Một số lưu ý trong nuôi vỗ tôm bố mẹ

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Kỹ thuật nuôi thành thục tôm bố mẹ là một trong những khâu quan trọng ban đầu trong quy trình sản xuất giống. Để đạt con giống chất lượng tốt cần đảm bảo nguồn tôm bố mẹ khỏe mạnh, sạch bệnh. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp một số lưu ý trong nuôi vỗ tôm bố mẹ.

Ảnh: Thanh Tung Luc

Lựa chọn tôm bố mẹ

Kỹ thuật tuyển chọn tôm bố mẹ và cho đẻ là một trong những khâu quan trọng trong sản xuất giống nhân tạo, việc tuyển chọn và cho đẻ cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật để tạo ra những con giống có chất lượng tốt.

Tôm bố mẹ khỏe mạnh không mang mầm bệnh phải được lựa chọn để đạt thành công trong sản xuất giống. Cần đảm bảo nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh SPF, xét nghiệm âm tính với TSV, WSSV, YHV, IHHNV, INMV, EMS.

Khối lượng tôm bố mẹ đạt tiêu chuẩn là tôm cái không nhỏ hơn 150g/con, tôm đực không nhỏ hơn 120g/con. Ngoại hình tôm bố mẹ đạt tiêu chuẩn là cơ thể nguyên vẹn, màu tự nhiên, thân sáng bóng, không xây xát, các phụ bộ hoàn chỉnh, không có chấm đen ở thân, mang sạch bệnh. Cơ quan sinh dục còn nguyên vẹn, con đực có túi chứa tinh màu trắng sữa, con cái có trứng từ giai đoạn II, III.

Tôm bố mẹ tự nhiên: Nguồn tôm bố mẹ tự nhiên trước đây được nhận định là sẽ cho lượng ấu trùng nhiều và khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguy cơ lây nhiễm virus gây bệnh từ tôm bố mẹ tự nhiên cao và phải mất nhiều thời gian hơn để thuần hóa và nuôi vỗ khiến người nuôi đã chuyển hướng sang sử dụng tôm bố mẹ được nuôi trong điều kiện nhân tạo nhiều hơn. Đồng thời hiện nay nguồn tôm bố mẹ ngoài tự nhiên cũng đang dần khan hiếm.

Tôm bố mẹ thuần hóa: Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều dòng tôm bố mẹ, dòng tôm sạch bệnh (SPF), dòng tôm kháng bệnh cụ thể (SPR), dòng tôm chịu được mầm bệnh cụ thể (SPT). Tôm bố mẹ thuần hóa được kiểm soát chặt về mầm bệnh, độ thuần… giúp người nuôi hạn chế các rủi ro về dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình nuôi tôm thương phẩm, đồng thời cho ấu trùng khỏe mạnh hơn. Tôm bố mẹ được nuôi trong điều kiện nhân tạo thường có kích thước nhỏ hơn so với tôm tự nhiên.

Kiểm tra các chỉ tiêu môi trường trước khi thả nuôi

Một trong những công việc chuẩn bị cho nuôi vỗ tôm bố mẹ thành thục là vệ sinh bể nuôi vỗ và các dụng cụ phục vụ cho việc nuôi vỗ, hệ thống sục khí, che bạt, cấp nước và kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước trong bể.

Việc chuẩn bị nuôi vỗ có ý nghĩa rất quan trọng. Các chỉ tiêu môi trường nước trong bể ở mức thích hợp và ổn định, không có mầm bệnh sẽ giúp tôm bố mẹ khỏe mạnh, thành thục tốt.

Nguồn nước cung cấp vào bể tôm bố mẹ được lọc qua hệ thống lọc cơ học, sinh học để loại bỏ các chất vẩn và mầm bệnh. Nước được cung cấp vào bể phải đảm bảo các thông số môi trường như: Nhiệt độ 27-32oC, độ mặn 30-33‰, NH3 < 0,1mg/l, NO2 < 0,05mg/l, pH 7,8 – 8,2, độ sâu mực nước 0,5-0,7m.

Bể nuôi phải được vệ sinh sạch, khử trùng bằng chlorine nồng độ 40ppm, sau đó rửa sạch lại bằng nước ngọt trước và để khô bể khoảng 10-15 ngày trước khi cấp nước biển sạch vào. Đặc biệt lưu ý, không trộn chung xà phòng và chlorine để vệ sinh và sát trùng, vì xà phòng sẽ hạn chế tác dụng của chlorine. Mật độ thả nuôi từ 7-10 con/m2, đảm bảo cung cấp oxy bằng hệ thống sục khí 24/24 giờ.

Thả nuôi tôm bố mẹ

Khi đến trại giống, tôm bố mẹ nên được giữ cách ly cho đến khi tình trạng bệnh được xác định. Nếu bất kỳ nhóm nào xét nghiệm cho ra kết quả dương tính có thể được loại bỏ, hoặc trong trường hợp một mẫu được lấy từ tôm được giữ theo cá thể, tôm sau đó có thể được thử nghiệm trên cơ sở cá thể để xác định và loại bỏ chỉ các cá thể dương tính. Các cá thể bị nhiễm bệnh nên được xử lý bằng cách tiêu hủy hoặc một số phương pháp khác mà sẽ ngăn chặn sự lây lan của virus tiềm ẩn.

Thời gian cách ly sẽ thay đổi tùy thuộc vào thời gian cần thiết để hoàn thành các thủ tục kiểm tra sức khỏe. Trong trường hợp tôm bố mẹ cần được lưu giữ để theo dõi trong các cơ sở cách ly cho đến khi tất cả các bài kiểm tra được hoàn thành và ít nhất tối thiểu 20 ngày trước khi đưa về trại nuôi thích nghi.

Tôm bố mẹ trước khi đưa vào nuôi vỗ cần có thời gian thuần dưỡng để tôm dần dần thích nghi với điều kiện sống nhân tạo. Quá trình thích nghi với môi trường kéo dài từ 7 ngày đến vài tuần. Tôm bố mẹ sẽ được điều chỉnh theo điều kiện môi trường của các cơ sở nuôi vỗ và các loại thức ăn được đưa vào. Việc xây dựng chế độ ăn sẽ được sử dụng để bổ sung vào thức ăn tự nhiên là đặc biệt quan trọng.

Tôm đực và tôm cái thả riêng trong bể nuôi. Khu trại nuôi tôm bố mẹ được che chắn tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào và luôn giữ yên tĩnh. Bể nuôi tôm bố mẹ đực và cái gần nhau, để tiện bắt tôm đực và cái thành thục chuyển vào bể đẻ. Trước khi thả tôm bố mẹ cần tắm bằng Iodine 1ppm. Ngoài ra, luôn chuẩn bị nguồn nước sạch đã qua xử lý khử trùng để tiện thay nước khi cần.

Quản lý và chăm sóc

Hàng ngày, cho tôm bố mẹ ăn bằng các loại thức ăn như con dời, mực, ốc ký cư, hàu… có bổ sung vitamin và các chất khoáng. Khử trùng mực bằng máy sục Ozone trong 8-10 phút; khử trùng hàu bằng PVP-Iodine trong 1 phút trước khi cho ăn. Khẩu phần cho ăn hàng ngày bằng 30-40% trọng lượng cơ thể. Cho ăn khoảng cách 3-4giờ/ lần và điều chỉnh lượng thức ăn giữa các lần cho ăn tuỳ theo hoạt động bắt mồi của tôm. Sau khi cho ăn 2 giờ tiến hành kiểm tra, nếu còn thức ăn thừa trong bể phải vớt ra để đảm bảo cho môi trường nuôi thường xuyên sạch, không gây ra dịch bệnh cho cả đàn tôm trong bể.

Thay nước hằng ngày từ 100-200% nước trong bể bằng phương pháp cho nước chảy vào ra.  Do lượng thức ăn sử dụng nhiều, bể nuôi vỗ đòi hỏi phải được xiphon hàng ngày để loại bỏ thức ăn thừa, phân và vỏ lột. Các dụng cụ sử dụng nuôi vỗ tôm bố mẹ cần được khử trùng và rửa sạch trước khi dùng trong bể.

Thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm, khi phát hiện tôm có dấu hiệu bị bệnh cần cách ly để xử lý kịp thời, sau khi tôm khỏe thì chuyển lại bể nuôi vỗ.

Chuẩn bị cho đẻ

Sau khi nuôi vỗ 2-3 tuần, số lượng tôm cái lên trứng trên 20%, kiểm tra và chọn tôm chuẩn bị cho đẻ. Khi chọn tôm cho đẻ dựa trên các tiêu chí sau: tôm khoẻ mạnh linh hoạt, thân hình cân đối không bị dị tật và không bị bệnh. Khi tôm thành thục tốt, tôm cái nhìn bên ngoài thấy đường trứng rõ nét, đều và không bị đứt quãng. Đối với con đực, kiểm tra túi tinh nếu không có màu đen hay vàng đậm, tốt nhất chọn những con có túi tinh màu trắng đục. Chuyển tôm cái và tôm đực vào bể cho giao vĩ, sau khi tôm kết thúc giai đoạn giao vĩ, tiến hành chuyển những con cái đã được thụ tinh sang bể đẻ.

Minh Ngọc (Tổng hợp)