USSEC: Mang đến giải pháp và cách tiếp cận mới trong thức ăn chăn nuôi thủy sản

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Đậu nành có hàm lượng protein cao và rất dễ tiêu hóa đối với hầu hết các loài cá và tôm nuôi. Đây cũng là giải pháp hợp lý với môi trường, đáp ứng vấn đề đảm bảo an ninh lương thực và có ý nghĩa quan trọng đối với nuôi trồng thủy sản (NTTS).

 

Đó là nội dung chính được đề cập trong Hội thảo “Dinh dưỡng thức ăn Nuôi trồng Thủy sản” do Hội đồng Xuất khẩu Đậu nành Hoa Kỳ (USSEC) tổ chức vào sáng ngày 18/7, tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo “Dinh dưỡng thức ăn Nuôi trồng Thủy sản” do USSEC tổ chức 

 

Thức ăn thủy sản dùng protein thực vật thay thế cần được nhân rộng

 

Hiện nay, khoảng 70% cá và động vật giáp xác được sản xuất trong NTTS được nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Để ngành NTTS đạt được mục tiêu tăng trưởng vào năm 2025, sản lượng thức ăn hàng năm cần sản xuất 38 triệu tấn (theo Eurofish.dk), các nguồn protein như bột cá chắc chắn không thể đáp ứng được nhu cầu này. Bởi vậy, giải pháp thay thế bằng protein thực vật là tất yếu để phát triển NTTS. Sản lượng bột cá toàn cầu hiện dao động khoảng 4,5 triệu tấn/năm, trong đó 69% được sử dụng làm thức ăn cho cá. Đối với dầu cá, thậm chí còn ít nguồn cung hơn, vì NTTS đã sử dụng 75% sản lượng hàng năm (khoảng 0,9 triệu tấn). Do đó, cả hai nguồn tài nguyên này đều khan hiếm và tương đối đắt đỏ. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguồn protein cho thức ăn cho cá và tôm, cần phải tìm ra các giải pháp thay thế kinh tế đáp ứng một số tiêu chí.

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Bùi Ngọc Thanh, Giám đốc kỹ thuật, đại diện khu vực miền Bắc và miền Trung, USSEC, trong bối cảnh hiện nay, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục biến động, việc biết cách tổ hợp công thức thức ăn một cách linh động sẽ giúp giảm tối ưu được chi phí sản xuất.

TS. Bùi Ngọc Thanh, Giám đốc kỹ thuật, đại diện khu vực miền Bắc và miền Trung, USSEC

 

“Mối quan tâm lớn nhất của USSEC hiện nay là thức ăn trong NTTS. USSEC tiếp cận thông qua chuỗi giá trị; từ cá bố mẹ, trại sản xuất giống, nuôi thương phẩm, nhà máy thức ăn, thị trường… bằng nhiều hoạt động hỗ trợ ngành
thủy sản trong Chương trình Đậu nành Hoa Kỳ trong NTTS”, TS. Bùi Ngọc Thanh cho biết thêm.

“Hiện nay, nhu cầu thị trường ngày càng đòi hỏi nhiều hơn thông tin về các dữ liệu của các nguyên liệu trong sản xuất thức ăn thủy sản. USSEC mong muốn thay đổi tư duy trong công thức thức ăn. Theo đó, công thức không chỉ đơn giản là tập hợp các nguyên liệu, mà phải là tổ hợp các dưỡng chất nhằm đáp ứng nhu cầu riêng của từng đối tượng”, TS. Thanh nói. 

 

Đậu nành Hoa Kỳ: Sự thay thế bền vững

 

Đậu nành là một trong những nguồn cung cấp axit béo Omega-3 thiết yếu, là nguồn protein lành mạnh và chất béo không bão hòa tốt nhất trên thế giới. Bột đậu nành, thức ăn tinh từ đậu nành, dầu đậu nành, và các loại dầu và protein thực vật khác, có thể thay thế từ một phần cho đến hoàn toàn lượng bột cá trong công thức thức ăn qua đó giảm nhu cầu sự dụng bột cá từ khai thác tự nhiên.

Bên cạnh đó, đạm đậu nành có giá thấp hơn đáng kể so với hầu hết các đạm động vật khác, bao gồm cả bột cá. Giảm chi phí thức ăn là rất quan trọng để nâng cao hiệu quả và duy trì tính bền vững trong hoạt động nuôi trồng thủy sản. Vì nhu cầu dinh dưỡng của cá nuôi và động vật giáp xác rất phức tạp, mỗi loại thức ăn được xây dựng dựa trên nhu cầu của từng loài. Hầu hết cá và động vật giáp xác nuôi có thể dễ dàng tiêu hóa đạm đậu nành.

Đậu nành Hoa Kỳ hiện là một trong những thương hiệu hàng đầu trong ngành. Theo USSEC, năm 2020, thị phần đậu nành của nông dân Mỹ về đậu nành trong thức ăn NTTS toàn cầu là khoảng 40%.

TS. Bùi Ngọc Thanh cho biết thêm: “Đậu nành Hoa Kỳ có hàm lượng dinh dưỡng cao đặc biệt với các amino acid không thay thế, có độ đồng đều và ổn định về chất lượng, có chứng chỉ canh tác bền vững SSAP do sử dụng đậu nành Hoa Kỳ sẽ góp phần vào sự phát triển NTTS bền vững”.

Đậu nành Hoa Kỳ bền vững:

Áp dụng quy trình canh tác bền vững (SSAP) từ năm 1980 đậu nành Hoa Kỳ đã có những tác động tích cực về môi trường;

  • Giảm 43% lượng phát thải khí nhà kính (GHG) trên mỗi giạ
  • Cải thiện hiệu quả sử dụng nước tưới lên 60%
  • Tăng hiệu quả sử dụng đất lên 48%
  • Cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng lên 46%
  • Cải thiện bảo tồn đất 34%
  • Tăng sản lượng đậu nành lên 130% khi sử dụng cùng một lượng đất.

 

Nguồn gốc quyết định chất lượng

 

Theo TS. Dominique P. Bureau Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học (CSO) của Wittaya Aqua International, có hai yếu tố chính ảnh hưởng tới chất lượng đậu nành và dầu đậu nành. “Trong quá trình sản xuất dầu đậu nành, chúng ta thấy rằng nguồn đậu nành dùng để sản xuất có chất lượng tốt sẽ cho ra sản phẩm dầu đậu nành chất lượng tốt. Chất lượng của đậu nành nguyên liệu phụ thuộc vào hai yếu tố là hệ gen và điều kiện canh tác. Bên cạnh đó, việc xử lý đậu nành sau thu hoạch cũng đóng một vai trò quan trọng quyết định chất lượng nguyên liệu này”, TS. Dominique cho hay.

TS. Dominique P. Bureau Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học (CSO) của Wittaya Aqua International 

 

Khi so sánh chất lượng dầu đậu nành có nguồn gốc từ Brazil và Argentina (các quốc gia có sản lượng đậu nành lớn trên thế giới) và đậu nành Hoa Kỳ, cho thấy có sự khác nhau giữa thành phần các chất hóa học. Đậu nành ở Hoa Kỳ có lượng tạp chất ít hơn hẳn, tỷ lệ hạt bị vỡ sau khi xử lý nhiệt thấp hơn so với đậu nành Brazil và đậu nành Argentina.

Cũng theo một số nghiên cứu từ USSEC cho thấy, đậu nành được sản xuất ở những vùng khí hậu lạnh sẽ có hàm lượng đường cao hơn so với những vùng khác. Bên cạnh đó, có thể thấy đậu nành có nguồn gốc từ Hoa Kỳ có lợi thế hơn hẳn với đậu nành được sản xuất từ các quốc gia khác. Các dưỡng chất có chứa trong đậu nành Hoa Kỳ (nhất là các axit amin) luôn cao hơn so với đậu nành có nguồn gốc từ Brazil hay Argentina. Đó là lý do giá thành đậu nành Hoa Kỳ luôn cao hơn các quốc gia khác. “Trong bối cảnh nguyên liệu sản xuất TACN có nhiều biến động như hiện nay, chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng việc sử dụng nguồn nguyên liệu sử dụng. Tôi tin chắc rằng, với những lợi thế đó, TACN được làm từ đậu nành Hoa Kỳ sẽ có sản phẩm chất lượng đầu ra cao hơn”, TS. Dominique cho biết thêm.

Cũng tại hội thảo, TS. Dominique đã có những chia sẻ về những nghiên cứu so sánh hiệu quả sản xuất thông qua sản lượng cá phi lê. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, với TACN sử dụng nguyên liệu đậu nành Hoa Kỳ đã cho sản lượng phi lê lên tới 29% cao hơn hẳn so với TACN sử dụng nguyên liệu đậu nành Brazil hay Argentina.

“Đậu nành từ Hoa Kỳ có tỷ lệ axit amin cao hơn và độ sinh khả dụng tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần lưu ý đến vấn đề hiệu quả. Chúng ta nên sử dụng nguyên liệu từ nguồn cung đáng tin cậy, đảm bảo cả về protein và các axit amin. Chất lượng tốt là một yếu tố, tuy nhiên, nguyên liệu cần có độ nhất quán, độ nhất quán sẽ đảm bảo các yếu tố sinh khả dụng. Về lâu dài, sẽ có hiệu quả chi phí tốt hơn. Nếu chúng ta muốn có được những yếu tố trên, đậu nành Hoa Kỳ là một sự lựa chọn tối ưu”, TS. Dominique kết luận.

Bên cạnh đó, tại hội thảo, TS. Dominique cũng đưa ra 4 công thức thức ăn thủy sản áp dụng trong bối cảnh giá cả biến động để tối ưu hóa được hàm lượng dưỡng chất đa, vi lượng:

  • Giảm protein, lipid, chất béo, tinh bột: giảm chi phí, tuy nhiên có thể ảnh hưởng tới hệ số FCR.
  • Giảm protein, tăng tinh bột: giảm bớt chi phí, giữ nguyên FCR.
  • Tăng lipid, giảm protein: giảm chi phí, tăng khả năng tiêu hóa.
  • Tăng protein, giữ nguyên lipid, giảm tinh bột: tăng chi phí sản xuất, nhưng cũng tăng hiệu suất sản xuất, về lâu dài sẽ là phương pháp tối ưu.

Cần có sự thay đổi trong việc lựa chọn nguyên liệu

 

Với tình hình thị trường nguyên liệu sản xuất TACN có nhiều biến động như hiện nay, giá cả hàng hóa tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng… Các doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn trong việc đặt hàng và vận chuyển hàng hóa đúng thời hạn mong muốn. Bên cạnh đó, tại miền Bắc Việt Nam, các nhà máy sản xuất TACN ngày một nhiều, có sự cạnh tranh cao. Chính vì vậy, theo đại diện USSEC, các doanh nghiệp cần tìm một giải pháp sao cho đảm bảo được mức lợi nhuận mong muốn. Vậy, hoặc là các doanh nghiệp cần phải điều chỉnh lại thông số kỹ thuật, đặc tính của thức ăn, hoặc cần có sự thay đổi trong việc lựa chọn các nguyên liệu sản xuất TACN.

Ngũ cốc, hạt có dầu chiếm tới 90% sản lượng nguyên liệu sản xuất TACN, trong đó, đậu nành là loại nguyên liệu phổ biến nhất. 10% còn lại là từ những loại nguyên liệu không phổ biến như côn trùng. Vậy nên, theo lời khuyên từ chuyên gia của USSEC, các doanh nghiệp vẫn nên tập trung vào nguồn nguyên liệu quen thuộc này để đảm bảo tối ưu chi phí sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm.

Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:

TS. Lê Việt Dũng, khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có những câu hỏi thú vị trong phiên thảo luận tại hội thảo. 

Với chủ đề hấp dẫn “Dinh dưỡng thức ăn Nuôi trồng Thủy sản”, hội thảo do USSEC tổ chức thu hút đông đảo khách mời tham dự

Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các khách mời tham dự hội thảo

Phạm Huệ

Tin mới nhất

T7,20/04/2024