Nuôi thủy sản xuất khẩu theo quy hoạch vùng tập trung

Tỉnh Tiền Giang có 32 km bờ biển, với các cửa sông lớn có tiềm năng và lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản có giá trị chế biến xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho bà con.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang

Tỉnh Tiền Giang có 32 km bờ biển, với các cửa sông lớn: Soài Rạp trên sông Vàm Cỏ và Cửa Tiểu, Cửa Đại của hệ thống sông Tiền, có tiềm năng và lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản có giá trị chế biến xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho bà con những địa bàn khó khăn.

Tiền Giang chú trọng khai thác tiềm năng nuôi thủy sản xuất khẩu ven biển Gò Công theo hướng quy hoạch các vùng nuôi tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ thâm canh để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa.Đồng thời, đa dạng hóa mô hình nuôi và đối tượng nuôi phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng từng nơi, gắn kết phát triển nuôi trồng thùy sản với du lịch sinh thái biển…Từ đó, phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững, giúp các huyện ven biền tăng trưởng một cách ổn định và vững chắc.

Thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đã định hình các vùng nuôi thủy sản Nam Gò Công, Bắc Gò Công (huyện Gò Công Đông), vùng nuôi thủy sản tập trung ở hạ lưu sông Tiền thuộc huyện cù lao Tân Phú Đông…Xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông) nằm tiếp giáp biển Đông cũng được quy hoạch thành xã chuyên về ngư nghiệp của tỉnh Tiền Giang.

Đặc biệt, xã ven biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông) đã xây dựng được vùng chuyên canh nghêu trên diện tích 2.200 ha gắn kết với du lịch sinh thái biển, trong nhiều năm qua đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động miền biển, giúp giảm nghèo nông thôn và huyện Gò Công Đông ra mắt thành công huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tiền Giang.

Còn hiện nay, hai huyện ven biển Gò Công của tỉnh Tiền Giang: Gò Công Đông, Tân Phú Đông được xác định là vùng nuôi thủy sản nước mặn, lợ chủ lực của tỉnh Tiền Giang với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao: tôm sú, tôm thẻ, nghêu, các loại thủy sản khác. Tùy theo thực tế từng địa bàn như: nuôi thâm canh, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông); nuôi quảng canh cải tiến, nuôi theo mô hình tôm – lúa ở huyện Tân Phú Đông; nuôi nghêu, nuôi sò huyết ở khu vực Cửa Tiểu và Cửa Đại (huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông).

Đáng mừng là nghề nuôi thủy sản xuất khẩu tại đây đang chuyển biến tích cực theo hướng phát huy Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chú trọng đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, thâm canh, tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo chất lượng nguồn nông sản hàng hóa tham gia thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, nếu như trước năm 2017, khu vực ven biển Gò Công nông dân chủ yếu nuôi tôm trong ao đất, sử dụng dàn quạt để tạo oxy, diện tích ao nuôi khá lớn, trung bình từ 3.000 – 4.000 m2/ao, khiến việc quản lý ao nuôi gặp nhiều rủi ro thì hiện nay, các mô hình nuôi tôm thâm canh 2, 3 giai đoạn, nuôi tôm bằng vi sinh, mô hình biofloc… được khuyến khích áp dụng thay thế cho mô hình nuôi truyền thống. Từ đó, mở ra cuộc cách mạng khoa học mới trên lĩnh vực nuôi thủy sản nước lợ, mặn xuất khẩu, hạn chế những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình nuôi.

Ưu điểm của mô hình này là rút ngắn được thời gian nuôi; ao nuôi nhỏ nên dễ quản lý các yếu tố môi trường, thức ăn; nuôi với mật độ cao;… năng suất bình quân trong mô hình này dao động từ 40 – 60 tấn/ha. Thực hiện mô hình, nông dân đầu tư vốn cải tạo và nâng cấp cơ sở kiến thiết hạ tầng vùng nuôi, lắp đặt xi phông đáy và hệ thống thay nước tuần hoàn hoặc bán tuần hoàn kết hợp tạo ôxy đáy.

Đồng thời, trên ao có trải bạt xung quanh bờ ao, cũng có thể có trải bạt đáy và không bạt đáy. Ngoài ra, ao nuôi có diện tích nhỏ từ 1.000 – 2.000 m2 có sử dụng lưới che để hạn chế nhiệt độ vào những mùa nắng nóng, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý ao, môi trường nước…Tương lai, các mô hình nuôi tôm thâm canh 2, 3 giai đoạn kể trên sẽ thay dần những phương thức nuôi truyền thống nhiều rủi ro.

Huyện cù lao Tân Phú Đông còn phát triển mô hình một vụ tôm – một vụ lúa/năm ở cá xã ven biển như: Phú Tân, Phú Đông cũng mở ra triển vọng làm giàu cho nông dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa bàn huyện cù lao ven biển khó khăn. Riêng vùng nuôi nghêu 2.200 ha tại xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) đang áp dụng nuôi theo tiêu chuẩn MSC nhằm phát triển bền vững nghề nuôi nghêu, giúp nông nghiệp – nông dân – nông thôn xã biển khó khăn trước đây giàu mạnh hẳn lên.

Đặc biệt, trong năm 2022, khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, nghề nuôi thủy sản xuất khẩu ven biển Gò Công có bước khởi sắc mạnh mẽ. Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay, hai huyện ven biển Gò Công Đông và Tân Phú Đông đã thả nuôi thủy sản nước lợ, mặn trên tổng diện tích mặt nước gần 9.000 ha, tăng hơn 2.000 ha so với cùng kỳ năm trước với các đối tượng nuôi chính là: tôm sú, tôm thẻ, nghêu. Riêng vùng nuôi nghêu tập trung tại xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) diện tích thả nuôi khoảng 2.200 ha.

Trong diện tích chung kể trên thì huyện Tân Phú Đông đã thả nuôi gần 6.400 ha thủy sản các loại, tăng gần 2.100 ha so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là tôm nước lợ, mặn; còn lại là huyện Gò Công Đông.

Từ đầu năm đến nay, hai huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông đã thu hoạch gần 22.000 tấn thủy sản các loại; trong đó có gần 10.500 tấn nghêu thương phẩm. Đáng mừng là giá tôm, nghêu tại vùng nuôi đang đứng ở mức cao. Giá tôm thẻ cỡ 100 con/kg giá 95.000 đồng, tôm cỡ 30 con/kg giá từ 165.000 – 180.000 đồng/kg, giá nghêu thương phẩm cũng dao động trong khoảng từ 26.000-28.000 đồng/kg, người nuôi có lãi khá.

Minh Trí

Thegioitiepthi.danviet.vn

Tin mới nhất

T6,19/04/2024