Nuôi tôm trong bể nổi có mái che: Lợi đủ đường…

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Nuôi tôm trong bể nổi, có mái che hay còn được gọi là nuôi tôm trong nhà là một điển hình. Phương thức nuôi mới này giúp hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết, ô nhiễm môi trường,  từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng trên một đơn vị diện tích, đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

Bể nuôi tôm có mái che của gia đình ông Tô Đình Lệ, Xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh

Những năm qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại Hà Tĩnh đã có những bước phát triển rõ rệt. Đáng chú ý là người nuôi tôm tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi phương thức theo hướng nuôi tôm công nghệ cao. Những năm gần đây, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong ao nổi có mái che đang được người nuôi tôm tại một số địa phương ở Hà Tĩnh mạnh dạn đầu tư phát triển. Hình thức này đã góp phần giúp các hộ vượt qua được những khó khăn thách thức mà nghề nuôi tôm thường xuyên phải đối diện như: ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, hiện tượng thời tiết cực đoan.

Đơn cử như tại cơ sở nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn của anh Nguyễn Xuân Thủy ở thị trấn Thạch Hà. Cơ sở được xây dựng trên diện tích gần 1,2ha. Trong đó, hệ thống ao nổi có mái che là 1.000m2. Theo anh Thủy, phương thức này đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Tuy nhiên do hạn chế được những tác động tiêu cực của thời tiết, điều hòa được nhiệt độ trong ao nuôi nên anh Thủy có thể nuôi được 3 vụ một năm, thậm chí có những năm gia đình anh nuôi được tới 4 vụ. Trong khi việc nuôi tôm trên ao đất lót bạt ngoài trời, mỗi năm tối đa cũng chỉ được 2 vụ. Bên cạnh đó, khi nuôi tôm trong bể xi măng có mái che, sẽ kiểm soát được nguồn nước trước khi cấp vào thông qua việc xử lý kỹ lưỡng tại hệ thống ao lắng, đồng thời kiểm soát được nguồn thức ăn, dễ dàng vệ sinh ao nuôi, chủ động nguồn nước.

Còn với mô hình nuôi tôm của ông Tô Đình Lệ ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà. Trước đây, ông chỉ nuôi quảng canh cải tiến, vì toàn bộ diện tích nuôi tôm của ông là ao đất. Nhưng qua tìm hiểu và tham quan một số mô hình nuôi tôm có mái che trong và ngoài tỉnh, ông Lệ đã quyết định quy hoạch lại các ao nuôi và xây dựng hệ thống 2 ao nổi có mái che 600m2 để nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh công nghệ cao, với hệ thống ao phụ trợ có diện tích hơn 1ha dùng để nuôi tôm thương phẩm và ao lắng.

Ông Lệ chia sẻ: Để nuôi tôm công nghệ cao trong ao nổi có có mái che thành công, cần phải đảm bảo được các yếu tố, bao gồm: ao nuôi phải được thiết kế và xây dựng phù hợp với đặc tính của con tôm như: kích thước, độ sâu, độ thông gió, hệ thống lọc và tuần hoàn nước, có nguồn tôm giống chất lượng, thức ăn phù hợp, nguồn nước cấp đảm bảo.

Cũng theo ông Lệ, tôm được nuôi trong nhà là giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Lúc này tôm còn nhỏ nếu được chăm sóc trong diện tích vừa phải, có mái che thì sẽ kiểm soát tốt về tỷ lệ sống, kích cỡ và quá trình chăm sóc sẽ thuận lợi hơn nhiều so với nuôi ao lớn ở ngoài trời, từ đó, nâng cao sức đề kháng con tôm, hạn chế rủi ro khi nuôi thương phẩm.

Được biết, tại huyện Lộc Hà, khoảng 2 năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn, 3 giai đoạn trong ao nổi có mái che đã được một số hộ dân áp dụng hiệu quả. Như tại xã Hộ Độ, địa phương có gần 80ha nuôi tôm, trong đó đã có 4 mô hình thâm canh công nghệ cao với diện tích trên 10ha. Việc đầu tư nuôi tôm trong nhà thuận lợi trong việc chăm sóc, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường nước, nhiệt độ, thức ăn, nên tôm nuôi phát triển tốt, ít dịch bệnh. Để khuyến khích người dân, doanh nghiệp mở rộng đầu tư, chính quyền địa phương đã có chính sách hỗ trợ mỗi mô hình 10 triệu đồng để tạo điều kiện các hộ dân sửa chữa, nâng cấp ao nuôi, chuyển đổi từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang phát triển nuôi tôm theo hướng thâm canh, công nghệ cao, nhất là nuôi tôm trong bể nổi có mái che để nuôi tôm bền vững.

Hiện nay, hầu hết các hộ nuôi tôm trong ao nổi có mái che đều áp dụng kỹ thuật nuôi theo các giai đoạn. Ban đầu là thả tôm với mật độ cao từ 1.500 – 2.000 con/m2. Sau 20 ngày san dần sang các ao với mật độ thấp hơn để đảm bảo môi trường phát triển cho tôm khi đã lớn. Tiếp đến là giai đoạn nuôi thương phẩm với mật độ khoảng 100 con/m2. Với hình thức mới này, môi trường trong từng giai đoạn nuôi ít biến động, tôm có sức đề kháng cao, ngăn ngừa dịch bệnh, hạn chế tối đa ô nhiễm. Theo các hộ đã nuôi nhiều vụ, thì ưu điểm của nuôi tôm công nghệ cao trong bể nổi có mái che là nuôi tăng vụ và nuôi được trong cả vụ đông. Lúc này, nguồn cung sản phẩm tôm trên thị trường khan hiếm nên bán được giá, mang lại nguồn thu lớn cho các hộ nuôi.

Trước đây, nuôi tôm thâm canh công nghệ cao chỉ áp dụng tại các vùng nuôi trên cát, có điều kiện thuận lợi như: huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Thạch Hà, thì hiện nay, ở những vùng nuôi bằng ao đất, các chủ ao đầm ở xã Mai Phụ, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà; xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh đã mạnh dạn áp dụng, triển khai nuôi theo phương thức mới. Đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có trên 40 cơ sở nuôi trong bể có mái che với số lượng 320 bể, thể tích trên 90.000m3 đáp ứng điều kiện cho nuôi tôm thâm canh. Đây được xác định là hướng đi mới, phù hợp trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, liên kết sản xuất, giúp người nuôi quản lý ao nuôi hiệu quả, cùng với đó là kiểm soát tốt chỉ tiêu môi trường nước, điều hòa nhiệt độ ao nuôi, giảm dịch bệnh. Tỷ lệ nuôi sống đạt 80-85%, năng suất đạt trung bình 18 tấn/ha mỗi vụ, lợi nhuận 650 triệu đồng.

Để phát triển các mô hình nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao, nhất là nuôi tôm trong ao nổi có mái che, ngoài việc đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và tập huấn kỹ thuật, chính quyền các địa phương cần có chính sách hỗ trợ về vay vốn, đầu tư hạ tầng, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, hộ dân tham gia liên kết, mở rộng quy mô sản xuất và tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, đảm bảo tính bền vững.

Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh