Tổng quan ngành tôm 2020: Tăng trưởng trong khó khăn

[Người nuôi tôm] Năm 2020, được xem là một năm với nhiều thách thức cho nền kinh tế chung của cả thế giới. Trong khi các ngành công nghiệp đang lao đao giải quyết và khắc phục hậu quả do dịch bệnh Covid-19 gây ra, thì ngành thủy sản, đặc biệt là ngành công nghiệp tôm Việt Nam lại làm nên kỳ tích, biến “nguy” thành “cơ”, tăng trưởng 11% so với năm 2019.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam qua các năm (Dựa theo số liệu từ VASEP).

 

Diện tích nuôi tăng 2,24%

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, năm 2020 tổng sản lượng thủy sản đạt 8.423,1 nghìn tấn, tăng 1,8% so với năm 2019. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 4560 nghìn tấn, tăng 1,5% so với năm trước; sản lượng khai thác đạt 3863,9 nghìn tấn, tăng 2,3% so với năm 2019. Về tôm, diện tích nuôi trồng năm 2020 đạt 736,5 nghìn ha, tăng 2,24% so với diện tích nuôi năm 2019 (720 nghìn ha).

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và sự khắc nghiệt về thiên tai, thì 2,24% diện tích tăng trưởng là một con số đáng được ghi nhận. Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm sát sao của các cấp chính quyền, hỗ trợ can thiệp kịp thời và đưa ra những phương hướng cụ thể cho người nuôi tôm, từng bước vượt qua những giai đoạn khó khăn để bứt phá.

Sản lượng nuôi đạt 950.000 tấn

Năm 2020, sản lượng nuôi tôm của nước ta đạt 950.000 tấn, bằng 126,66% so với năm 2019 (750.000 tấn). Trong đó, tôm sú đạt 267,7 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 632,3 nghìn tấn, tôm khác đạt 50 nghìn tấn.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,05% so với năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,4 triệu tấn, tăng 1,8%. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,85 triệu tấn, tăng 2,1%; nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5%.

Mức tăng trưởng không nhiều, nhưng trong bối cảnh hiện tại chúng ta vẫn duy trì và có tăng trưởng dương. Đây là một trong những điểm rất thành công trong việc chỉ đạo, điều hành lĩnh vực thủy sản năm 2020.

Xuất khẩu nhắm vào những thị trường lớn 

Theo Vasep, năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 8,41 tỷ USD, giảm 1,9%. Năm 2020, Việt Nam mở rộng xuất khẩu tôm sang 135 thị trường xuất khẩu, tổng giá trị xuất khẩu đạt 3,37 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2019. Tổng số các doanh nghiệp xuất khẩu đạt 508 doanh nghiệp. Trong đó, xuất khẩu mã hàng tôm thẻ chân trắng sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã HS16) chiếm 38%; tôm thẻ chân trắng chế biến (thuộc mã HS16) chiếm 35%; Tôm sú sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã HS03, trừ HS0304) chiếm 13%; tôm sú chế biến khác (thuộc mã HS16) chiếm 2%; còn lại 16% thuộc các sản phẩm tôm chế biến khác.

Có được những thành tích này một phần là nhờ việc thành công kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nên việc xuất khẩu tôm của nước ta có nhiều lợi thế so với các nước có nguồn cung lớn tôm lớn trên thế giới như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh, sản xuất trong nước bị ngưng trệ. Cho tới hiện giờ, các doanh nghiệp tôm của những nước này vẫn đang gồng mình chống chọi với dịch bệnh, nên tôm Việt Nam có sức cạnh tranh hơn. Các doanh nghiệp tôm cố gắng vừa duy trì sản xuất, linh hoạt chuyển hướng thị trường, tận dụng thời cơ, nhờ đó giá trị xuất khẩu sang các thị trường lớn tăng trưởng khả quan như: Mỹ tăng 33%; Eu tăng 6,1%; Hàn Quốc tăng 3,3%; Anh tăng 20,1% so với năm 2019.

(Nguồn: Vasep)

 

Cả nước có 2224 cơ sở sản xuất tôm giống

Diện tích nuôi tôm nước ta năm 2020 đạt 736,5 nghìn ha. Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất giống tôm là 250.000 con, với nguồn tôm giống bố mẹ để sản xuất từ tự nhiên, nhập khẩu và chọn tạo trong nước. Đồng thời, cả nước có 2224 cơ sở sản xuất giống, sản xuất được 130 tỷ con tôm giống, trong đó tôm sú giống là 32 tỷ con; tôm thẻ chân trắng giống là 98 tỷ con, đạt 100% kế hoạch, trọng điểm tại các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ. Hằng năm, các cơ sở này cung cấp khoảng 56% số lượng tôm nước lợ cho nhu cầu thả nuôi của cả nước. Kế hoạch năm 2021, nhu cầu tôm giống khoảng 130 tỷ con, nhu cầu tôm bố mẹ khoảng 250.000 con.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, vấn đề giống cần đặc biệt chú trọng. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã đề nghị các đơn vị liên quan từ Bộ, ban, ngành Trung ương đến địa phương cần quản lý tốt tôm giống nước lợ. Tăng cường kiểm tra, rà soát con giống đầu vào, cấp giấy chứng nhận vùng nuôi, cơ sở nuôi theo đúng quy định. Đồng thời, công tác kiểm soát dịch bệnh trên tôm giống xuất tỉnh cũng phải kiểm soát chặt chẽ, đúng quy trình.

 

Tình hình dịch bệnh vẫn tăng nhẹ

Theo số liệu báo cáo của Cục Thú y, năm 2020 cả nước có 43.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Trong đó, thiệt hại ở tôm nước lợ là 42.738,81 ha, chiếm 93,83% trong tổng số diện tích tôm nuôi bị thiệt hại.

Thiệt hại do dịch bệnh là 6.684,27 ha, chiếm 15,64%, tăng 6,7% so với năm 2019. Thiệt hại do không xác định được nguyên nhân là 32.731,8 ha, chiếm 76,59% trong tổng số tôm bị thiệt hại. Thiệt hại do biến đổi môi trường, thời tiết là 3.322,75 ha, chiếm 7,77% trong tổng số tôm nuôi bị thiệt hại. Diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh bị thiệt hại là 9.335,25 ha; quảng canh, quảng canh cải tiến là 32.896,24 ha; còn lại là tôm lúa và các hình thức nuôi khác chiếm 534,32 ha.

Các loại mầm bệnh nguy hiểm như bệnh Hoại tử gan tụy cấp (EMS), Đốm trắng (WSSD)… vẫn lưu hành rộng ở nhiều vùng nuôi. Cụ thể, với bệnh EMS, Cục Thú y thống kê được 151 xã của 53 huyện, thị xã, thuộc 18 tỉnh thành mắc phải. Diện tích tôm mắc bệnh là 2.754,06 ha, chiếm 3,12% diện tích thả nuôi. Sóc Trăng là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất do EMS gây ra với 1.179,51 ha mắc bệnh (chiếm 42,83% tổng diện tích bị bệnh). Với bệnh WSSD, năm 2020 bênh xảy ra tại 202 xã của 68 huyện thuộc 22 tỉnh thành. Tổng diện tích nuôi bị bệnh là 2.629,39 ha, chiếm 2,18% diện tích thả nuôi tôm của các khu vực có bệnh. Trọng điểm nuôi tôm của cả nước, tỉnh Sóc Trăng là nơi có diện tích bị bệnh lớn nhất, chiếm 686,72 ha (26,12% tổng diện tích bị bệnh).

Nhìn chung, năm 2020 phạm vi và diện tích có tôm mắc bệnh đều tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại cũng tăng gấp 1,93 lần so với cùng kỳ 2019, trong đó hơn 76% diện tích thiệt hại nhưng không rõ nguyên nhân.

 

Năm 2021, kỳ vọng mục tiêu xuất khẩu tôm trên 4 tỷ USD

Tận dụng lợi thế từ EVFTA, cùng với đà tăng trưởng và thị phần hiện tại trên thị trường quốc tế, năm 2021 được kỳ vọng là mọt năm bứt phá của ngành tôm Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, việc tham gia các hiệp định thương mại song phương với các nước sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu được thuận lợi hơn. Năm 2021, xuất khẩu tôm có thể tăng 15% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD, đây cũng là con số được VASEP dự đoán. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn như Minh Phú cũng đề ra chỉ tiêu đạt xuất khẩu 71 nghìn tấn tôm, kim ngạch 790 triệu USD cho năm 2021.

Để đạt được các chỉ tiêu này, ngành tôm Việt Nam cần tập trung cho các giải pháp như phát triển vùng nuôi, giảm giá thành tôm nguyên liệu. Trong đó, riêng sản lượng tôm thẻ cần đạt 1,1 triệu tấn. Các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư công nghệ, chế biến chuyên sâu, gia tăng giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu của các nước nhập khẩu.

Phạm Huệ