Ngành tôm vẫn về đích thành công

Sản lượng tôm nước lợ đến cuối tháng 11 này vẫn còn thấp hơn 0,3% so với cùng kỳ, nhưng với diện tích tôm chưa thu hoạch còn hơn 6.000ha, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng vẫn tự tin đến cuối năm, sản lượng tôm sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch gần 2%. Không những thế, kim ngạch xuất khẩu tôm tuy khả năng thấp hơn năm 2022, nhưng theo dự báo cũng sẽ trên 900 triệu USD. Đây thật sự là tin vui đối với ngành hàng tôm của tỉnh, dù nó chưa thật sự trọn vẹn.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Sóc Trăng tại Hội thảo tham vấn “Xây dựng mô hình nuôi tôm hiệu quả và phòng bệnh trên tôm nuôi” do Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam tổ chức vào ngày 27/11, tính đến thời điểm trên, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của tỉnh đạt 52.323,9ha, vượt 2,6% so với kế hoạch và sản lượng thu hoạch ước đạt 200.817,1 tấn, đạt 97,2% so với kế hoạch và thấp hơn 0,3% so với cùng kỳ. Hiện, diện tích tôm chưa thu hoạch của tỉnh còn 6.312,6ha nên ông Huỳnh Ngọc Nhã – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng tự tin cho biết, sản lượng tôm nước lợ của tỉnh đến cuối năm ước đạt 210.000 tấn, vượt 1,6% kế hoạch và tăng 4,48% so với năm 2022.

Lĩnh vực nuôi năm nay tiếp tục về đích thành công với diện tích, sản lượng đều vượt chỉ tiêu kế hoạch. Ảnh: TÍCH CHU

Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2023 tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức, như: đầu năm độ mặn trên các tuyến sông đến khá trễ; mưa nhiều và lượng mưa khá lớn khi vào chính vụ; giá tôm nguyên liệu liên tục giảm, trong khi chi phí vật tư đầu vào cao. Trong đó, khó khăn lớn nhất mà ngành tôm của tỉnh nói riêng cũng như cả nước nói chung là thị trường tiêu thụ, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế tỉnh nhà và nhất là nông dân nuôi tôm. Tuy nhiên, như nhận định của ông Nhã thì cả 2 chỉ tiêu diện tích và sản lượng tôm nước lợ năm 2023 của tỉnh đều vượt chỉ tiêu kế hoạch và theo ông đây là thành quả tích cực đối với ngành tôm Sóc Trăng trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước.

Riêng thách thức đối với ngành tôm trong thời gian tới cũng được ông Nhã nhận định là tình hình biến đổi khí hậu ngày càng mạnh hơn nên dịch bệnh cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro; là khó khăn đến từ thị trường tiêu thụ do tác động suy thoái, lạm phát toàn cầu và sự cạnh tranh từ nguồn tôm giá rẻ đến từ các nước Ecuador, Ấn Độ… Đối với thách thức nội, đó là công tác quản lý như vật tư đầu vào, con giống; là người nuôi khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng để cải tạo, đầu tư chuyển đổi mô hình; là liên kết ngành hàng còn hạn chế… Ông Nhã chia sẻ thêm: “Tổ chức liên kết ngành hàng rất quan trọng nhằm chia sẻ kinh nghiệm, lợi ích khâu đầu vào đến đầu ra để làm sao giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh. Vấn đề này sẽ được hội thảo hôm nay tập trung thảo luận và qua đó ít nhiều sẽ mang lại những kinh nghiệm, thông tin quý báu từ thực tiễn cho người nuôi”.

Chế biến, xuất khẩu tôm dù rất nỗ lực nhưng khả năng vẫn sẽ sụt giảm so với năm 2022. Ảnh: TÍCH CHU

Nếu như lĩnh vực nuôi đã chắc chắn về đích vượt kế hoạch ở cả 2 chỉ tiêu diện tích và sản lượng, thì chế biến xuất khẩu cũng gần như cầm chắc “chiếc vé sụt giảm” về kim ngạch so với năm ngoái và kể cả so với kế hoạch. Theo ước tính của ông Nhã, kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh năm nay nhiều khả năng chỉ đạt trên 900 triệu USD. Nguyên nhân của sự sụt giảm trên theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta là do tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới cùng với việc cung ứng tôm giá rẻ từ Ecuador ngày càng nhiều nên việc tiêu thụ tôm của Việt Nam gặp khó khăn khi giá cả xuống rất thấp. Tuy nhiên, theo ông Lực nếu so với toàn ngành, mức sụt giảm kim ngạch xuất khẩu tôm của Sóc Trăng có phần nhẹ hơn.

Ông Lực chia sẻ: “Toàn ngành tôm năm nay có mức suy giảm trên 20% so với năm rồi. Riêng Sóc Trăng mức suy giảm này có ít hơn do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tốt hơn mặt bằng chung của toàn ngành. Còn nói về Sao Ta thì kết quả năm nay chắc cũng tương đối thôi, tức là vẫn thua sút năm rồi nhưng chỉ ở mức khoảng 10%. Đây được xem là điều an ủi để lực lượng Sao Ta nỗ lực tốt hơn trong thời gian tới”.

Cùng nhận định với ngành nông nghiệp, ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam đánh giá, vụ tôm nước lợ năm 2023 ở Sóc Trăng là khá thành công. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, theo ông Phục, sự thành công trên chủ yếu tập trung vào một số người nuôi có kinh nghiệm và trang trại có điều kiện, giải pháp tốt, còn lại cũng có một số nhất định bị thất bại, thua lỗ nặng. Trao đổi thêm về tình hình xuất khẩu tôm năm nay, ông Phục cho biết: “Đây là hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty, nên chúng tôi luôn có sự tập trung phát triển theo chiến lược bền vững, về: sản phẩm, thị trường, khách hàng… Chiến lược này đã giúp doanh nghiệp tạo thương hiệu rất tốt, cho nên dù dịch bệnh hay khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tiêu dùng thì chúng tôi vẫn có lượng khách hàng đều đặn, hoạt động nhà máy khá ổn định và đứng vững trong những giai đoạn khó khăn như ở năm 2023 này”.

Tích Chu
Báo Sóc Trăng

Tin mới nhất

T6,03/05/2024