Quảng Trị: Hướng tới nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Trong những năm gần đây, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các địa phương triển khai công tác quy hoạch và thực hiện các chính sách hỗ trợ nên phong trào nuôi tôm phát triển mạnh ở các xã vùng cát, vùng biển. Đặc biệt, sở đã tìm các nguồn lực hỗ trợ và tổ chức các lớp tập huấn kĩ thuật, hướng dẫn người dân xây dựng, nhân rộng mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao để tăng năng suất, sản lượng và bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại thu nhập cao.

Nuôi tôm theo hướng công nghệ cao sẽ nâng cao giá trị thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Sau khi khảo sát thực tế, tháng 6/2019, Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chọn Doanh nghiệp tư nhân Thảo Linh ở xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao. Được tư vấn, hướng dẫn kĩ thuật và hỗ trợ 70% giống và thức ăn, doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí xây dựng 2 bể ươm tôm, 3 ao nuôi lót bạt trong nhà kính có tổng diện tích 6.000 m2, quá trình nuôi tuân thủ quy trình kĩ thuật nuôi tôm 2 giai đoạn. Kết quả cho thấy, với việc sử dụng thức ăn công nghiệp không có chứa chất cấm và được bổ sung thêm vitamin, chế phẩm sinh học, tôm có sức đề kháng tốt, không bị dịch bệnh và sinh trưởng nhanh, sau 3 tháng nuôi sản lượng đạt 35 tấn, trừ các khoản chi phí, doanh nghiệp đạt lợi nhuận gần 1,7 tỉ đồng.

Anh Hồ Minh Thắng, cán bộ kĩ thuật Doanh nghiệp tư nhân Thảo Linh cho biết: “Được sự hỗ trợ của Chi cục Thủy sản tỉnh, chúng tôi đã triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính. Qua một thời gian nuôi theo phương thức này, chúng tôi nhận thấy năng suất, sản lượng và lợi nhuận mang lại cao hơn cách nuôi truyền thống. Ngoài ra, ưu điểm của mô hình này là kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, hoặc khi phát hiện dịch bệnh thì sẽ xử lí dễ dàng hơn nên hạn chế tối đa rủi ro”.

Năm 2019, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lí nhà nước về giống, xử lí môi trường nuôi, hướng dẫn người dân nuôi tôm trên tổng diện tích 1.260 ha. Trong năm, sản lượng tôm nuôi đạt 5.020 tấn, tăng hơn 500 tấn so với năm 2018, giá trị sản xuất ước đạt hơn 900 tỉ đồng, tăng 230 tỉ đồng so với năm 2018. Trong đó đáng chú ý là đã triển khai thành công một số mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà kính, nuôi tôm thẻ chân trắng bể nổi tròn trong nhà lưới. Đây chính là cơ sở quan trọng để tiếp tục phát triển, nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, phấn đấu đưa giá trị nuôi tôm đạt 1.000 tỉ đồng vào năm 2020.

Ông Phạm Văn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết thêm: “Thời gian tới, đơn vị sẽ trực tiếp triển khai các biện pháp chỉ đạo sản xuất, đưa ra lịch nuôi phù hợp, kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản. Đồng thời, từ kết quả đã thành công, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng từ 10-15 mô hình nuôi tôm công nghệ cao nhằm nhân rộng để nâng cao giá trị thu nhập cho người nuôi tôm”.

Hiện nay tôm là một trong những loại con nuôi được tỉnh Quảng Trị lựa chọn là sản phẩm chủ lực nên nuôi theo công nghệ cao là hướng đi đúng. Tuy nhiên, mức đầu tư khá lớn nên các ngành chức năng không chỉ tuyên truyền, vận động cho người dân thay đổi cách nuôi mà cần quan tâm đến việc hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện vay vốn cũng như tập huấn kĩ thuật. Đặc biệt, hình thành các tổ hợp tác, nuôi tôm cộng đồng, liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình nuôi, có như thế mới phát triển nghề nuôi tôm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Hiếu Giang

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tin mới nhất

T7,20/04/2024