Nucleotide: Điều hòa miễn dịch và khả năng kháng AHPND trên tôm

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Nghiên cứu này đã đánh giá tác động của việc bổ sung nucleotide về các chỉ tiêu năng suất, đáp ứng miễn dịch và tỷ lệ sống ở tôm thẻ chân trắng. Việc bổ sung nucleotide vào khẩu phần ăn với tỷ lệ 0,1% hỗ trợ giảm lượng bột cá trong thức ăn và cải thiện chức năng miễn dịch trên tôm.

Nucleoforce® là thương hiệu độc quyền trong chiết xuất nấm men giàu nucleotide từ Saccharomyces cerevisiae được phát triển bởi Bioiberica S.A.U. (Palafolls, Tây Ban Nha). Hiệu quả của việc bổ sung nucleotide này trong chế độ ăn của tôm thẻ chân trắng gần đây đã được thực hiện bởi hai nghiên cứu ở Indonesia, cho thấy tác động tích cực của việc bổ sung nucleotide đối với năng suất, đáp ứng miễn dịch, lợi nhuận và khả năng kháng bệnh đối với mầm bệnh Vibrio harveyi.

Nhóm nghiên cứu của đưa ra giả thuyết rằng chúng cũng có thể có lợi cho tôm thẻ chân trắng trong một số hệ thống nuôi trồng tại Việt Nam và hỗ trợ sức khỏe miễn dịch của tôm chống lại các bệnh trên tôm như bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), một bệnh nghiêm trọng gây ra bởi vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus và được xem là một trong những bệnh quan trọng ở nhiều nước nuôi tôm.

Thiết kế thí nghiệm

Một thử nghiệm cho ăn khẩu phần bổ sung được thực hiện với 1.000 tôm, kéo dài 56 ngày và một thử nghiệm công cường độc với 600 con tôm trong 10 ngày đã được thực hiện bằng cách sử dụng các chế độ ăn có các mức bột cá khác nhau (26; 23,4; 22,1 và 20,8%), có hoặc không có 0,1% nucleotide. Đối chứng âm, không bổ sung nucleotide được sử dụng trong thử nghiệm này. Thí nghiệm được tiến hành để đánh giá hiệu quả điều hòa miễn dịch của việc bổ sung vào chế độ ăn sản phẩm nucleotide trên tôm thẻ chân trắng và tác động tích cực có thể có đối với năng suất và khả năng kháng mầm bệnh trên tôm.

Chế độ ăn được chuẩn bị với các mức bổ sung bột cá khác nhau, được thay thế một phần bằng các protein có nguồn thực vật. Khẩu phần đối chứng (260FM, chứa 26% bột cá) được thiết kế giống với khẩu phần thường được sử dụng để sản xuất cho tôm thẻ chân trắng ở Việt Nam. Nucleotide được bổ sung ở mức 0,1% trong các chế độ ăn khác được sử dụng trong nghiên cứu này, trong đó giảm hàm lượng bột cá 0% (260FMN), 10% (234FMN), 15% (221FMN) và 20% (208FMN) đã được áp dụng.

Khi kết thúc thử nghiệm, các mẫu máu được lấy từ 5 con tôm trong mỗi bể và được sử dụng để định lượng tổng số tế bào máu (total hemocyte count – THC) và hoạt tính phenoloxidase (PO), cả hai đều là biểu hiện tình trạng sức khỏe.

 Kết quả và thảo luận

Sau 56 ngày, mức THC cao hơn đáng kể ở tất cả các nhóm được bổ sung nucleotide so với nhóm đối chứng. Nhóm 260FMN cho thấy mức THC cao hơn đáng kể so với các nhóm khác. THC trong các nhóm 234FMN, 221FMN và 208FMN (với mức giảm bột cá tương ứng là 10, 15 và 20%) cũng được cải thiện đáng kể so với nhóm đối chứng (ở mức bột cá thông thường 26%) (Hình 1). Và không có sự khác biệt đáng kể nào của hoạt tính PO được tìm thấy giữa các nhóm.

Hình 1. THC của tôm từ các nhóm nghiên cứu khác nhau sau 56 ngày ở thử nghiệm cho ăn thức ăn bổ sung

Việc bổ sung nucleotide với các mức bột cá thông thường (260FMN) giúp cải thiện năng suất, đạt được trọng lượng cơ thể trung bình cuối cùng, sinh khối cuối cùng, tăng trọng trung bình, tăng trọng trung bình hàng ngày và tiêu thụ thức ăn, so với đối chứng (260FM), mặc dù hiệu quả này không đạt đến mức có ý nghĩa thống kê. Bên cạnh đó, các thông số về hiệu suất bao gồm trọng lượng trung bình cuối cùng, sinh khối cuối cùng, tăng trọng trung bình, tăng trọng trung bình hàng ngày, tỷ lệ tăng trưởng cụ thể và mức tiêu thụ thức ăn cũng tốt hơn đáng kể ở nhóm 260FMN so với 234FMN, 221FMN hoặc 208FMN.

Tỷ lệ sống của tôm sau 56 ngày là rất cao (91 đến 93%) trong tất cả các nhóm nghiên cứu từ nhóm 260FM, 260FMN, 234FMN, 221FMN và 208FMN, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Trong quá trình thử nghiệm, nhận thấy rằng tôm được cho ăn chế độ ăn có nucleotide có hoạt tính vận động cao hơn và thời gian tiêu thụ thức ăn ngắn hơn so với nhóm không được bổ sung. Và các phân tích kinh tế cho thấy lợi nhuận được cải thiện sau khi bổ sung nucleotide vào chế độ ăn ở mức bột cá thông thường (260FMN so với 260FM).

Hình 2: Tôm thẻ chân trắng từ các nhóm thử nghiệm 260FMNOCH (A), 260FM (B) và 260FMN (C), 24 giờ sau khi công cường độc với Vibrio parahaemolyticus

Tôm bị nhiễm bệnh có gan tụy nhợt nhạt và đường ruột rỗng, trong khi tôm không bị nhiễm bệnh có gan tụy màu nâu, dạ dày và đường ruột đầy

Sau 10 ngày công cường độc, tỷ lệ sống sót thấp hơn đáng kể ở nhóm đối chứng dương (260FM) so với nhóm đối chứng âm (260FMNOCH). Tất cả các nhóm có chế độ ăn kết hợp nucleotide đều cho thấy tỷ lệ sống cao hơn so với nhóm đối chứng dương ở giai đoạn cuối của thử nghiệm (Hình 3). Tại 15h sau khi công cường độc, tỷ lệ sống của hai nhóm 221FMN và 208FMN cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng dương, và tỷ lệ sống ở hai nhóm này tại thời điểm 15h không thua kém về mặt thống kê so với nhóm đối chứng âm.

Hình 3: Tỷ lệ sống của tôm ở mỗi nhóm nghiên cứu sau khi công cường độc

Sự kết hợp của các nucleotide trong chế độ ăn đã đem lại một số tác dụng có lợi ở thử nghiệm cho ăn khẩu phần bổ sung. Việc bổ sung nucleotide vào chế độ ăn với lượng bột cá thông thường giúp tạo phản ứng miễn dịch tốt hơn đáng kể (mức THC cao hơn), bổ sung nucleotide với lượng bột cá thông thường giúp các thông số tăng trưởng tốt hơn đáng kể so với các nhóm giảm lượng bột cá. Tuy nhiên, thí nghiệm vẫn cho thấy các nhóm bổ sung nucleotide với lượng bột cá giảm vẫn đạt được hiệu quả tốt hơn so với nhóm đối chứng (không có nucleotide).

Nucleotide – nguyên liệu thay thế bột cá lý tưởng

Lợi nhuận chính là chìa khóa cho các nhà nuôi tôm. Để đạt được nhiều lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh, người nuôi tôm phải giảm thiểu chi phí sản xuất và áp dụng các biện pháp bền vững. Hiện nay, nhiều nguyên liệu, phụ gia thức ăn và sản phẩm chức năng mới đã được nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng một phần vào nuôi tôm để đạt hiệu quả tốt hơn, tăng năng suất, tăng cường sức khỏe và khả năng chống chịu bệnh tật của tôm. Tại Việt Nam, giá thành sản xuất vẫn cao hơn nhiều so với Ecuador và Ấn Độ. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng khiến chi phí trở nên cao, tốn kém và không tồn tại được lâu do khấu hao. Biên lợi nhuận của người nuôi thấp chưa từng có và sản phẩm tôm Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường nếu không tìm được giải pháp phù hợp.

Nghiên cứu này đã chứng minh rằng việc bổ sung nucleotide vào chế độ ăn của tôm đã cải thiện lợi nhuận. Điều này có thể được giải thích bởi những cải thiện về hiệu suất, tác động tối thiểu của nucleotide đối với chi phí thức ăn và tính bền vững của chúng, góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho người nuôi.

 Đánh giá

Bổ sung 0,1% nucleotide của Nucleoforce trong 56 ngày ở tôm thẻ chân trắng được nuôi trong điều kiện hệ thống nuôi tuần hoàn ở Việt Nam đã góp phần cải thiện chức năng miễn dịch, khả năng sống sót và đạt lợi nhuận khi thực hiện thí nghiệm công cường độc với chủng V. parahaemolyticus gây bệnh AHPND, bên cạnh đó còn có thể thay thế bột cá bằng các nguồn đạm thực vật mà không có tác động tiêu cực đến hiệu suất. Nucleotide có thể được sử dụng như một thành phần chức năng bền vững và hiệu quả trong sản xuất tôm thẻ chân trắng.

Thương Nguyễn (Theo Globalseafood)