Tìm lời giải cho bài toán tăng giá thức ăn thủy sản

[Người Nuôi Tôm] – Tính từ lần tăng giá đầu tiên tại thời điểm cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước đã tăng trung bình từ 5 – 6 đợt với mức tăng từ 200 – 300 đồng/kg/đợt. Tổng mức tăng chung từ 10 – 15%, tương đương 1.000 – 1.700 đồng tùy loại và được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Ảnh minh họa

Giá thức ăn thủy sản sẽ còn tiếp tục tăng

Cụ thể, một số loại thức ăn thủy sản đã tăng giá bán so với năm 2020 như sau: Thức ăn cho tôm sú và tôm thẻ chân trắng đã tăng từ 1.000 – 1.700 đồng/kg (tăng hơn so với năm 2020 từ 2,3 – 8,5%); thức ăn cho cá chẽm, cá mú tăng khoảng 1.000 đồng/kg; thức ăn cho cá tra tăng khoảng 1.500 – 1.600 đồng/kg tùy loại; thức ăn cho cá rô đồng tăng khoảng 1.500 đồng/kg và thức ăn cho cá kèo tăng khoảng 11,4% so với năm 2020, tương đương tăng khoảng 1.600 đồng/kg.

Chia sẻ trên diễn đàn về nuôi tôm, anh T.V.H một hộ nuôi tôm tại Bạc Liêu bày tỏ: “Giá tôm thì lên xuống bấp bênh, trong khi đó thức ăn nuôi tôm, vật tư, thuốc men chỉ toàn thấy tăng giá, thiếu nợ đại lý ngày một tăng lên, người nuôi chúng tôi khổ trăm đường. Chỉ mong các doanh nghiệp, nhà nước chung tay giúp đỡ ổn định giá cả cho chúng tôi yên tâm nuôi tiếp, nếu tình trạng này kéo dài nhiều hộ sẽ không còn đủ lực để tiếp tục theo nghề”.

Cùng nỗi bức xúc khi giá thức ăn thủy sản tăng cao, chị VTH, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản tại Thái Bình chia sẻ: “Giá cám giờ tăng theo tháng, cứ mỗi lần đi lấy cám là lại có một mức giá mới, người nuôi thì muốn được hỗ trợ trả sau, trong khi đó đại lý chúng tôi đi lấy cám tại nhà máy lúc nào cũng phải tiền tươi. Nếu không cho dân nợ thì mất khách, trăm thứ đổ lên đầu đại lý chúng tôi. Những lúc như thế này rất mong có được sự hỗ trợ, chia sẻ từ phía nhà nước và các nhà máy cám”.

Không chỉ Việt Nam, các nước có nền chăn nuôi lớn trong khu vực ASEAN và châu Á cũng đang đối mặt với tình trạng căng thẳng về giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu nhập khẩu. Mà nguyên nhân được cho là do nguồn cung bị hạn chế, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn tới việc bốc dỡ hàng ở nhiều cảng biển, giá cước vận tải biển tăng cao trên toàn cầu …

Phân tích về nguyên nhân tăng giá, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, nguyên nhân dẫn tới giá thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi tăng mạnh do giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao, thiết lập ở mặt bằng giá mới. Đơn cử như giá ngô hạt, đậu tương, khô dầu chào hàng ngày 23/4 tại cảng Chiago ở mức 249 – 258 USD/tấn; 557 – 565,5 USD/tấn và 465,7 – 469,5 USD/tấn. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến chi phí vận chuyển tăng do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hoá. Trung bình chi phí vận chuyển đã tăng từ 200 – 300% so với bình thường. Ngoài ra, Trung Quốc đột ngột thu mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản với số lượng kỷ lục cũng là một phần nguyên nhân đẩy giá nguyên liệu tăng trên quy mô toàn cầu ở mức độ bất thường.

 

Giải pháp đồng bộ kiểm soát chất lượng và giá thức ăn thủy sản

Đứng trước một loại các nguy cơ có thể xảy ra khi giá thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng cao không được kiểm soát, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã kiến nghị, tham mưu với Bộ NN&PTNT, thời gian tới sẽ tiến hành đàm phán với các nước cung cấp nguyên liệu chính cho ngành sản xuất thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi để có nguồn nguyên liệu ổn định, phù hợp. Bên cạnh đó, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách tín dụng và ngoại hối ưu đãi cho các doanh nghiệp vay, mua trong hoạt động nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong năm 2021.

Đồng thời, yêu cầu sự phối hợp của các Vụ, Viện nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp khẩn trương nghiên cứu tìm giải pháp công nghệ, tìm các nguồn nguyên liệu thay thế cho những nguyên liệu khan hiếm, giá thành cao để chủ động sản xuất. Nghiên cứu giảm FCR và tăng khả năng tiêu hóa của các đối tượng thủy sản giúp giảm nhu cầu nguyên liệu đầu vào và bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, sẽ kiến nghị những chính sách tạm thời giảm thuế nhập khẩu ngô, khô đậu tương và lúa mỳ trong thời gian ngắn hạn, giảm mức thu phí lưu kho, lưu bãi với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động nhập khẩu mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản, cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tích cực đồng hành, chia sẻ khó khăn với người nuôi trồng thủy sản, không tăng giá thức ăn thủy sản trong bối cảnh hiện tại. Khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận với Hợp tác xã tại các địa phương, cung cấp trực tiếp vật tư đầu vào, tăng cường liên kết hai chiều, chia sẻ rủi ro cùng với bà con nông dân.

 Kiến nghị những chính sách tạm thời giảm thuế nhập khẩu ngô, khô đậu tương và lúa mỳ trong thời gian ngắn hạn (Ảnh minh họa)

 

Doanh nghiệp có đang gặp khó?

Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản đang phải chịu rất nhiều sức ép từ nhiều phía. Với sự kêu gọi hỗ trợ người dân từ phía các cơ quan đơn vị nhà nước và người nuôi, mong muốn các sản phẩm thức ăn thủy sản không tăng giá, hoặc tăng ít và chậm trong thời điểm này.

Trong tình thế hiện nay, khi nguồn nguyên liệu dự trữ của các doanh nghiệp đã cạn kiệt, họ phải nhập những lô nguyên liệu mới với mức giá mới theo thị trường nguyên liệu hiện tại. Chính vì thế, chi phí sản xuất đã bị đẩy lên cao, bắt buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng giá bán thành phẩm.

Đứng trước sự mong muốn của người nuôi, phía doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp mới giúp giảm giá thành sản xuất. Đại diện phía doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P) đã có những giải pháp trong việc ổn định giá thức ăn thủy sản, chăn nuôi trong thời điểm giá nguyên liệu tăng cao hiện nay. “C.P Việt Nam hiện đã tăng cường các thiết bị dự trữ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, việc chủ động được nguồn nguyên liệu thời gian này có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp, tránh gián đoạn trong khâu sản xuất, hạn chế việc giá thành thành phẩm bị đội lên cao do ảnh hưởng từ việc tăng giá nguyên liệu. Việc áp dụng xuất, nhập nguyên liệu hàng rời đã giúp C.P tiết kiệm được chi phí và thời gian trong khâu logistics. Doanh nghiệp hiện ưu tiên sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước như ngô, đậu tương, bột cá… để chủ động nguyên liệu, không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, từ đó giảm được chi phí sản xuất”, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, dự kiến trong 2 năm tới Dabaco sẽ hướng đến việc tăng 25% sản lượng, với một loạt các dự án lớn tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ninh, Bình Phước, Phú Thọ… đang chuẩn bị đi vào hoạt động. Các dự án sẽ hoạt động theo chuỗi khép kín, áp dụng được truy suất nguồn gốc, mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhưng lại giảm về giá thành. Có vậy mới cạnh tranh được với các thị trường lớn. Bên cạnh đó, Dabaco cũng cam kết sẽ luôn đồng hành cùng nhà nước và các bà con nông dân, chia sẻ rủi ro, tối ưu hóa sản xuất cân bằng lợi nhuận để người có lợi mà doanh nghiệp cũng không bị lỗ.

Phúc Bảo

Chi phí sản xuất thủy sản tăng cao, tăng rủi ro cho xuất khẩu thủy sản

Trong cơ cấu giá thành sản xuất thức ăn thủy sản, yếu tố thức ăn chiếm khoảng 50 – 70%, do đó đây là một yếu tố nhạy cảm khi biến động giá cả thức ăn, góp phần làm tăng chi phí sản xuất, tăng rủi ro cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Trước đây, khi giá thành thức ăn thủy sản chưa tăng cao, Việt Nam đã là quốc gia có chi phí sản xuất thủy sản cao hơn một nước trong khu vực. Giờ đây, khi giá thành sản xuất bị đẩy lên cao do ảnh hưởng của tăng giá thức ăn thủy sản, càng làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm của chúng ta trên thị trường thế giới.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản

Tin mới nhất

T6,03/05/2024