Tổng cục Thủy sản: Bàn giải pháp phát triển tôm nuôi cuối năm 2021 và đầu năm 2022

Sáng 10/12/2021, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh ven biển có diện tích nuôi tôm lớn của cả nước bàn về các giải pháp phát triển tôm nuôi tháng cuối năm 2021 và kế hoạch phát triển tôm nuôi năm 2022.

Tại hội nghị, cùng với đánh giá sự nỗ lực của các địa phương trong việc giữ và phát triển ổn định diện tích tôm nuôi, chủ động ứng phó với đại dịch COVID-19 thì phát triển con tôm trong năm qua cũng còn gặp nhiều khó khăn. Đó là giá thành sản xuất tôm ở nước ta cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện); giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu cao.

Tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm (Ciprofloxacin, Oxytetracycline, Ormetoprim, Chlormphenicol,…) trong nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn còn diễn ra ở một số địa phương. Phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo như: Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, hệ thống cấp thoát nước không đảm bảo, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh. Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do quá trình sản xuất và sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp…

Tại hội nghị này, các nhà quản lý, doanh nghiệp và các địa phương cũng bàn nhiều giải pháp phát triển con tôm vào tháng cuối năm 2021 và các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19, phát triển con tôm bền vững cho năm 2022.

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu