của nước này, Mỹ đã nhập khẩu tổng cộng 361.693 tấn tôm, trị giá 3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, giảm 18% về sản lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tôm trung bình trong nửa đầu năm 2023 đạt 8,29 USD/kg, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái (9,52 USD/kg).

Ấn Độ là nhà cung cấp tôm lớn nhất của Mỹ trong 6 tháng đầu năm, với tổng 129.260 tấn tôm, trị giá 1 tỷ USD, giảm 15% về sản lượng và 27% về giá trị so với cùng kỳ. Riêng tháng 6, Mỹ chỉ nhập khẩu 23.274 tấn tôm Ấn Độ, trị giá 183,5 triệu USD, sụt giảm 26% về sản lượng và 37% về giá trị. Giá trung bình vào khoảng 7,88 USD/kg, thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với Trung Quốc và Hồng Kông, trong tháng 7, xuất khẩu tôm Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương tháng thứ hai kể từ đầu năm ở mức 49%, đạt 57 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này vẫn giảm 9% so với cùng kỳ, đạt 338 triệu USD.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, lượng nhập khẩu tôm nước ấm của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái lên 502.669 tấn. Tổng giá trị nhập khẩu tăng 29% lên 2,84 tỷ USD. Điều này cho thấy nhu cầu tôm của Trung Quốc đang tăng mạnh mẽ bất chấp kinh tế phục hồi chậm chạp sau dịch Covid-19.

Nửa đầu năm nay, Ecuador tiếp tục tăng mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi Ecuador đẩy mạnh xuất hàng tồn kho giá rẻ kèm với việc thu hoạch bị hạn chế bởi thời thời tiết, thì nguồn hàng của nước này trong những tháng cuối năm sang Trung Quốc được cho là sẽ giảm bớt.

Nhu cầu thị trường Trung Quốc vẫn tốt nên Vasep dự báo từ tháng 8 đến cuối năm, nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc sẽ tăng mạnh nhằm phục vụ dịp Trung Thu, Quốc Khánh và các dịp lễ hội cuối năm. Dự báo hết năm 2023, xuất khẩu thủy sản sẽ đạt khoảng trên 9 tỷ USD, giảm 15 – 16%.

“Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng từ thị trường Mỹ và Trung Quốc trong tháng 7 cho thấy nhu cầu từ thị trường tiêu thụ lớn đang có dấu hiệu “ấm dần”. Giai đoạn nửa cuối năm nay, qua cao điểm mùa vụ, sức cung giảm, giá tôm cũng gần chạm đáy, nhà nhập khẩu có động lực mua tích trữ. Mùa lễ hội, hàng chế biến sâu dễ tiêu thụ hơn cũng là lợi thế cho tôm Việt Nam”, Vasep đánh giá.

Cũng từ hiệu tích cực từ thị trường Mỹ và Trung Quốc, doanh nghiệp cũng đã có sự chuẩn bị cho đợt tăng tốc cuối năm. Cùng với sự sát cánh hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp từ Chính phủ, Bộ ngành, Vasep dự kiến mức sụt giảm trong kim ngạch xuất khẩu tôm trong các tháng quý III/2023 sẽ thu hẹp dần so với cùng kỳ và có thể phục hồi trở lại trong quý cuối năm.

Thêm một thông tin đáng chú ý là ngày 24/8, Cơ quan Hải quan Trung Quốc tuyên bố cấm nhập khẩu tất cả thủy sản từ Nhật Bản khi Tokyo bắt đầu xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhật Fukushima ra biển.

Hải quan Trung Quốc cho biết động thái này nhằm ngăn chặn các rủi ro an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng do ô nhiễm phóng xạ từ nước thải hạt nhân Fukushima gây nên.

Vào tháng trước, Trung Quốc cũng ban lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ 10/47 tỉnh của Nhật Bản. Trong khi năm 2022, nước này đã nhập khẩu từ Nhật Bản khoảng 370 triệu USD các loài giáp xác và động vật thân mềm như cua, sò điệp… Điều này sẽ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường này.

Hồng Ân

Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn