Quảng Ninh: Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi trong mùa nắng nóng

Ngày 9/6, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã đi kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình sản xuất, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tình hình bệnh trên tôm nuôi tại huyện Đầm Hà và Tiên Yên – đây cũng là những địa bàn trọng điểm về nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Cùng đi có đồng chí Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 32.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó riêng nuôi tôm là 7.500 ha. Theo phản ánh của đơn vị sản xuất giống và các hộ nuôi tôm từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, khi nắng nóng kéo dài, đã xuất hiện nhiều ổ dịch bệnh trên tôm nằm trong Danh mục các bệnh phải công bố dịch theo Thông tư 04 ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tôm chủ yếu bị các bệnh điển hình là đốm trắng, hoại tử gan tụy, vi bào tử trùng. Diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh hơn 98 ha thuộc 4 huyện của 109 hộ, chủ yếu tại các vùng nuôi tôm trọng điểm như Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Quảng Yên, Hạ Long. Cũng theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng và nhà khoa học, trong thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở tôm nuôi là rất cao.

Sau khi dành nhiều thời gian kiểm tra, nắm bắt tình hình tại các đầm nuôi, lắng nghe các ý kiến của các hộ nuôi, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Tôm là con nuôi chủ lực trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và trong khu vực nông lâm thủy sản của tỉnh, trước tình hình thời tiết còn những diễn biến phức tạp dễ nảy sinh các nguy cơ dịch bệnh, để phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ sản xuất, vai trò quan trọng nhất chính là sự chủ động của các hộ nuôi.

Đối với các cơ sở, các hộ nuôi chưa xảy ra dịch bệnh, phải thực hiện đầy đủ quy trình đảm bảo nuôi an toàn; chỉ mua giống tôm ở những cơ sở uy tín, được kiểm dịch và được xét nghiệm PCR, đảm bảo không có mầm bệnh ngay từ đầu vào. Trong quá trình nuôi, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, những dấu hiệu bất thường khi nảy sinh, nhất là những nơi hạ tầng nuôi chưa hoàn thiện; đồng thời phải chuẩn bị đầy đủ thức ăn, thuốc thú y, không sử dụng sản phẩm trôi nổi.

Đối với cơ sở đã bị dịch bệnh, phải cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, trung thực tới chi cục chăn nuôi và thú y, cũng như chính quyền sở tại để có các biện pháp hỗ trợ, nhanh chóng khoanh vùng xử lý dập dịch, giảm tối đa thiệt hại và không ảnh hưởng tới các hộ nuôi lân cận. Tập trung xử lý môi trường đầm nuôi, giám sát môi trường đầm nuôi đảm bảo an toàn mới tiến hành tái sản xuất.

Các cơ sở nuôi tôm tại thôn Bình Minh, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên.

Ở cơ sở nuôi chưa xảy ra dịch bệnh trong vùng có dịch, phải áp dụng ngay các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh khu vực nuôi, kiểm soát chặt chẽ nguồn nước, tăng cường giám sát chủ động, để không có những yếu tố rủi ro xâm nhập. Khi xảy ra những vấn đề bất thường, người nuôi tôm phải báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và tuyệt đối phải tuân thủ các biện pháp, quy trình được cơ quan chức năng hướng dẫn.

Chi cục chăn nuôi và thú ý tăng cường xuống địa bàn để nắm bắt, hỗ trợ các hộ nuôi trong quá trình dịch bệnh diễn ra phức tạp. Các cơ quan chuyên môn, quản lý nhà nước và chính quyền địa phương các nơi có đầm nuôi thủy sản phải tăng cường trách nhiệm, cùng với người dân để giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện các ổ dịch mới, khẩn trương quyết liệt khoanh vùng, khống chế ngay các ổ dịch theo đúng phương châm “3 trước”. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát các cơ chế chính sách hiện có của Trung ương và của tỉnh đề xuất các giải pháp kịp thời, hiệu quả.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý: Để phát triển nghề thủy sản bền vững, chính quyền cấp huyện, cấp xã phải rà soát lại toàn bộ quy trình lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó phải chủ động giám sát dịch bệnh ở các cơ sở nuôi; giám sát chặt chẽ thời tiết, khi có dấu hiệu bất thường cảnh báo các cơ sở nuôi. Khi phát sinh dịch bệnh, địa phương phải nắm lại toàn bộ thiệt hại, trong đó phải phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan để đề xuất giải pháp phù hợp. Các địa phương cần phải quan tâm đến công tác cán bộ, bố trí cán bộ có kinh nghiệm về thủy sản về công tác tại những xã là vùng trọng điểm về nuôi trồng thủy sản. Trước mắt, để đảm bảo vụ nuôi mới an toàn, ngoài vấn đề đảm bảo con giống, phòng chống dịch bệnh thì cần phải chủ động vấn đề về điện lưới, nguồn nước. Các địa phương làm việc, đề xuất với điện lực ưu tiên cấp điện cho các vùng nuôi trọng điểm; đồng thời tăng cường công tác quan trắc, giám sát ngoài, giám sát trong nguồn nước đảm bảo cung cấp nước sạch, an toàn.

Thu Chung

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

Tin mới nhất

T5,02/05/2024