Tôm chậm lớn và cách khắc phục

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, nuôi công nghệ cao, nuôi siêu thâm canh…đang phát triển mạnh tại nhiều vùng nuôi tôm trọng điểm trong cả nước. Tuy nhiên, nhiều vùng nuôi, bà con đang gặp hiện tượng tôm nuôi chậm lớn. Vậy đâu là nguyên nhân và biện pháp khắc phục tình trạng tôm chậm lớn thế nào?

Nguyên nhân làm tôm chậm lớn

Có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng, làm tôm nuôi tăng trưởng chậm, trong quá trình nuôi, được biết đến như công nghệ nuôi, trong đó các yếu tố bên trong như công nghệ không phù hợp với điều kiện môi trường, nguồn nước, khí hậu, mùa vụ nuôi. Chất lượng tôm giống ảnh hưởng trực tiếp tăng trưởng tôm trong quá trình nuôi, liên quan yếu tố di truyền, chất lượng tôm bố mẹ, số lần sinh sản tôm bố mẹ, liên quan thương hiệu, liên quan đạo đức kinh doanh.

Quan điểm thả nuôi mật độ cao, thu về năng suất cao, sản lượng lớn luôn sai, cũng như không tính đến sự không tương xứng trình độ nắm bắt kỹ thuật của người nuôi, sức tải giới hạn cho phép trong điều kiện hiện tại của ao, hồ nuôi, không xét tới không gian ao nuôi phù hợp đủ để tôm phát triển, tăng trưởng. Nhận định, đánh giá sai hoặc không đầy đủ diễn biến các yếu tố môi trường, đặc biệt hàm lượng khí độc như NH3, NO2, H2S, phèn, kim loại nặng. Những yếu tố này, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng, làm tôm chậm lớn, hao hụt lớn.

Ngoài chất lượng tôm giống, chất lượng môi trường, dinh dưỡng cho tôm là yếu tố chính, quyết định trực tiếp đến tăng trưởng nhanh hay chậm bầy tôm nuôi. Lựa chọn thức ăn không phù hợp về kích thước viên thức ăn, hàm lượng đạm, không tương xứng tuổi tôm, giai đoạn ương nuôi, trọng lượng tôm, mật độ thả nuôi, mô hình áp dụng, sức khoẻ tôm, điều kiện môi trường… Các yếu tố như màu sắc thức ăn, mùi vị, độ tan trong nước, ảnh hưởng đến sự thèm ăn, kích thích tôm ăn mồi nhiều hay ít. Bên cạnh đó, lựa chọn thời điểm phù hợp cho tôm ăn bằng tay hay bằng máy đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng, theo phát triển, tăng trưởng thực tế tôm trong ao. Điều chỉnh, quản lý lượng thức ăn hàng ngày thức ăn theo tình trạng sức khoẻ tôm, theo chất lượng môi trường, theo diễn biến thời tiết, khí hậu, mùa vụ nuôi, theo hướng linh hoạt có tác dụng kích thích tôm tăng trưởng hay áp dụng thụ động, máy móc, gây ảnh hưởng tăng trưởng, làm tôm chậm lớn.


Chú ý sức khỏe tôm để phát hiện sớm tình trạng tôm chậm lớn. Ảnh: jia.vn

Dịch bệnh thâm nhập ao nuôi bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng phát hiện bệnh thâm nhập vào ao muộn, mất thời gian vàng trong điều trị hiệu quả. Khi tiến hành điều trị, thường quá trễ, nhận định sai về sức khoẻ tôm, về loại bệnh đang tác động xấu đến tôm, dùng sai thuốc, dùng thuốc không đúng, pháp đồ điều trị không phù hợp sức khoẻ tôm, diễn biến bệnh, tình trạng môi trường.

Khi dịch bệnh xảy ra, thuốc kháng sinh được người nuôi ưu tiên sử dụng đầu tiên. Việc phối hợp cùng lúc 2, thậm chí 3 loại kháng sinh để điều trị bệnh, nhưng không nắm rõ cơ chế phối hợp thuốc, chưa nắm rõ hoạt tính dược lực, chỉ định sử dụng, đặc biệt là tương tác thuốc giữa các nhóm kháng sinh, đề kháng kháng sinh, thu hẹp phổ kháng khuẩn. Liều dùng tăng dần ở lần điều trị sau, khi điều trị bệnh lần đầu chưa thuyên giảm. Tần suất sử dụng liên tục trong nhiều ngày, như một thói quen trong quá trình nuôi. Thời gian sử dụng kháng sinh kéo dài, không tập trung giải độc, phục hồi gan, phục hồi hệ tiêu hoá sau khi sử dụng. Gây khó khăn cho cơ chế tiết Enzym tiêu hoá, chức năng tiêu hoá giảm, hấp thu, chuyển hoá thức ăn, biến dưỡng Protein của gan kém. Sử dụng kháng sinh cả trong trường hợp tình trạng sức khoẻ tôm bình thường. Ngoài việc dùng những kháng sinh chuyên biệt trong nuôi thuỷ sản, người nuôi còn sử dụng kháng sinh dùng cho người, kháng sinh nguyên liệu, kháng sinh không rõ nguồn gốc, kháng sinh cấm… Gây tác động tiêu cực đến tôm, gây chậm lớn, chai còi, dị hình, dị tật, ảnh hưởng tỷ lệ sống. Sử dụng kháng sinh thường xuyên, liều và tần suất sử dụng tăng dần, gây lờn thuốc ở vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật.

Sự hình thành các chủng gây bệnh mới xuất phát từ việc dùng lạm dụng kháng sinh, hậu quả làm tăng tỷ lệ tôm nhiễm bệnh. Ảnh hưởng trực tiếp đến tôm, làm tôm chậm phát triển, tăng trưởng chậm, khó lột vỏ, phân đàn, hao hụt. Bên cạnh đó, các loại hoá chất sử dụng trong quá trình nuôi, cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng tôm, làm tôm chậm lớn.

Cách khắc phục tình trạng tôm chậm lớn

Các biện pháp cải thiện như chọn con giống chất lượng, vậy thế nào là con giống chất lượng? Con giống chất lượng là con giống được sinh sản từ bầy tôm mẹ đạt chất lượng, thông qua các tiêu chuẩn như nguồn gốc tôm bố mẹ nhập về, tuổi tôm bố mẹ, trọng lượng tôm bố mẹ, chế độ nuôi vỗ tôm bố mẹ, số lần tôm bố mẹ sinh sản, bầy tôm thứ mấy được sản xuất. Tôm giống được sản xuất từ trại giống tên tuổi, theo quy trình sản xuất giống mới, quy trình sinh học… Giống được kiểm tra PCR trước khi xuất trại, đã thuần độ mặn theo môi trường dự kiến thả nuôi.

Nên thay đổi thói quen dùng thuốc kháng sinh trong nuôi tôm nói chung, thận trọng khi quyết định dùng kháng sinh điều trị bệnh trong nuôi tôm thẻ chân trắng nói riêng. Khi bắt buộc dùng thuốc kháng sinh, cần giới hạn thời gian sử dụng, tuân thủ liều dùng theo hướng dẫn nhà sản xuất, tập trung giải độc gan sau khi dùng thuốc, bổ xung dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho tôm. Không dùng thuốc kháng sinh cấm, không nên phối hợp nhiều loại thuốc kháng sinh khi chưa nắm rõ cơ chế. Chọn lựa các loại hoá chất sử dụng, không dùng các loại hoá chất không phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản.

Ứng dụng mô hình nuôi tôm sinh học, dùng vi sinh trong phòng, trị bệnh, xử lý môi trường. Áp dụng công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng 2, 3 giai đoạn, nuôi tuần hoàn nước, nuôi Biofloc…Mật độ thả giới hạn từ ≤ 200 con/m2, lựa chọn và sử dụng thức ăn. Cung ứng hàm lượng đạm thức ăn theo phát triển tôm, trong đó, căn cứ các thông số như mô hình nuôi, mật độ nuôi, cỡ tôm, trọng lượng, tháng nuôi, thời tiết, môi trường…điều chỉnh hàm lượng đạm trong thức ăn tăng dần.

Các mô hình có giai đoạn ương tôm, bà con nên ương tôm không hơn 18 – 20 ngày, sau đó, san, chuyển tôm sang ao mới, môi trường mới, giản thưa mật độ, kích thích tôm tăng trưởng nhanh. Không nên để tôm con trong môi trường ương quá lâu, trong tình trạng mật độ nuôi dày, chất lượng môi trường kém, sẽ làm tôm chậm phát triển, tăng trưởng kém, hao hụt nhiều.

Hiện tượng tôm chậm lớn, xảy ra thường xuyên trong các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Các biện pháp chúng tôi chia sẻ trên, chắc chắn sẽ giúp cải thiện tăng trưởng cho tôm, giúp tôm phát triển tốt, khắc phục tình trạng trên.

Lý Vĩnh Phước

Tép Bạc

Tin mới nhất

T6,26/04/2024