Niềm vui giản đơn của ngư dân Na Uy trong mỗi hành trình ra biển

Được truyền lửa đi biển từ 4 thế hệ trước trong gia đình, ganh Espen Farstad, 39 tuổi đến từ vùng Aalesund Na Uy, đã khẳng định sẽ không chọn nghề nào khác ngoài đánh cá. Cứ mỗi chuyến đi, anh lại đón nhận sự ngạc nhiên nào đó.

Đại dương mang lại niềm vui bất tận cho ngư dân

Là một ngư dân chuyên nghiệp, Farstad đi biển 10 tháng mỗi năm, tập trung đánh bắt các loài giáp xác như cua nâu, tôm hùm, và tôm hùm đất. Vào mùa đông, anh dong thuyền ra khơi lúc 6h sáng và về nhà lúc 2h chiều. Vào mùa hè, thời gian đi biển sẽ dài hơn khi mặt trời sáng nhiều giờ hơn. Để phục vụ hoạt động đánh bắt, Farstad sắm 260 bẫy cua và 250 bẫy tôm hùm đất. Ở Na Uy, mỗi ngư dân chuyên nghiệp chỉ cần có khoảng 500 bẫy là đủ kiếm sống. Mỗi lần ra khơi, anh có thể đặt tối đa 350 bẫy, gồm cả cua và tôm hùm đất, hoặc chỉ một loại, tuỳ theo mùa.

Có thể nói, với Farstad, đánh cá là lựa chọn đúng đắn và mang lại cảm giác tự do khi so sánh với công việc làm thuê trước đó. Là chủ sở hữu của một con thuyền dài 8m, anh có thể quyết định khi nào ra khơi, khi nào ở nhà. Thời tiết xấu anh tự cho phép mình nghỉ, không như trước đây làm thuê phải đi làm bất kể thời tiết.

Các chuyến đi biển cũng dễ dàng với Farstad như dân văn phòng gõ phím máy tính. Mỗi ngày ra biển, anh mang theo một bình cà phê nóng. Tới nơi định đặt bẫy mà không ổn, anh chỉ cần di chuyển thuyền sang vùng biển khác. Trong khi chờ máy ròng bẫy hoạt động, Farstad bật nhạc và hát theo, nghĩ đến sở thích đua xe của mình, cân nhắc có nên sơn lại nhà, hoặc tính xem khi nào sơn lại thuyền… Việc thả bẫy hàng ngày cũng không hề vất vả với Farstad vì mỗi bẫy tôm hùm đất nặng không quá 3kg.

Chỉ khi vào mùa cua, anh mới thấy vất vả hơn một chút. Mỗi bẫy cua nặng 10kg chưa kể có cua ở trong, mỗi con có thể nặng tới 2,5kg. Vùng biển đặt bẫy cua cũng ở xa bờ hơn, tại những nơi có sóng lớn. Mùa cua, anh thường về nhà mỗi ngày trong trạng thái mệt mỏi. Những lúc mệt như thế, Farstad hay nghe nhạc trên đường rong thuyền về bến.

Với Farstad, mỗi chuyến đi cũng là một niềm vui khi anh được nghe tiếng động cơ con thuyền khởi động giữa không gian đêm vắng, được uống ly cà phê nóng trong cái lạnh của biển đêm, được chờ đón bình minh từ lúc bóng đêm còn bao trùm, hay được nhìn thấy một ngày mới dần xuất hiện từ những tia sáng đầu tiên nhói lên sau núi. Farstad bày tỏ: “Cứ ít phút tôi lại ngó lên trời xem mặt trời mọc. Rồi tôi tự nhủ ‘Yes! Mặt trời lên rồi! Lên chút nữa rồi! Hôm nay mặt trời mọc sớm hơn hôm qua 5 phút…’. Mọi thứ xuất hiện trước mắt tôi từ lúc còn tối om, đến khi viền đỉnh núi dần hiện rõ, rừng cây xuất hiện, màu sắc tỏ dần. Toàn bộ quá trình đó kéo dài 10 phút mỗi ngày. Đó là 10 phút thần tiên với tôi”.

Vào cuối tháng 5, khi mùa tôm cua đã cạn, Farstad cũng sửa sang lại thuyền. Với anh, đây cũng là lúc có một niềm vui mới: “Tôi thích mùi véc-ni tự nhiên chiết xuất từ nhựa cây cùng loại với cây dùng làm gỗ đóng thuyền. Cái mùi ấy kỳ diệu như mùi của mùa xuân”.

Trong hai tháng nghỉ hè sau đó, sau khi được thỏa thích đua xe mô tô đường dài xuyên Na Uy cùng bạn bè và cắm trại giữa thiên nhiên. Farstad cũng sẵn sàng chờ đón niềm hạnh phúc tiếp theo: Mùa săn cua từ tháng 7 hàng năm.

Và niềm vui cuối năm của anh chính là đón lễ Giáng sinh bằng một cây thông noel từ bẫy cua. Năm nào cũng vậy, anh chọn những bẫy cua có phao màu đỏ và to nhất, chất lên thành dáng cây thông, rồi chăng đèn nháy. Anh dường như đã tạo ra “truyền thống” này ở Aalesund, vì năm 2022 các nhà báo địa phương đã đến ghi hình đưa tin về cây thông noel đặc biệt của Farstad. Cuộc sống của Farstad nói riêng và nhiều ngư dân Na Uy khác nói chung luôn gắn bó chặt chẽ với biển và hầu hết mọi niềm vui trong cuộc sống đều gắn với biển.

Cây thông bằng bẫy cua của Espen Farstad. Ảnh nhân vật cung cấp

Không chỉ là niềm vui, đánh cá còn là một nghề đảm bảo được sinh kế và phúc lợi

Farstad đánh cá là vì truyền thống gia đình,niềm đam mê riêng, và cũng vì nghề này thực sự mang lại thu nhập tốt.

Theo chia sẻ của Farstad với đại diện Công ty Arctic Seafood Norway AS, nghề cá ngày nay tại Na Uy được trả lương cao hơn so với 20 năm trước. Thời đó, tàu kích thước nhỏ, ít công nghệ hỗ trợ, nên không đánh bắt được nhiều. Doanh thu ít như vậy nên việc trả công cho thuỷ thủ cũng thấp. Ngày nay, ngư dân sắm được thuyền lớn với nhiều thiết bị hỗ trợ đánh bắt hiện đại. Mỗi thuyền lớn vẫn chỉ cần 5-6 thuỷ thủ như trước nhưng lưới đánh bắt có nhiều móc câu hơn nên mỗi mẻ lưới bắt nhiều cá hơn rất nhiều.

Đồng thời, giá bán hải sản hiện nay cũng cao hơn nhiều lần. Đặc biệt, hải sản Na Uy được xuất khẩu với uy tín cao và chất lượng tuyệt hảo do được đánh bắt ở vùng nước lạnh và sạch. Nhu cầu trên thế giới với hải sản Na Uy luôn năm sau cao hơn năm trước. Tất cả các lý do đó gộp lại khiến phúc lợi cho thuỷ thủ cũng được nâng lên. Farstad đóng thuế và được hưởng phúc lợi xã hội như các thuỷ thủ trên tàu lớn, dù tàu của Farstad nhỏ và anh là chủ tàu.

Không chỉ được nhận lương cao và phúc lợi xã hội tốt, đời sống của ngư dân và thủy thủ trên thuyền cũng rất được quan tâm. Theo chia sẻ của Farstad, trên các thuyền lớn, mọi người chỉ có hai việc: Đánh cá và thưởng thức những bữa ăn ngon nhất Na Uy. Bữa ăn nào cũng có hai thực đơn, chưa kể nhiều bữa phụ. Các bữa ăn trên thuyền lớn không khác gì các bữa ăn ở nhà hàng 5 sao. Lượng thức ăn cũng nhiều không hạn chế.

Để bảo đảm chế độ ăn cho thủy thủ, Farstad nói: “Đầu bếp luôn là người nấu ăn ngon nhất, giỏi nhất, và được trả lương cao hơn cả thuỷ thủ. Đầu bếp không nhất thiết phải là người có bằng cấp hay giải thưởng, mà là người thực sự có kỹ năng nấu ăn. Đầu bếp làm việc trên thuyền thường là những người được giới thiệu truyền miệng nhờ kỹ năng nấu ăn xuất sắc của họ”.

Nghề cá luôn được sự quan tâm của chính phủ Na Uy: Bảo đảm an toàn cho ngư dân và môi trường bền vững

Tại Na Uy, một ngư dân chuyên nghiệp, không nhất thiết phải làm việc cho một công ty hay thuyền, mà có thể tự làm chủ thuyền đánh bắt của mình. Farstad chia sẻ: “Khi đó, bạn chỉ cần mua thuyền và đăng ký hoạt động cho thuyền. Nếu bạn đã có kinh nghiệm đi biển, ví dụ như tôi đi biển từ khi 9 tuổi và gia đình tôi có 6 thế hệ làm ngư nghiệp, thì việc đăng ký thuyền là rất dễ dàng. Cơ quan đăng ký hiểu rằng những người như tôi biết cách điều hành thuyền, đánh bắt, và tuân thủ luật”.

Để hạn chế lượng người khai thác hải sản quá mức, chính phủ Na Uy cũng không cho phép những người đã có công việc rồi được làm ngư dân chuyên nghiệp. Farstad cũng đã phải nộp giấy chứng nhận với cơ quan đăng ký thuyền rằng không đang làm việc ở cơ quan nào khác.

Trong quá trình đánh bắt, chính phủ Na Uy cũng đưa ra quy định đánh bắt cụ thể để tránh các dây bẫy bị đan vào nhau hoặc các thuyền đặt bẫy chồng chéo vào bẫy của thuyền khác trong cùng một vùng biển. Theo chia sẻ của Farstad: “Mỗi một dây thường treo 30 bẫy. Điểm đầu treo hai phao và điểm cuối treo một phao. Ở vùng biển Aalesund dựa theo dòng chảy của nước biển, luật quy định chuỗi bẫy luôn phải đặt theo hướng từ tây sang đông. Khi tôi ra biển và thấy hai phao trên mặt nước, thì tôi hiểu rằng đây là điểm đầu của dây bẫy mà ai đó đã đặt tại điểm phía tây. Từ hai phao đó, tôi nhìn về phía đông để tìm một phao còn lại và định vị điểm cuối của chuỗi bẫy đó. Sau đó, tôi điều khiển thuyền của mình tịnh tiến ra xa “đường kẻ dọc theo chuỗi bẫy đó” khoảng 100m (luật quy định tối thiểu 80m), rồi đặt bẫy của mình theo cách tương tự: hai điểm phao, theo hướng từ tây sang đông. Với quy định như thế, không có thuyền nào đặt bẫy chồng chéo lên nhau”.

Một góc của bến phà trăm tuổi Aalesund, nơi những ngư dân như Espen Farstad cập thuyền sau mỗi chuyến ra khơi

Ngư dân kỳ cựu này cũng chia sẻ về thực tiễn đánh cá của bản thân và cách anh hạn chế đánh bắt quá mức tại một vùng biển: “Trong trường hợp tôi thấy rất nhiều bẫy tôm cua đã giăng trong cả một vùng biển, tôi sẽ đưa thuyền của mình sang vùng biển khác. Có rất nhiều điểm đặt bẫy quanh Aalesund cho tôi lựa chọn. Tôi đã đánh dấu tất cả các vùng biển trong vòng 3 tiếng đồng hồ chạy thuyền quanh đây, nơi có nhiều các loại tôm cua tôi muốn. Tuy nhiên, ít khi tôi đặt lưới quá hai đến năm lần liên tiếp trong cùng một vùng biển. Khi thấy sản lượng giảm dần, tôi sẽ di chuyển tới vùng biển lân cận. Khoảng bốn tuần sau quay lại thì vùng biển cũ lại có nhiều tôm cua”.

Các ngư dân cũng phải thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức cũng như luôn tuân thủ đầy đủ quy định khi đánh bắt cá. Farstad chia sẻ: “Cứ 5 năm chúng tôi phải đi học lại một lần. Trường học dạy lại những luật cũ và các quy định mới cập nhật như an toàn trên biển, trang thiết bị an toàn trên tàu, cách sử dụng hệ thống SOS khi có tai nạn trên biển…v…v… Mỗi lần học lại, tôi phải vượt qua bài kiểm tra toàn diện. Bài thi này không khó với tôi, vì đó là những kỹ năng cơ bản của nghề đi biển mà tôi đã quen từ khi 9 tuổi. Tôi cũng phải trả 18.000NOK (tương đương 1.800USD) cho mỗi lần đi học và thi”.

“Ngoài ra, tôi phải mang thuyền đi đăng kiểm định kỳ – giống như bạn có xe ô tô và phải đăng kiểm. Cảnh sát biển cũng sẽ kiểm tra thuyền của tôi bất kỳ lúc nào. Có thể hàng năm, có thể vài năm một lần. Họ xuất hiện bất chợt và yêu cầu kiểm tra các thiết bị, các nút bấm khẩn cấp, trang bị radio và GPS… Tất cả các thiết bị đều phải hoạt động tốt tại thời điểm kiểm tra đột xuất”, Farstad nói về hoạt động kiểm tra của chính phủ Na Uy.

Như vậy, dù không nhất thiết phải trải qua các khoá đào tạo để trở thành một ngư dân chuyên nghiệp tại Na Uy thì các ngư dân nước này vẫn cần tuân thủ đầy đủ các quy định và yêu cầu của chính phủ Na Uy để đảm bảo an toàn cho chính họ và gìn giữ môi trường biển như đã được truyền lại từ đời cha ông mình.

Tin mới nhất

T5,25/04/2024