Thời tiết bất thuận, người nuôi tôm Bình Định dè dặt xuống giống

Sau Tết, thời tiết ở Bình Định diễn biến bất thường, không ấm áp mà trở lạnh đột ngột, khiến người nuôi tôm ở đây vừa xuống giống vụ 1 vừa lo ngay ngáy.

Thời tiết bất thuận

Theo ông Phạm Thanh Nhân,Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định, sau Tết thời tiết ở Bình Định trở lạnh kéo dài làm nhiệt độ trong không khí và nhiệt độ trong nguồn nước nuôi xuống thấp, khiến người nuôi tôm ở đây không dám xuống giống vụ nuôi đầu năm. Bởi, xuống giống trong giai đoạn này, tôm giống sống trong môi trường nước có nhiệt độ thấp sẽ không phát triển hoặc sinh bệnh, chết.

“Bình thường nhiệt độ trong nước 28-29 độ C, thế nhưng với thời tiết trở lạnh trong thời gian sau Tết năm nay, nhiệt độ trong nước hạ thấp chỉ còn 19-20 độ C. Vì vậy người nuôi tôm không dám xuống giống, đợi thời tiết ấm lại mới xuống giống vụ nuôi đầu năm nay.

So với những năm trước đây, vụ 1 năm nay người nuôi tôm ở Bình Định xuống giống muộn đến 15-20 ngày. Thế nên đến giờ phút này diện tích thả tôm giống trên địa bàn chưa được nhiều”, ông Nhân cho hay.

Cũng theo ông Nhân, tính đến nay, diện tích đã thả giống tôm nước lợ vụ 1 ở Bình Định mới đạt 728,9 ha; trong đó, thành phố Quy Nhơn thả giống được 15 ha, huyện Tuy Phước thả được hơn 214 ha, huyện Phù Cát gần 203 ha, huyện Phù Mỹ 250 ha, thị xã Hoài Nhơn 47 ha.

Toàn bộ những diện tích đã thả giống nói trên mới chỉ đạt 35% diện tích nuôi tôm ở Bình Định. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh là hơn 185 ha, diện tích nuôi tôm công nghệ cao gần 30 ha và diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến là gần 514 ha.


Vụ nuôi đầu năm nay người nuôi tôm ở Bình Định thả giống muộn 15-20 ngày do thời tiết bất thuận. Ảnh: V.Đ.T.

Tại huyện Tuy Phước, địa phương nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Bình Định đến giờ phút này diện tích đã thả tôm giống cũng chưa có bao nhiêu. Theo ông Phạm Quang Ân, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, vụ 1 năm nay người nuôi tôm ở 4 xã khu Đông Tuy Phước gồm: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng đưa vào nuôi hơn 868 ha diện tích mặt nước, trong đó có 93,1 ha nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh.

Hiện nay, người nuôi tôm ở huyện Tuy Phước đã thả giống được khoảng 253 ha; trong đó, có 36 ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức bán thâm canh, thâm canh và 217 ha nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến, đạt tỷ lệ 29% so với tổng diện tích mặt nước nuôi thủy sản trong vụ này của huyện.

“Quãng thời gian từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, trên địa bàn có nhiều đợt không khí lạnh, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao. Những ngày tới thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ sốc môi trường khiến tôm bị ảnh hưởng, nhiễm bệnh. Chúng tôi khuyến cáo bà con nuôi tôm trên địa bàn theo sát diễn biến thời tiết để đảm bảo an toàn, hạn chế dịch bệnh”, ông Phạm Quang Ân, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, cho biết.

Nuôi tôm “3 giảm 3 tăng”

Tại xã Phước Sơn, 1 trong 4 vùng nuôi tôm ở huyện Tuy Phước, đến giờ này chúng tôi vẫn còn thấy nhiều diện tích nuôi tôm đang cải tạo ao để thả nuôi.

Theo ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, đến thời điểm này bà con nuôi tôm trong xã đã thả giống được 50 ha nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến trong tổng số 271 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Diện tích còn lại đang cải tạo ao và triển khai thả theo đúng lịch của tỉnh, huyện đề ra.


Ngành chức năng Bình Định khuyến cáo người nuôi tôm chú trọng quản lý môi trường nước trong ao nuôi. Ảnh: V.Đ.T.

Còn tại xã Phước Thắng, theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã, trong vụ nuôi đầu năm 2022, ngành chức năng xã này đã phối hợp cùng các ngành hỗ trợ bà con tìm nơi cung cấp con giống tốt nhất, tăng cường công tác kiểm dịch tôm giống, động viên bà con xử lý ao nuôi và môi trường xung quanh thật chu đáo, thả giống đúng lịch thời vụ. Hiện bà con đã thả giống được 30 ha diện tích mặt nước và chủ yếu là tôm thẻ chân trắng.

“Vụ tôm đầu tiên năm nay tôi đưa vào sản xuất 0,75 ha. Các đợt mưa lũ cuối năm 2021 tuy có gây một số bất lợi, nhưng cũng mang lại cái lợi là đã rửa sạch được môi trường, ao hồ. Do đó, vụ nuôi đầu năm nay có nhiều hy vọng sẽ thành công”, ông Lê Thanh Tâm, người nuôi tôm ở thôn Đông Điền, xã Phước Thắng, chia sẻ.

Theo ông Phạm Quang Ân, Phó phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, để đảm bảo tôm nuôi vụ 1 năm nay trên địa bàn thắng lợi, ngành chức năng huyện Tuy Phước đã khuyến cáo người nuôi tôm thực hiện đúng lịch thời vụ, chú ý thực hiện “3 giảm, 3 tăng” trong nuôi tôm nước lợ.

Đó là giảm vụ nuôi xuống còn 2 vụ/năm nhằm kéo dài thời gian cho ao đất nghỉ ngơi; giảm mật độ thả giống từ 70-100 con/m2 xuống còn 30-50 con/m2; giảm sử dụng các loại thuốc, hóa chất để cải tạo ao.

Bên cạnh đó tăng cường quản lý môi trường ao nuôi tốt hơn; tăng cường nuôi luân canh cá-tôm và thả nuôi cá rô phi tại ao lắng để xử lý cặn bã trước khi thải ra môi trường; tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý cải tạo ao nuôi.


Thả cá rô phi vào ao tôm để chúng xử lý chất cặn bã trong nguồn nước nuôi. Ảnh: V.Đ.T.

“Đầu năm 2022, ngành thủy sản Bình Định đã triển khai thực hiện quan trắc môi trường ở vùng nuôi tôm nước lợ tại 10 điểm ở vùng bờ biển, vùng đầm nước lợ tại các địa phương: Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn; quan trắc 1 điểm vùng nuôi thủy sản nước mặn tại vùng biển xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn); vùng nuôi thủy sản nước ngọt thì quan trắc 1 điểm tại thượng nguồn hồ Định Bình thuộc xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh). Thông thường, nếu năm trước có lũ thì năm sau môi trường vùng nuôi tôm sẽ trở nên tốt hơn, bởi mưa lũ đã rửa trôi những ô nhiễm. Cuối năm 2021 trên địa bàn Bình Định có lũ lớn, thế nhưng đầu năm nay qua tầm soát các yếu tố về môi trường thì chúng tôi chưa thấy điều này. Do vậy, người nuôi tôm không nên chủ quan mà hãy chú trọng quản lý môi trường nước trong ao nuôi và phòng trừ bệnh cho tôm”, ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định.

Đình Thung-Lê Khánh

Nongnghiep.vn