Tiềm năng phát triển thủy sản một số tỉnh miền Bắc

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Những năm gần đây, các tỉnh miền Bắc được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS). Đáng chú ý là việc áp dụng công nghệ cao và kỹ thuật tiên tiến trong nuôi thủy sản đã từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và doanh nghiệp.

Các tỉnh miền Bắc có nhiều tiềm năng phát triển NTTS vì diện tích lớn, bờ biển dài, đối tượng nuôi đa dạng. Với khoảng 500.000ha diện tích nuôi thủy sản, trong đó nuôi nước ngọt chiếm 400.000ha (80%), nuôi mặn, lợ chiếm hơn 70.000ha. Các tỉnh ven biển có thể phát triển NTTS lợ, mặn. Bên cạnh đó, lại có thị trường tiêu thụ nội địa và phục vụ du lịch, cơ sở hạ tầng phát triển và có năng lực tiếp nhận công nghệ… Ngoài ra, các tỉnh miền núi phía Bắc còn có hàng trăm nghìn ha diện tích mặt nước hồ chứa, hồ thủy điện, hồ thủy lợi có thể phát triển nuôi cá lồng bè, nuôi cá hồ chứa.

Quảng Ninh: Kỳ vọng trở thành trung tâm nuôi trồng thủy sản của miền Bắc

Quảng Ninh là tỉnh ven biển có nhiều lợi thế nổi bật trong phát triển kinh tế thuỷ sản nhờ vị trí địa lý thuận lợi và sở hữu nhiều loài thuỷ hải sản có giá trị kinh tế cao. Hiện, tỉnh đang dẫn đầu về sản lượng nuôi trồng thủy sản mặn, lợ tại miền Bắc với tổng diện tích đạt 32.000ha, trong đó diện tích nuôi nhuyễn thể khoảng 9.500ha, cá biển khoảng 2.200ha.

Diện tích nuôi tôm nước lợ chiếm 8.865ha, khoảng 4.000ha nuôi tôm công nghiệp và trở thành địa phương có diện tích nuôi tôm lớn ở miền Bắc. Các mô hình nuôi tôm công nghiệp chủ yếu theo hướng quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến cho năng suất tăng cao hơn hẳn so với mô hình nuôi tôm quảng canh thông thường… mang lại thu nhập cao.

Đặc biệt, tỉnh đã thu hút Tập đoàn Việt – Úc đầu tư khu sản xuất giống tôm và nuôi tôm thương phẩm công nghệ siêu thâm canh tại xã Tân Bình, huyện Đầm Hà. Được biết, trong giai đoạn 2020-2021, trung bình 24 trại giống của Việt – Úc sản xuất gần 1 tỷ con giống/năm, trong đó 70% được cung cấp cho các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Tập đoàn Việt – Úc đang nâng dần công suất sản xuất tôm giống đạt 8 tỷ con tôm giống/năm và hình thành vùng nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 48.256,7 tấn, trong đó nuôi trồng 24.044 tấn và khai thác 24.212,7 tấn. Với mục tiêu đặt ra năm 2030, tổng giá trị sản xuất thủy sản toàn tỉnh ước đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 228 nghìn tấn; tổng giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 487 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 50 nghìn lao động.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất ba khu, vùng nuôi trồng thủy sản được công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tầm nhìn đến năm 2045 phấn đấu trở thành trung tâm nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của miền Bắc, tập trung phát triển nhanh các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi tôm công nghệ cao, công nghệ mới.

Hải Phòng: Phát triển NTTS nước ngọt bền vững

Hải Phòng là thành phố có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản với diện tích nuôi trồng thủy sản toàn thành phố là 12.198,5 ha. Lợi thế về hệ thống sông ngòi mật độ khá cao được hình thành bởi các hệ thống sông chính là sông Bạch Đằng, sông Đá Bạc, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc, cửa sông Thái Bình…

Nuôi trồng thuỷ sản phát triển mạnh ở cả ba vùng nước ngọt, lợ, mặn với giá trị sản lượng tăng đều hàng năm với các đối tượng nuôi có hiệu quả cao như: tôm sú, tôm chân trắng, cua biển, cá biển,… Tính chung quý I năm 2023, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 21.081,6 tấn, trong đó cá các loại đạt 13.422,9 tấn, tăng 3,34%; tôm các loại đạt 1.692,1 tấn, tăng 3,56%; thủy sản khác đạt 5.966,6 tấn.

Theo quy hoạch phát triển NTTS của Hải Phòng đến năm 2025, định hướng 2030, NTTS nước ngọt của thành phố sẽ phát triển theo hướng bền vững, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt là phát triển NTTS nước ngọt kỹ thuật cao. Mục tiêu đến hết năm 2025 của tỉnh đạt diện tích nuôi biển (bãi triều và trong đất liền) khoảng 3.000ha, sản lượng nuôi biển đạt trên 31.000 tấn, xây dựng từ 1-2 mô hình nuôi biển ứng dụng công nghệ tiên tiến như nuôi trên hệ thống RAS, nuôi đa bậc… nhằm đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân.

Hải Dương: Diện tích nuôi thủy sản liên tục tăng qua các năm

Những năm qua diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương liên tục tăng, đến nay đạt 12.400 ha, sản lượng thủy sản đạt 97.900 tấn. Các giống cá nuôi chủ lực như trắm, chép giòn, cá lăng, cá rô phi đơn tính… Toàn tỉnh có 214 vùng nuôi thuỷ sản tập trung quy mô từ 5 ha trở lên, với tổng diện tích 4.889ha và khoảng 90% diện tích nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh và bán thâm canh. Bên cạnh đó, tỉnh có 7.825 lồng nuôi cá trên sông, diện tích nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao 1.600ha và có 86,5ha diện tích NTTS được chứng nhận VietGAP.

Một số địa phương thực hiện chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số mô hình “ao nổi” đã được ứng dụng  với diện tích đạt trên 315,0ha tập trung tại các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Gia Lộc và Thanh Miện; Mô hình nuôi cá “sông trong ao” đạt năng suất, sản lượng cao, tại các huyện Gia Lộc, Bình Giang, Cẩm Giàng, Ninh Giang, tổng diện tích 2.750m2 , tổng thể tích 5.380m3 , năng suất nuôi bình quân đạt 100 tấn/ha. Các mô hình nuôi ứng dụng công nghệ tiên tiến trên là hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh Hải Dương.

Năm 2023, UBND tỉnh hỗ trợ cho 3 vùng nuôi thủy sản ở các xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ), Tam Kỳ (Kim Thành) và Hoàng Hanh (Ninh Giang) tổng cộng hơn 3,3 tỷ đồng. Đây là các vùng sản xuất thuỷ sản an toàn theo hướng VietGAP bảo đảm yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hình thành vùng thuỷ sản tập trung, phát triển giống thuỷ sản đặc sản nuôi hàng hoá, xây dựng chuỗi liên kết cung ứng, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản…

Nam Định: Đầu tư nuôi đa dạng các đối tượng loài

Năm 2022, trong tổng số 16.000ha nuôi thủy sản của Nam Định thì có 6.650ha nuôi thủy sản nước mặn, lợ; sản lượng ước đạt 64.747 tấn, tăng 6,46% so với năm 2021. Các đối tượng chủ lực là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao…, trong đó, tôm thẻ chân trắng được người dân quan tâm đầu tư với mức độ thâm canh ngày càng cao. Đến nay, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 1.100ha, tăng 30ha so với năm 2021. Hiện toàn tỉnh có hơn 100ha nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao, sản lượng ước đạt 4.100 tấn (tăng 5,81%).

Các loại cá như: bống bớp,  song (mú)… cũng là những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với các vùng nuôi mặn, lợ. Dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng tiêu thụ chậm hơn so với các năm trước nhưng diện tích nuôi các loại cá này vẫn đạt 565ha; sản lượng ước đạt 5.790 tấn, tăng 12,36% so với năm 2021. Bên cạnh đó, các vùng nuôi ngao thương phẩm  phát triển ổn định với 2.350ha, sản lượng ước đạt 45.300 tấn, tăng 2,95% so với năm 2021.

Tại huyện Nghĩa Hưng, thủy sản nuôi tập trung chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, ngao và tôm sú tại các vùng nuôi như: Cồn Xanh, Nông trường Rạng Đông, vùng ven sông Ninh Cơ… Ở vùng nuôi Nông trường Rạng Đông, hàng năm tổng sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 1.000 tấn. Các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng đang ngày càng được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật thâm canh cao.

Thời gian tới, để nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi thủy sản nước mặn, lợ nói riêng phát triển bền vững, Sở NN&PTNT Nam Định chỉ đạo các Phòng NN&PTNT phối hợp với các tổ chức đoàn thể hướng dẫn người dân mở rộng diện tích sản xuất, tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư cơ sở vật chất; tổ chức các lớp tập huấn phổ biến, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiến bộ về nuôi thủy sản giúp các hộ nuôi nâng cao năng suất, chất lượng loài nuôi.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng; các cơ sở nuôi thủy sản quan tâm đến những biện pháp, chính sách đầu tư phát triển, cải tạo nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi, kêu gọi, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư vào nuôi đa dạng các đối tượng thủy sản.

NTTS miền Bắc tiềm năng nhiều, thách thức lớn

Mặc dù miền Bắc có nhiều dư địa để phát triển thủy sản, tuy nhiên chưa khai thác được hết tiềm năng sẵn có của mình. Để khắc phục khó khăn và phát huy lợi thế về NTTS miền Bắc, cần tăng cường công tác quản lý của nhà nước, thúc đẩy phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong việc sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chú trọng phát triển thị trường nội địa. Để đưa ngành NTTS miền Bắc phát triển rất cần có sự chung sức của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và người nuôi tạo sức mạnh tổng hợp để ngành thủy sản phát triển bền vững.

Khánh Huyền