Nhu cầu về protein từ côn trùng có thể đạt 500.000 tấn vào năm 2030

[Người Nuôi Tôm] – Báo cáo mới của RaboResearch đã dự đoán nhu cầu về protein từ côn trùng có thể đạt nửa triệu tấn vào năm 2030, tăng khoảng 10.000 tấn so với hiện tại.

Ảnh minh họa: ST

 

Beyhan de Jong và Gorjan Nikolik, các nhà phân tích cấp cao ngành thủy sản của ngân hàng Rabobank cho biết, việc đạt được cột mốc quan trọng đó vào năm 2030 sẽ là một bước ngoặt lớn đối với ngành côn trùng. Thức ăn chăn nuôi hiện đang là thị trường lớn nhất cho protein từ côn trùng, tiếp theo đó là thị trường thức ăn thủy sản. “Hiện nay, chỉ có vài nghìn tấn protein côn trùng được sử dụng trong sản xuất thức ăn thủy sản. Protein từ côn trùng đã được chứng minh mang lại chất lượng dinh dưỡng cao cho tôm, cá. Nhưng ở mức giá hiện tại, chỉ yếu tố dinh dưỡng tuyệt vời là chưa đủ cho việc ứng dụng rộng rãi protein từ côn trùng cho ngành này”.

 

Những trở ngại hiện nay đối với sự tăng trưởng

Các chuyên gia phân tích ngành thủy sản cho biết, thách thức đầu tiên của ngành là thiếu quy mô. Khối lượng protein côn trùng trên toàn cầu hiện tại khoảng 10.000 tấn. Sau khi sản xuất với số lượng nhỏ tại các cơ sở thử nghiệm, nhiều công ty hàng đầu trong ngành đã tiến hành xây dựng các cơ sở lớn hơn để sản xuất theo quy mô. Một số nhà máy đã hoạt động gần đạt đến công suất tối đa, trong khi đó một số nhà máy hiện vẫn chưa đi vào hoạt động. “Ít nhất tại thời điểm hiện tại, nhu cầu về protein từ côn trùng vẫn đang cao hơn so với nguồn cung của nó. Các công ty Aquafeed tuyên bố rằng, việc thiếu nguồn nguyên liệu sẵn có là một trong những lý do chính khiến họ ngần ngại sử dụng nguồn protein từ côn trùng.

 

Protein côn trùng vẫn còn quá đắt

Chi phí sản xuất cao dẫn đến giá thành cao là một trong những mặt hạn chế của nhu cầu sử dụng protein từ côn trùng. Hiện nay, giá protein từ côn trùng dao động trong khoảng 4.250 USD – 6.066 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với bột cá và đạm đậu nành. 5 năm qua, giá bột cá chỉ biến động trong khoảng từ 1.200 – 2.000 USD/tấn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, lợi ích bền vững từ côn trùng có thể cung cấp cho các sản phẩm thủy sản, chẳng hạn như giảm việc phụ thuộc vào các thành phần từ biển có thể biện minh cho mức giá tương đối cao của protein từ côn trùng.

 

Luật pháp chưa thống nhất trên toàn cầu

Các nhà phân tích báo cáo rằng, luật pháp quản lý nguồn nguyên liệu và thị trường cho việc nuôi côn trùng là khác nhau trên toàn cầu. Tại EU, các nguyên liệu thô dùng để nuôi côn trùng đang bị hạn chế, các chất thải từ thực phẩm bao gồm cá, thịt hoặc chất thải từ hoạt động phục vụ ăn uống và sản phẩm phế thải từ lò mổ không được phép sử dụng làm nguyên liệu cho trang trại nuôi côn trùng. Tuy nhiên, luật pháp có thể thay đổi, bộ đôi Rabobank cho biết: “Dự đoán ngành công nghiệp chưa qua chế biến phục vụ sản xuất côn trùng như thịt, cá các thực phẩm cũ bị đánh giá thấp (ví dụ chứa tàn dư bao bì không thể tránh khỏi) sẽ được phê duyệt như nguyên liệu dùng cho các nông trại sản xuất côn trùng vào năm 2022. Điều này sẽ làm tăng tính tuần hoàn thông qua việc tận dụng các nguồn tài nguyên bị loại bỏ, mang lại nhiều sự linh hoạt và lợi thế về chi phí cho ngành côn trùng”.

Cũng tại EU, protein từ côn trùng chỉ có thể sử dụng làm thức ăn cho vật nuôi và như một thành phần nguyên liệu thức ăn thủy sản. Mặt khác, dầu từ côn trùng và ấu trùng sống được phép sử dụng trên thị trường.

Tại Mỹ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) quy định, thức ăn chăn nuôi và thức ăn cho vật nuôi có sự quy định khác nhau giữa các bang trong việc sử dụng protein côn trùng làm thức ăn. Côn trùng nên được nuôi trên nguồn nguyên liệu đã được Cơ quan Kiểm soát thức ăn Mỹ chấp thuận. Tại Canada, nguyên liệu từ trang trại côn trùng có thể bao gồm chất thải thực phẩm trước khi sử dụng nếu được Cơ quan Thanh tra Thực phẩm Canada chấp thuận.

Bột côn trùng chưa được chấp thuận làm thành phần thức ăn cho vật nuôi tại Mỹ, nhưng được chấp thuận làm thành phần thức ăn cho gia cầm và salmonid. Tại Canada, việc sử dụng bột côn trùng được cho phép như một thành phần thức ăn cho vật nuôi, nhưng chưa phải là một thành phần thức ăn cho gia cầm và thủy sản. Luật pháp dự kiến sẽ được thay đổi trên hai thị trường này trong năm 2021

 

Thu hút đầu tư

Côn trùng hiện nay đã nhận được sự đầu tư đáng kể, đặc biệt là từ năm 2018, cho phép các công ty côn trùng xây dựng cơ sở sản xuất với quy mô lớn hơn, liên kết với các chuyên gia ngành thủy sản.

Vốn dòng cho ngành sản xuất côn trùng đã tăng tốc sau khi EU cho phép sử dụng bột protein côn trùng như một thành phần thức ăn thủy sản từ tháng 7/2017. Nguồn: Rabobank

 

Các khoản đầu tư vào côn trùng năm 2018 cao hơn khoảng 45% so với tổng các khoản đầu tư nhận được trong ba năm trước đó. Hiện nay, tổng các khoản đầu tư được tiết lộ trong ngành côn trùng là gần 1 tỷ Euro. Trong đó, lớn nhất là từ Ynsect và InnovaFeed vào thời điểm cuối năm 2020.

 

Trào lưu sử dụng

Các nhà phân tích đã xây dựng một mô hình để đánh giá thị trường tiềm năng cho protein từ côn trùng, giả sử trong trường hợp không bị hạn chế về nguồn cung và luật pháp.

Nhu cầu về protein từ côn trùng có thể đạt 500.000 tấn vào năm 2030 (Nguồn: Rabobank)

 

Các nhà nghiên cứu đã xem xét ba giai đoạn cho đến năm 2030: Giai đoạn mở rộng quy mô; giai đoạn sử dụng rộng rãi và giai đoạn trưởng thành.

Trong giai đoạn sử dụng rộng rãi, protein côn trùng sẽ được sử dụng cùng với bột cá và bột đậu nành nhưng tỷ lệ đưa vào tương đối nhỏ, đủ để đạt được các tính năng của chúng. Như vậy, giá của chúng sẽ không phản ánh những gì chúng thay thế mà là những gì chúng đóng góp vào giá trị tổng thể. Tuy nhiên, rõ ràng là không chỉ cần nghiên cứu thêm mà các đặc tính chức năng sẽ cần được chứng minh cho ngành công nghiệp thức ăn thủy sản trong môi trường thương mại. Mặc dù có nhiều hứa hẹn, nhưng điều này có thể sẽ mất rất nhiều thời gian.

Vũ Hải

Theo Feednavigator

 

Tin mới nhất

CN,05/05/2024