Rong biển có nên được sử dụng rộng rãi hơn trong thức ăn cho tôm không?

[Người Nuôi Tôm] – Theo Alexandre Veille, Giám đốc Tập đoàn Gold Coin, chuyên sản xuất thức ăn cho tôm, rong biển có tiềm năng rất lớn để sử dụng trong nuôi tôm, mặc dù vẫn còn một số điểm nghẽn cần được khắc phục, bao gồm nhận thức của người tiêu dùng, cạnh tranh thị trường và tương đối thiếu các nghiên cứu về lợi ích so sánh của các chế độ ăn rong biển khác nhau.

Ảnh minh họa: ST

 

“Phần lớn sự tập trung vào tảo biển trong lĩnh vực thức ăn thủy sản cho đến nay là về vi tảo, chúng được coi như một nguồn cung cấp DHA và astaxanthin. Nhưng chúng tôi đang tìm kiếm những lựa chọn thay thế. Chúng tôi đang xem xét các loại rong biển có màu xanh lá cây, nâu và đỏ, một số có thể nuôi trồng, một số được khai thác ngoài tự nhiên”, ông giải thích.

“Sản xuất vi tảo rất tốn kém, tại sao chúng ta lại tập trung vào sản xuất vi tảo ở các nước lạnh, sau đó chế biến trước khi vận chuyển sản phẩm cuối cùng đến châu Á. Trong khi ở châu Á, chúng ta có thể thu thập rong biển từ các vùng biển hoặc những bãi biển tại địa phương?” ông đặt ra câu hỏi. Tuy nhiên, Veille thừa nhận, việc tìm nguồn cung cấp rong biển này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Hiện tại, Trung Quốc đang là nhà cung cấp lớn nhất. Một vài quốc gia khác chỉ có xu hướng bán cho một số ít khách hàng lớn, khiến các công ty mới nổi khó tìm được nhà cung cấp đáng tin cậy.

Với kinh nghiệm làm việc 5 năm tại Olmix, nhà cung cấp phụ gia rong biển của Pháp, ông tin rằng các nhà sản xuất thức ăn thủy sản nên xem xét rong biển như một loại nguyên liệu thô và nghiên cứu nhiều hơn nữa cho các sản phẩm của mình. Ông tin rằng nó có lợi thế hơn so với các loại cây trồng như đậu nành. “Cho đến nay, việc thay thế rong biển cho khô dầu đậu nành trong khẩu phần ăn của tôm ít nhất cũng phù hợp với hiệu quả của thức ăn thông thường”, ông giải thích. “Giảm sử dụng khô dầu đậu nành giúp giảm giá thành thức ăn chăn nuôi, vì giá khô dầu đậu nành hiện đang rất cao và nó cũng cần phải nhập khẩu từ Mỹ Latinh, do đó, đi kèm với chi phí vận chuyển”, Veille cho biết.

Tính bền vững trong việc so sánh sử dụng rong biển là một yếu tố quan trọng khác. “Với đậu nành, chúng ta đang phải đối mặt với nạn phá rừng, có thể dẫn đến lũ lụt và suy thoái đất cũng như mất đa dạng sinh học. Điều này đã trực tiếp ảnh hưởng đến Brazil và các quốc gia xung quanh. Tiêu tốn nguồn nước tưới cũng là một vấn đề tiềm ẩn đối với đậu nành và cây trồng khác như lúa mì”, ông lưu ý.

Tuy nhiên, yếu tố hạn chế vẫn là giá cả và sự sẵn có của một số loại rong biển. Thêm nữa, các nhà sản xuất và chế biến rong biển vẫn có xu hướng bán cho thị trường làm thực phẩm cho con người, nơi nó được sử dụng làm nguyên liệu thô để sản xuất những thứ như agar và alginate, hoặc nori (sushi)… Veille nhận định.

Tố Uyên (lược dịch)