Nuôi tôm tuần hoàn nước: Giải pháp “Đối Đầu” với nắng nóng

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Những ngày qua nắng nóng kéo dài với nền nhiệt độ cao khiến tôm nuôi thiệt hại, nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam rơi vào tình trạng “treo ao”, thì nuôi tôm công nghệ tuần hoàn nước là giải pháp hiệu quả.

Cần chú trọng thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường để giúp người nuôi có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và kỹ thuật nuôi phù hợp

Suy kiệt vì nắng nóng

Nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gặp nhiều vướng mắc về hạ tầng, xử lý nước, con giống nên bấp bênh bấy lâu nay. Nắng nóng với nền nhiệt độ đến 40oC kéo dài từ tháng 5 đến nay, môi trường nước biến động, tôm chết hàng loạt ở Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành.

Ông Nguyễn Hát (thôn Kim Đới, xã Tam Thăng, Tam Kỳ) nói, từ đầu tháng 6 đến nay tôm chết ở 3 ao nuôi. Đợi đến sang năm mới nuôi tôm trở lại thì nắng nóng dự báo kéo dài đến tháng 8 rồi mùa bão lụt thường bắt đầu từ tháng 10.

“Với hình thức phủ bạt che nắng tôm nuôi vẫn chết do sốc nhiệt độ cao. Mặc dù tôi quạt nước và thay nước liên tục nhưng tôm cũng chết. Nắng nóng đến 40 độ khiến cho tôm suy miễn dịch, sức đề kháng giảm rồi kiệt quệ”, ông Hát cho biết.

Nắng nóng đang là vấn đề nan giải. Nhiệt độ cao thúc đẩy phân hủy chất hữu cơ mùn bã không có lợi cho sinh trưởng của tôm nuôi. Nắng nóng cũng làm thay đổi các yếu tố thủy lý, thủy hóa nằm ngoài ngưỡng thích hợp với tôm nuôi.

Nuôi tôm tuần hoàn nước là giải pháp phù hợp

Dọc theo đường Võ Chí Công đoạn qua thôn Đông Thạnh, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành có trang trại nuôi tôm công nghệ cao được đầu tư bài bản. Trang trại 3,4ha đã được đầu tư đồng bộ 2 ao ương nuôi tôm giống, 1 ao xử lý nước thải, 3 ao chứa lắng, 1 ao chứa nước đã lắng lọc sạch để cho nước vào 4 ao nuôi tôm thương phẩm với tổng giá trị gần 4 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Nhân – Giám đốc HTX Thành Nhân – chủ trang trại cho biết, nuôi tôm ngày càng đối diện với nhiều thách thức, nhất là nắng nóng kéo dài nên bắt buộc phải đầu tư hệ thống ao nuôi tôm khép kín.

Yếu tố then chốt trong quy trình nuôi tôm của ông Nhân là xử lý nguồn nước sạch theo phương thức tuần hoàn vừa tiết kiệm lại dễ xử lý nước thải. Nước ngoài sông được ông Nhân bơm vào 3 ao chứa lắng, lọc sạch bằng thuốc tím, chlorine tuần hoàn đi khắp hệ thống ao nuôi tôm rồi xử lý sạch, thải ra môi trường.

Với hệ thống ao nuôi bài bản, ông Nhân thả nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ 150 con/m2. Sau 3 tháng nuôi, tỷ lệ tôm hao hụt thấp, trang trại đạt năng suất 12 tấn tôm/ vụ, thu hàng tỷ đồng.

“Tôi nuôi tôm theo chuỗi liên kết với Công ty Cổ phần Thủy sản Việt Úc. Họ cung cấp tôm giống chất lượng tốt đã được ương nuôi giai đoạn 1. Tôi mua về ương nuôi giai đoạn 2 rồi mới nuôi thương phẩm giai đoạn 3. Tôm thu hoạch tôi cung cấp cho doanh nghiệp thu mua về chế biến xuất khẩu. Tuần hoàn nước là giải pháp tôi tích lũy được sau 20 năm “lên bờ xuống ruộng” với nghề nuôi tôm. Nay rất tự hào với kết quả bước đầu mang lại”, ông Nhân chia sẻ.

Công nghệ tuần hoàn nước khống chế phát triển của các tảo, mùn, ổn định môi trường nước và biến các vi khuẩn dị dưỡng thành nguồn thức ăn cho tôm. Vì vậy, tôm nuôi mau lớn, kiểm soát được dịch bệnh, sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nuôi tôm 3 giai đoạn giúp giảm chi phí cũng như kiểm soát được các nguy cơ gây bệnh và giúp tôm sinh trưởng tốt trong điều kiện môi trường ổn định.

 Khuyến khích nhân rộng mô hình

Theo ông Lê Văn Hiệp – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, nuôi tôm theo hướng tuần hoàn nước chiếm tỷ lệ thấp trên địa bàn. Do thiếu vốn đầu tư, phần lớn nông hộ nuôi tôm manh mún, tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường dễ gây dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt trên diện rộng. Bởi vậy, ngành nông nghiệp khuyến khích hộ nuôi tập hợp thành HTX để nuôi tôm theo công nghệ xử lý nước hiện đại, đảm bảo môi trường nước nuôi tôm sạch. \Nuôi tôm công nghệ mới thu được kích cỡ tôm lớn, thông thường là 30 – 40 con/ kg, bán được giá cao. Đó cũng là hướng phát triển bền vững vì không lo ngại bức hại môi trường lại thu được giá trị kinh tế lớn trên đơn vị sản xuất. Nuôi tôm bằng cách xử lý nước sạch, nông hộ không cần thay nước nhiều, không xử lý hóa chất, không diệt khuẩn mà chỉ dùng men vi sinh để ức chế vi khuẩn gây hại nên rất tiết kiệm và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.

Để có thể áp dụng phương thức trên, hộ nuôi cần đầu tư lót bạt và phủ lưới che cho các ao nuôi tôm, trang bị hệ thống xiphon tự động, hệ thống sục khí, chủ động máy phát điện. Để bổ trợ, người nuôi còn đầu tư thêm các khu nuôi cấy vi sinh dùng hỗn hợp men vi sinh ủ với tinh chất chuối, gừng, sả giúp tôm tăng đề kháng, sinh trưởng nhanh.

Nghề nuôi tôm Quảng Nam đang vận động từ hình thức nuôi truyền thống sang thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Xu hướng này đang gặp một số khó khăn. Đó là hạ tầng thủy lợi chưa hoàn thiện, hệ thống kênh cấp thoát nước chưa đảm bảo nên gây khó khăn cho sản xuất và kiểm soát dịch bệnh.

Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho rằng, thời gian tới, Nhà nước cần đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi theo hướng chủ động cấp, thoát nước. Hạ tầng điện lưới cũng cần đưa đến các vùng nuôi tôm để vận hành tốt hệ thống quạt nước, sục khí, nhất là phục vụ hoạt động của máy bơm cấp nước và thoát nước sau xử lý.

Nhật Trường

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Nam, diện tích nuôi thủy sản nước mặn, lợ toàn tỉnh đến nay là 1.950ha/3.200ha, đạt 60,94% kế hoạch, trong đó nuôi tôm 1.640ha. Sản lượng nuôi thủy sản nước lợ/mặn đạt 11.610 tấn/20.000 tấn, đạt 58,05% kế hoạch, trong đó nuôi tôm đạt 10.000 tấn.

Từ đầu năm đến nay, bệnh trên tôm nuôi xảy ra gây thiệt hại về kinh tế lớn cho người nuôi, nhất là bệnh do virus làm tôm chết rất nhanh. Diện tích tôm bị bệnh là 142,8ha, trong đó, bệnh Đốm trắng 20,8ha, bệnh Hoại tử gan tụy cấp 2ha, bệnh do thay đổi các yếu tố môi trường 98ha.