Siêu El Nino và con tôm, con cá

Thiên nhiên ngày càng vô chừng, như những tháng qua có nơi nắng nóng gay gắt, có nơi bão lũ… Nguyên nhân, người ta hay nói về sự xâm hại môi trường, gây biến động và biến động ngày càng khắc nghiệt hơn. Gần đây nhất, dự báo El Nino (thời tiết nóng lên) lại xuất hiện sẽ tác động không nhỏ tới môi sinh đất nước ta.


Hai lần El Nino đáng kể gần đây là năm 2015 và 2019, gây hạn hán và xâm nhập mặn khiến diện tích cây trồng bị thiệt hại ít nhiều tới hàng trăm ngàn hecta. Như lần xâm nhập mặn 2019, nước mặn đã vào tận Bến Tre với độ mặn trên mười phần ngàn, gây tác hại cho vật nuôi lẫn cây trồng mẫn cảm độ mặn. Lần này, đang diễn ra từ tháng 6 này có khác, là một siêu El Nino, sự tác động sẽ mạnh mẽ hơn, nặng nề hơn. Tình hình này sẽ ảnh hưởng con tôm, con cá tra chúng ta ra sao, chúng ta nên có sự quan tâm bởi vì đây là hai sản phẩm thủy sản chủ lực xuất khẩu.

Theo thông tin, năm nay mưa sẽ ít hơn, như vậy các hồ thủy điện tích nước sẽ khó khăn, sẽ dẫn tới xả nước tạo điện có cầm chừng. Như vậy, ở mùa nắng năm sau, 2024, sẽ có khả năng tiếp tục thiếu điện và mặn sẽ có cơ hội xâm nhập sâu hơn. Vùng mặn sẽ có khả năng thiếu nước ngọt sinh hoạt… Như vậy tác hại của đợt El Nino này sẽ biểu hiện rõ hơn ở mùa nắng năm sau.

Nhưng ngay nửa cuối năm nay cũng có nhiều vấn đề cần quan tâm. Thí dụ ít mưa, vụ lúa đông xuân sẽ gặp khó, lương thực sẽ giảm, chắc chắn giá sẽ tăng, tác động không hay lên đời sống người lao động. Với con tôm, con cá tra, sự tác động từ El Nino có nhiều mặt cần có sự tìm hiểu thấu đáo kịp thời, sẽ hạn chế thiệt hại và có thể tận dụng được cơ hội!

Về con tôm. Nhớ giai đoạn 2010-2015 là khoảng tối của ngành tôm do bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND). Như cuối 2014, TS. Trần Hữu Lộc tìm ra tác nhận gây bệnh là loài vi khuẩn trong nước biển (sau này tìm ra thêm 4-5 loài có tác hại tương tự) nhưng không tìm ra nguyên nhân vì sao mật độ vi khuẩn này tăng quá cao.

Chúng ta biết mỗi lượt El Nino diễn ra, dòng hải lưu đã làm thay đổi môi trường sống của thủy sinh ven biển. Có thể làm giảm hoặc tăng các thủy sinh khác nhau, có cả vi khuẩn. Không biết từ năm 2015 nhờ công trình nghiên cứu thành công của TS. Lộc tìm ra tác nhân và từ đó lên phác đồ phòng trị bệnh AHPND này, nên ngay sau đó bệnh này giảm đáng kể. Có sự trùng hợp là năm 2015 là năm có El Nino. Sau đó là vài năm an toàn tương đối của ngành nuôi tôm. Nhưng từ năm 2019 đến nay vi bào tử trùng (EHP) tăng sự hiện diện ngày càng cao, nhất là năm nay, 2023, tác hại từ EHP lên cao điểm. Một sự trùng hợp El Nino khu vực nước ta, gần đây diễn ra năm 2019.

Có phải El Nino 2015 đã làm giảm vi khuẩn AHPND và El Nino 2019 làm tăng mật số EHP? Đây chỉ là một suy nghĩ cá nhân, đúng sai phải có nghiên cứu thấu đáo của các nhà khoa học. Thực tế, đã có nghiên cứu EHP hiện diện vùng nuôi tôm của ta chục năm rồi, nhưng vì sao ngày càng lan rộng thì chưa có kết quả nghiên cứu nào chỉ ra. Tôi nêu lý giải có chút khiên cưỡng nói trên nhằm tìm tới mối liên quan khi El Nino năm nay diễn ra, vùng nuôi tôm của ta sẽ lành hay dữ, nghĩa là có thể EHP giảm hoặc mất đi, nhưng cũng có thể có loài vi sinh khác xuất hiện! Dẫu sao, với trình tự trên, sẽ có khả năng EHP sẽ ‘trôi dạt” về xứ khác, cũng là một an ủi nho nhỏ khi đứng trước bao ao tôm cứ thả từ 15-30 ngày là chết lai rai, còn lại không chịu lớn, do EHP gây ra!

Một điểm khác cũng cần quan tâm, tình hình El Nino xuất hiện theo tần suất 2-7 năm/lần thì chủ trương chung không thể lo nổi cho vùng lợ, chỉ tập trung bảo toàn vùng ngọt, như vậy diện tích nuôi tôm nói riêng, nuôi hải sản nói chung, có xu thế mở rộng. Đây cũng phải là điều gì quá đáng lo, bởi đó là chuyện thuận thiên và vùng ngọt thừa bảo đảm an ninh lương thực.

Về con cá tra. Chắc chắn xâm nhập mặn sẽ tác hại vùng nuôi cá bị mặn đến “thăm”. Cá sẽ bị thiệt hại, chậm lớn, thậm chí màu sắc thịt cũng không như mong muốn. Vùng nuôi cá phải chuyển về thượng lưu, và từ lần El Nino trước, 2019, chuyện này đã diễn ra. Không biết siêu El Nino này, mùa nắng 2024 mặn sẽ xâm nhập tới đâu, nhưng chắc sẽ sâu vào bên trong hơn so năm 2019. Dĩ nhiên, chỗ này các hộ nuôi có nguy cơ bị tác động phải có quan tâm, phải tính toán nuôi né mặn về.

Ngành nuôi cá cũng đang gặp khó không thua bên nuôi tôm. Nuôi tôm thì tỉ lệ thành công thấp, giá thành cao khó tiêu thụ. Nuôi cá thì tỉ lệ thành công thấp từ khâu sinh sản, ương và cả nuôi. Cá bố mẹ chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức để đạt tính trội như tăng sức chịu đựng, tăng trọng và nhất là tỉ lệ phi lê. Bên cá rô phi các nước (Trung Quốc, Philippin) đã có nhiều tiến bộ đáp ứng các yêu cầu này. Một chuyện ngành cá tra cũng ít nhiều quan tâm như tập trung diện tích nuôi các địa phương thượng nguồn sông Mekong khiến vùng nuôi tập trung hơn, dễ ô nhiễm hơn; mặt khác theo xu thế phải đảm bảo phúc lợi vật nuôi thì ngành cá không thể nuôi mật độ quá dầy như hiện nay, áp lực đất cho mở rộng vùng nuôi thêm lớn.

Tóm lại, El Nino gây thiệt hại không nhỏ mỗi lần diễn ra. Tác hại lên sinh hoạt vùng nông thôn ven biển; tác hại lên cây trồng vật nuôi, dẫn đến tác hại thu nhập người dân. El Nino còn nhiều tác hại chiều sâu khác nữa, thí dụ như ngành khai thác biển có thể bị ảnh hưởng do các đàn cá dịch chuyển… Ở đây chỉ tập trung quan tâm tới tác hại cho con tôm, con cá tra, tuy sự quan tâm tôi nêu ra chỉ có tính chất suy diễn, nhưng thiết nghĩ dù sao cũng là một suy nghĩ có nền tảng thực tế. Chỉ hy vọng, chúng ta biết dự đoán, dự tính các tình huống để “né” kịp thời các tác hại và tranh thủ cơ hội. Một cơ hội đó là hy vọng EHP sẽ bị nước biển cuốn đi. Ngành nuôi tôm phục hồi nhanh và tăng tỉ lệ nuôi thành công… Và cái gì xấu tốt sẽ tới sau đó, liệu tình hình mà tính sau thôi.

TS. Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

Nguồn: Vasep.com

Tin mới nhất

T5,10/10/2024