USSEC thúc đẩy Việt Nam phát triển NTTS hiệu quả, an toàn và bền vững

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Công nghệ Sông trong ao – In pond Racway System (IPRS) do Hội đồng Xuất khẩu đậu tương Hoa Kỳ (USSEC) phổ biến được Bộ NN&PTNT và ICARS chọn là một trong những giải pháp can thiệp nhằm giảm sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), từ đó giúp Bộ NN&PTNT rà soát chính sách để khuyến khích áp dụng rộng rãi hơn công nghệ này nhằm thúc đẩy giải pháp NTTS an toàn, bền vững và hiệu quả.

Đoàn chuyên gia tới tham quan trang trại nuôi cá ứng dụng công nghệ IPRS Nam Sông Hồng nằm ven con đê sông Châu Giang, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu của châu Á, trong đó có sản phẩm cá tra, cá rô phi. Năm 2023, diện tích thả nuôi cá rô phi nước ta đạt 30.000 ha, sản lượng 270.000 tấn, tăng 3,8% so với năm 2022. Diện tích thả nuôi cá tra đạt 5.700 ha, sản lượng  đạt 1,71 triệu tấn, tăng 0,6% so với năm 2022. Diện tích nuôi mở rộng kéo theo rủi ro về dịch bệnh, dẫn tới việc người nuôi lạm dụng kháng sinh trong phòng và điều trị. Lạm dụng thuốc kháng sinh và sử dụng kháng sinh không đúng cách sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Do đó, công tác kiểm soát việc sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi thủy sản là vô cùng cần thiết.

Nhằm thúc đẩy việc giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam, ngày 28/02/2024, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Trung tâm Quốc tế về Giải pháp giảm thiểu kháng kháng sinh Đan Mạch (ICARS) và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (RIA I) tổ chức họp khởi động chương trình hợp tác nghiên cứu “Giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong nuôi cá tra và cá rô phi ở Việt Nam”. Hợp tác nghiên cứu kéo dài trong 3 năm (2024-2027), được tài trợ bởi Trung tâm ICARS với tổng kinh phí là 631.050 USD.

IPRS: Giải pháp tối ưu giảm thiểu kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản

PRS là công nghệ nuôi bền vững với mật độ cao giúp tăng năng suất nuôi bằng việc sử dụng ít diện tích nuôi, do vận dụng nguyên lý nước lưu thông trong ao, có thể nuôi, thả cá liên tục quanh năm. Công nghệ này được phát minh bởi Đại học Auburn và được USSEC phổ biến tới người nuôi thủy sản trên nhiều quốc gia nhằm tăng sản lượng và chất lượng thủy sản một cách hiệu quả, bền vững.

Với nguyên lý hoạt động đáp ứng được yếu tố bền vững như xử lý nước tuần hoàn không cần thay nước vì có hệ thống xử lý 2 lần nước, nước tuần hoàn trở lại máng nuôi là nước sạch. Thiết kế hệ thống tự xử lý chất thải nhờ vào nguyên tắc nước được sục khí, bổ sung thêm oxy, tạo dòng chảy và lưu thông liên tục trong hệ thống. Hệ thống thu gom chất thải rắn được bố trí lắp đặt ở cuối máng. IPRS được các chuyên gia nhận định là phù hợp với chương trình hợp tác nghiên cứu giảm thiểu sử dụng kháng sinh.

Đoàn chuyên gia tại HTX Thủy sản công nghệ cao Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội

Sau 5 năm phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ IPRS, đến nay Hợp tác xã (HTX) Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì) đã xây dựng được chuỗi liên kết ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao. Anh Nguyễn Văn Thiêm, Giám đốc HTX cho hay, HTX chủ yếu cung cấp nguồn thực phẩm cho các trường học, nên yêu cầu về các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm được kiểm định rất nghiêm ngặt, nhất là về dư lượng kháng sinh. Nuôi thủy sản theo hướng truyền thống rất khó có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn này.

“Nuôi cá theo công nghệ IPRS giúp chúng tôi giải quyết được bài toán về dịch bệnh và kháng sinh. Quá trình nuôi 100% không sử dụng kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh, thay vào đó, trang trại sẽ chuyển hướng sử dụng các sản phẩm vi sinh”, anh Thiêm chia sẻ.

Còn theo anh Bùi Văn Tùng, Giám đốc Công ty Xây dựng Trang trại nuôi trồng thủy sản thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, người đã có kinh nghiệm 4 năm trong nuôi thủy sản theo công nghệ IPRS chia sẻ: Lợi thế khi nuôi theo công nghệ IPRS là cá không mắc hoặc rất ít khi xuất hiện bệnh. Việc quản trị, xử lý các vấn đề cũng trở nên dễ dàng, hiệu quả giúp cho việc phòng bệnh trở nên dễ dàng hơn.

“Mục tiêu sắp tới của công ty là đưa sản phẩm cá nuôi sông trong ao hướng tới xuất khẩu nhằm tăng giá trị cho sản phẩm. Bởi vậy, cần loại bỏ hoàn toàn kháng sinh trong quá trình nuôi để đáp ứng được các chỉ tiêu tới một số thị trường khó tính”, anh Tùng cho hay.

Đại diện USSEC, TS. Bùi Ngọc Thanh, Giám đốc Kỹ thuật khu vực miền Bắc, Trưởng nhóm nghiên cứu cá rô phi trong Hợp tác nghiên cứu chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng, nguyên tắc hoạt động của công nghệ IPRS sẽ giúp tác động giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh. Hợp tác nghiên cứu này cũng là cơ hội để chúng tôi đánh giá mức độ tác động của IPRS trong việc giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và yếu tố ảnh hưởng khả năng nhân rộng của công nghệ trong thực tế. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để rà soát lại những vướng mắc về quy định, chính sách hiện hành ảnh hưởng nhân rộng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam hiện nay”.

TS. Bùi Ngọc Thanh, Giám đốc Kỹ thuật khu vực miền Bắc – USSEC giới thiệu tổng quan công nghệ nuôi sông trong ao với đoàn chuyên gia Đan Mạch

TS. Nguyễn Ngọc Thanh chia sẻ về công nghệ nuôi sông trong ao tại Bộ NN&PTNT

Sau chuyến đi thực tế và gặp gỡ những người nuôi đang áp dụng công nghệ IPRS, GS. Anders nhận định, dự án mong muốn sử dụng công nghệ nuôi IPRS là biện pháp can thiệp để giảm sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Bởi theo nguyên lý khoa học của công nghệ IPRS, sẽ giúp giảm việc sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Từ đó, đưa ra những khuyến cáo phù hợp thông qua đề xuất thay đổi chính sách, quy định cần thiết để hỗ trợ thực hiện can thiệp được hiệu quả và nhân rộng trong tương lai.

Phạm Huệ