Người nuôi tôm hiện nắm bắt thị trường rất nhanh nhạy

Để giải bài toán thiếu hụt tôm nguyên liệu vào một số thời điểm trong năm, người nuôi tôm cần được tạo động lực để đẩy mạnh sản xuất tôm.


Thu hoạch tôm ở Long An. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2, ngành nuôi tôm Việt Nam liên tục phát triển trong những năm gần đây. Đến năm 2021, tổng diện tích đạt khoảng 742.000 ha trên cả nước, chủ yếu là nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

Tổng sản lượng tôm của nước ta hiện đạt khoảng 900.000 tấn. Trong đó, sản lượng tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 80-82% tổng sản lượng cả nước. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung chiếm 12% sản lượng. Lượng tôm còn lại đến từ Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định, sự phát triển của nuôi tôm trong nước những năm qua đã đáp ứng được cho đà tăng trưởng của chế biến, xuất khẩu tôm.

Tuy nhiên, vẫn có những thời điểm, những giai đoạn ngành tôm Việt Nam bị thiếu hụt tôm nguyên liệu. Việc thiếu hụt trước hết là do hoạt động nuôi tôm ở Việt Nam vẫn chủ yếu là ở các nông hộ, thiếu những trang trại, cơ sở nuôi tập trung, quy mô lớn để có thể điều hòa, cân bằng lại nhu cầu.

Để cạnh tranh được trên thị trường tôm thế giới, ngành tôm Việt Nam đang hướng vào các sản phẩm giá trị gia tăng đối với các sản phẩm tôm, cho nên nhu cầu với tôm nguyên liệu cỡ lớn là khá cao. Mà để có tôm cỡ lớn thì thời gian nuôi phải kéo dài hơn dẫn tới rủi ro cao hơn. Vì vậy, có thể bị thiếu hụt tôm nguyên liệu vào một số thời điểm do thời tiết bất lợi hay những nguyên nhân khác.

Một nguyên nhân quan trọng khác là thị trường tôm nội địa đang tăng trưởng tương đối tốt trong thời gian qua nhờ kinh tế phát triển nên người tiêu dùng có điều kiện ăn tôm nhiều hơn. Sự phát triển của du lịch trong nước cũng làm tăng đáng kể lượng tôm tiêu thụ.

Thực tế cho thấy trong tổng sản lượng khoảng 900.000 tấn tôm, khoảng 600.000 tấn là được chế biến xuất khẩu, còn lại là tiêu thụ nội địa.

Nhu cầu tiêu thụ tôm trên thế giới được dự báo là tiếp tục tăng trưởng, với mức tăng bình quân khoảng 6%/năm. Thương mại tôm toàn cầu trong năm nay được dự báo vào khoảng 32 tỷ USD.


Tôm vừa thu hoạch ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Thanh Sơn.

Từ nhu cầu tiêu thụ tôm ở thị trường trong nước cũng như thị trường thế giới, ông Hòe cho rằng cần phải có chiến lược nâng cao hơn nữa sản lượng tôm Việt Nam, ở mức hơn 1 triệu tấn mỗi năm. Nhưng việc nâng cao sản lượng tôm đang gặp phải một lực cản không nhỏ, đó là động lực của người nuôi tôm.

Theo ông Hòe, người nuôi tôm hiện nay nắm bắt thông tin thị trường quốc tế rất nhanh nhạy nhờ tiếp cận được từ nhiều nguồn thông tin và chủ yếu sản xuất theo thị trường. Nếu thấy giá cả tốt, đảm bảo có lợi nhuận thì nông dân mới thả nuôi.

Tuy nhiên, việc nông dân chỉ nhắm vào thị trường xuất khẩu để quyết định nuôi hay không nuôi, nhiều khi lại dẫn tới sự bị động cho cả một chuỗi giá trị, từ nhà sản xuất thức ăn, cơ sở sản xuất giống …

Chính vì vậy, việc tạo động lực cho người nuôi tôm mạnh dạn, chủ động hơn trong sản xuất là một yếu tố quan trọng để tăng sản lượng tôm Việt Nam.

Để tạo được động lực đó, cần có sự nghiên cứu, đánh giá nhu cầu của thị trường nội địa, đồng thời có những giải pháp giúp cho thị trường tôm trong nước phát triển mạnh và ổn định hơn.

Khi thấy thị trường nội địa ngày càng rộng mở, giá bán cũng tốt, nông dân sẽ không chỉ nhìn vào thị trường xuất khẩu như trước mà cũng sẽ căn cứ vào nhu cầu nội địa để chủ động hơn trong việc thả nuôi tôm.

Khi ấy, sẽ giảm thiểu được tình trạng thiếu hụt tôm nguyên liệu giành cho chế biến, xuất khẩu ở một số thời điểm trong năm. và tạo cơ sở để người nuôi có được động lực mạnh mẽ hơn để tăng cường sản xuất tôm, qua đó đáp ứng đủ nhu cầu cho cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Thanh Sơn

Nongnghiep.vn

Tin mới nhất

T6,26/04/2024