Triển vọng sáng cho tôm sú tại thị trường Mỹ

Trong một cuộc hội thảo quốc tế về tôm mới đây, các chuyên gia đã đưa nhận định, nếu tôm sú giảm chênh lệch giá so với tôm thẻ chân trắng thì doanh số có thể sẽ tăng mạnh tại thị trường Mỹ.

Sự trở lại của tôm sú

Tạị Hội thảo “Hơn cả tôm thẻ chân trắng” được diễn ra trong khuôn khổ của Hội nghị thị trường thủy sản toàn cầu do Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ tổ chức gần đây tại Palm Springs, California, Mỹ, các đại biểu tham gia đã thảo luận về quá trình phát triển và triển vọng thị trường đối với tôm sú (Penaeus monodon) – loài tôm hiện ít được giao dịch hơn so với tôm thẻ chân trắng.

Hội thảo xem xét lại chặng đường phát triển về tốc độ sản xuất tôm sú trên toàn cầu kể từ 2002. Hai thập kỷ trước, thị trường tôm toàn cầu hoàn toàn khác, khi đó tôm sú là loài được sản xuất nhiều nhất trên toàn cầu, chứ không phải là tôm thẻ chân trắng phổ biến ngày nay (Penaeus vannamei). Trong nhiều thập kỷ, tôm sú đã được bán với khối lượng lớn hơn nhiều so với tôm thẻ chân trắng, phần lớn nguồn cung tôm sú có nguồn gốc từ tự nhiên. Mặc dù cả hai loài đều được bán với khối lượng thấp hơn nhiều so với mức hiện tại, nhưng tôm sú vẫn ở mức khoảng 500.000 tấn, trong khi đó tôm thẻ chân trắng thì kém xa.

Một sự thay đổi lớn đã xảy ra vào năm 2002, với việc thuần hóa và thương mại hóa thành công tôm thẻ chân trắng. Các dòng chọn giống mới của loài này cho phép năng suất cao hơn nhưng chi phí sản xuất lại thấp hơn. Theo đó, chỉ trong vòng vài năm, doanh số của tôm thẻ chân trắng đã vượt xa tôm sú hàng trăm nghìn tấn.

Robins McIntosh, Phó Chủ tịch điều hành Charoen Pokphand Foods của Thái Lan cho biết: “Trước năm 2002, tôm sú là loài dẫn đầu, cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng đều ít nhiều đi ngang trong nhiều năm, sản lượng đạt dưới 700.000 tấn. Tuy nhiên đã có một “bước ngoặt” trong năm 2002 và kể từ đó đến nay, tôm sú đã bị tụt lại phía sau. Nguyên nhân cho sự phát triển của tôm thẻ chân trắng chỉ đơn giản là sự thành công của nông dân trong chọn lọc di truyền”.

“Với những chủng mới này được đưa ra đầu tiên ở Thái Lan, sau đó là Trung Quốc rồi tới Việt Nam, Ấn Độ, Philippines và Malaysia, chúng tôi chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của tôm thẻ chân trắng. Tôi gọi đó là cuộc cách mạng tôm. Đó đơn giản là công nghệ”, Robins McIntosh nói thêm.

Khi sản lượng tăng vọt, giá tôm thẻ chân trắng cũng giảm. Các thị trường từng bán tôm sú nhanh chóng chuyển sang tôm thẻ.

Tôm sú nuôi khi đó bản chất vẫn là động vật hoang dã, dễ bị dịch bệnh nên việc thả nuôi gặp nhiều khó khăn. Theo McIntosh, những thách thức này về cơ bản đã được giải quyết, với các giống tôm sú mới được chọn lọc di truyền đã rất thành công ở Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và một số quốc gia khác. Nhưng khi các ao nuôi tôm thẻ chân trắng đạt năng suất cao hơn nhiều thì đa số người nuôi chuyển sang tập trung đầu tư vào nuôi tôm thẻ.

Khi người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đã quen với tôm thẻ chân trắng thì thị trường đối với tôm sú đắt tiền hơn dần dần thu hẹp lại. Hiện nay, chỉ có Việt Nam và Bangladesh là các nhà xuất khẩu tôm sú chính, các nước khác chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa.

Gần đây, tôm sú đột nhiên quay trở lại. McIntosh cho rằng, sự gia tăng sản lượng tôm sú gần đây do một vài yếu tố thúc đẩy, nổi bật nhất trong đó là vấn đề dịch bệnh lan tràn tại các trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng. Khi tôm thẻ chân trắng chết hàng loạt vì dịch bệnh tấn công, thì tôm sú trở thành một lựa chọn thay thế thú vị. Những nơi như Trung Quốc, Việt Nam và một số vùng của Ấn Độ thường phải vật lộn với dịch bệnh ở các trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng tôm sú thì không gặp phải những vấn đề tương tự.

“Tôm sú dường như miễn nhiễm với những dịch bệnh này. Vì vậy, khi nuôi tôm thẻ chân trắng thất bại, giờ đây người nông dân có một giải pháp thay thế là chuyển trở lại nuôi tôm sú”, McIntosh nói.

Cũng theo McIntosh, một động lực khác hấp dẫn nông dân chọn tôm sú là chi phí nuôi thấp hơn so với tôm thẻ chân trắng. Ông nói: “Tôm sú là điều đương nhiên đối với những người nông dân không có vốn vì đây là loại tôm có chi phí đầu tư rẻ hơn. Với tôm thẻ chân trắng cần phải có lót bạt, sục khí cao, cơ giới hóa nhiều hơn trong hệ thống nuôi trồng thủy sản đó. Vì vậy, đối với những nông dân hạn chế về vốn, tôm sú là một sự thay thế dễ dàng hơn nhiều”.

Giá vẫn là bài toán khó

Bill Dresser, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sea Port Products – một trong những nhà phân phối tôm nhập khẩu đầu tiên của Mỹ cho biết: “Tại thị trường Mỹ, hiện nay giá tôm sú cao hơn rất nhiều, cao hơn khoảng 2,5 USD so với giá trung bình một pound tôm thẻ chân trắng. Đây chính là trở ngại chính để phát triển thị trường tôm sú”.

Cũng theo Dresser: “Sự chênh lệch giá này tồn tại dù chi phí sản xuất và chi phí ngoài ao nuôi đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng vẫn tương đương nhau. Mức chênh lệch đó cần phải giảm xuống còn 1 USD. Nếu nhìn vào chỉ số giá của Urner Barry, chỉ trong 6 tháng qua, giá tôm sú đã suy giảm mạnh và chỉ có xu hướng đi xuống. Điều này sẽ tiếp tục xảy ra và khi giá tôm sú gần đến mức ngang bằng với tôm thẻ thì loài này sẽ bắt đầu trở nên phổ biến”.

“Giá càng đi xuống và gần với giá tôm thẻ chân trắng thì càng có nhiều người chọn tôm sú, bởi loài này thực sự vượt trội so với tôm thẻ chân trắng. Tôm sú ngon hơn với màu đỏ tươi hơn, ngoài ra còn nhiều thịt hơn nên món tôm nướng cũng ngon hơn”, Dresser nói thêm.

Dresser dự đoán, nếu giá tôm sú đạt đến mức gần tương tự với giá tôm thẻ chân trắng thì tôm sú sẽ hồi sinh trở lại.

Tôm sú hiện đang chiếm các thị trường ngách đáng kể ở Mỹ và có tiềm năng chiếm thị phần lớn hơn nếu được đầu tư thêm các chiến lược tiếp thị hiệu quả, tạo thói quen cho người tiêu dùng và phát triển thị trường.

Theo Dresser, cần phải tiếp thị tôm sú như một loại “tôm thương phẩm” chứ không phải tôm cỡ nhỏ và nhấn mạnh tính độc đáo của nó là rất quan trọng.

Tuy nhiên, việc quay trở lại thị trường nên bắt đầu từ các nhà hàng sang trọng, các đại biểu tham gia Hội thảo cho biết. Các đầu bếp sẽ giúp tôm sú tiến đến với người tiêu dùng và sau đó mới đến các cửa hàng bán lẻ khi nhu cầu tự chế biến của người tiêu dùng tăng.

Mặc dù vậy, McIntosh cho rằng: “Tôm thẻ chân trắng vẫn sẽ phổ biến nhờ khối lượng hiện đang được sản xuất và tiêu thụ trên toàn cầu. Tôm sú không thể thay thế được tôm thẻ do lượng tôm hiện tại vẫn chưa cung cấp đủ cho thị trường. Tôm sú thậm chí không có ở châu Mỹ, vì vậy tất cả sản phẩm của Mỹ Latinh đều gắn liền với tôm thẻ chân trắng. Nếu tôm sú trở lại chiếm 20% sản lượng từ châu Á, đó đã là một thành công lớn”.

Hải Đăng

Theo Undercurrentnews, Seafoodsource

Tin mới nhất

CN,05/05/2024