Tỷ phú nhờ… cá vược
Tỷ phú nhờ... cá vược

Đầm nuôi cá vược của ông Êm.

Cái khó, ló cái khôn

Những năm đầu xóa bỏ bao cấp, như bao nông dân khác, gia đình ông Êm vất vả bám ruộng vẫn chẳng đủ ăn. Nhiều người rủ ông bỏ quê nghèo, kiếm kế sinh nhai. Nhưng nặng lòng với dòng họ, gia đình, ông cùng vợ con mạnh dạn thầu diện tích đầm của xã, kiếm sống qua ngày bằng việc bắt con cua, con cá dạt vào trong đầm. Ông Êm cho biết: “Thuở mới làm đầm, tôi chỉ nghĩ đến việc nuôi cua, nuôi tôm vì không có nhiều vốn liếng. Tình cờ, thả lưới bắt được con cá vược lớn, ý tưởng nuôi cá vược lóe lên trong đầu vì loài này sống khỏe, có thể thích nghi cả môi trường nước ngọt và nước lợ, lại có giá trị kinh tế cao.” Bén duyên với cá vược từ đấy, ông chạy vạy khắp nơi để có vốn cải tạo đầm, mua cá giống.

Năm 2007, ông Êm mua cá vược giống từ Vũng Tàu, nuôi thử mẻ đầu. Nhưng do chưa nắm chắc quy trình, hàng vạn con cá giống bằng hạt bưởi, thả xuống đầm chưa đầy một tháng bỗng dưng “bốc hơi” sau trận mưa to. Không nản lòng, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng hải sản do Hội Nông dân tổ chức, học hỏi kinh nghiệm từ những hộ kinh doanh khác, ông tiếp tục mở rộng diện tích đầm nuôi hải sản. Mỗi năm, quy mô nuôi trồng hải sản của gia đình ông Êm tăng dần. Năm 2012, hâm nóng ước mơ chinh phục cá vược, ông đầu tư 600 triệu đồng mua 6 vạn cá giống. Cá nuôi được nửa năm gặp cơn bão nước nổi, đập vỡ, cá mất tăm, ông Êm trắng tay. Không từ bỏ con đường đã chọn, ông gia cố đập thêm chắc. Cuối cùng, cá chẳng phụ quyết tâm người nuôi, ông Êm bắt đầu thu lãi từ mô hình này.

Bỏ nhà to, ra ở chòi

Từ mô hình nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông Êm xây cất được 2 căn biệt thự khang trang, “hoành tráng” nhất nhì thôn.

Hiện nay, ông Êm nắm trong tay hơn 30 ha đầm, trong đó 13 ha nuôi cá vược. Theo ông Êm, cá vược muốn khỏe cần có nhiều oxi để thở, nên không thả cá với mật độ dày. Để tránh rét cho cá trong mùa đông, đầm phải bảo đảm độ sâu từ 4-5 m, nguồn nước sạch là yếu tố tiên quyết hàng đầu. Ông Êm chia sẻ: “Khác với mô hình nuôi cá vược công nghiệp, ăn cám nổi, cá không chất lượng bằng dùng thức ăn tự nhiên. Ông Êm thường “săn lùng” cá nhâm, cá nục… ở cảng Máy Chai, rồi làm mồi cho cá vược, cá vược tuy lớn chậm hơn so với nuôi công nghiệp, nhưng thịt chắc, ngọt và thơm.

Gần nửa đời gắn bó với ao đầm, ông Êm không giữ bí quyết làm giàu cho riêng mình, mà luôn “mở lòng” với bà con trong thôn. Theo ông Êm, quy trình nuôi cá vược khá đơn giản: Sau khi mua cá vược giống về, ông quây lưới thành ao nhỏ để gột, khi cá lớn bằng 3 đầu ngón tay chuyển ra đầm thả. Lúc nuôi vược giống, phải xay nhỏ thức ăn. Cứ 2 ngày/lần, cho cá ăn vào lúc 10 giờ sáng. Cá lớn hơn cho ăn ngày 1 lần. Sau 16-18 tháng, cá vược đạt trọng lượng trung bình từ 2,5-3 kg, với giá bán từ 100.000-120.000 đồng/kg. Mỗi lứa, ông cung cấp cho thị trường từ 30-40 tấn cá vược thành phẩm. Trừ chi phí thức ăn, tiền công…gia đình ông thu lãi từ 1-1,2 tỷ đồng.

Mô hình nuôi cá vược của ông Êm góp phần mở ra hướng đi mới trong xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm nhiều lao động trong thôn. Hiện nay, gia đình ông Êm thường xuyên thuê 10-12 nhân công, với mức thù lao 5-6 triệu đồng/tháng. Ông Đoàn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thủy Nguyên đánh giá, đầm nuôi cá vược của ông Hoàng Bá Êm là mô hình tiêu biểu ở xã Dương Quan. Ở Thủy Nguyên, có nhiều mô hình nuôi cá vược nhưng cá vược ở đầm ông Êm thực sự là “đặc sản” bởi bảo đảm nguồn nước sạch, đầm sâu, thức ăn tự nhiên. Với sự cần cù, chịu khó khai hoang, mở đầm, ông Êm xứng đáng là tấm gương sáng để nông dân trong vùng học hỏi, noi theo.”

Mai Lê
Nguồn: Báo Hải Phòng