Mô hình nuôi tôm thâm canh sử dụng lưới lan che ở Ninh Thuận

Ninh Thuận là tỉnh ven biển thuộc cực Nam Trung Bộ, được đánh giá là nơi có số giờ nắng cao nhất cả nước. Đây cũng được coi là lợi thế về điều kiện tự nhiện khí hậu đối với nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi tôm công nghiệp. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh áp dụng mô hình nuôi mật độ cao, siêu thâm canh làm tăng làm lượng chất hữu cơ trong ao kết hợp lượng ánh sáng bức xạ lớn dẫn đến mật độ tảo trong ao dày đặc. Sự phát triển của tảo trong ao được ví như “con dao hai lưỡi”, đặc biệt ở mật độ cao sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe tôm nuôi và làm biến động lớn các yếu tố môi trường.

Trước thực tế trên, từ đầu năm 2017 cho đến nay ông Võ Văn Sơn, với kinh nghiện nuôi tôm 20 năm tại thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đã thử nghiệm “Mô hình nuôi tôm thâm canh sử dụng lưới lan che bán hở (như hình ảnh) bước đầu đem lại hiệu quả nhất định, với tổng diện tích nuôi khoảng 30 ha của gia đình.


Đặc điểm mô hình này là sử dụng lưới lan che để hạn chế ánh sáng mặt trời, làm chậm tốc độ phát triển quá mức của tảo – nguyên nhân gây hiện tượng tảo tàn lụi nhanh làm ô nhiễm nước ao và thiếu ôxy cho tôm. Bên cạnh đó, tăng cường quạt nước và ôxy đáy trong ao để cung cấp oxy cho tôm và bung lượng chất thải bám đáy gom tập trung vào các vùng cố định và đưa vào ao thải. Ngoài ra, trong quá trình nuôi sử dụng men vi sinh định kỳ để tạo một hệ vi sinh có lợi trong nước nên đã hạn chế tối đa mầm bệnh gây hại cho tôm.

Với mật độ nuôi 200-350con/m2, sau 3 tháng nuôi, kích cỡ trung bình đạt từ 80-100 con/kg, năng suất trung bình trong các ao nuôi của ông Sơn từ 12-15 tấn/ha, một số ao năng suất đạt đến 40 tấn/ha. Sản phẩm tôm thu hoạch trên các diện tích nuôi của ông hoàn toàn không sử dụng kháng sinh nên rất được các công ty chế biến tin mua.

Ông Sơn cho biết, do niềm đam mê với con tôm nên ông vẫn chưa thực sự dừng lại với các phương pháp nuôi này. Vì vậy, hiện ông đang tự tìm tòi thí điểm bằng nhiều phương pháp nuôi khác nhau trên các diện tích ao của ông để tìm ra được phương pháp nuôi tôm ít bị dịch bệnh và ít rủi ro nhất. Ông luôn ý thức việc nuôi bền vững chính là phải giữ cho môi trường không bị ô nhiễm để có thể nuôi lâu dài thay vì chỉ chú trọng đến tăng năng suất và lợi nhuận tức thời. Chúng tôi đã bị ấn tượng bởi chính suy nghĩ và những gì ông đang thực hiện tại chính vùng nuôi tôm của ông bởi đó chính là trăn trở của những người làm nghề nuôi tôm cần có để giữ cho nghề nuôi tôm được phát triển bền vững trong tương lai.

Nguồn: Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Thuận. Biên tập bài: PT Long