Liên minh tôm Việt Nam: Sạch và bền vững

Trước sức cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thương trường, cũng như sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngành tôm các nước, ngành tôm Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng cần có một tổ chức liên minh, tạo nên sự gắn kết, khối thống nhất, nâng cao sức mạnh cạnh tranh.

Đó là sự liên minh từ người nuôi tôm, nhà cung cấp đầu vào sản xuất (giống, thức ăn, thiết bị nuôi…) đến doanh nghiệp chế biến, đơn vị tài chính… Với mục tiêu xây dựng nên khung chiến lược phát triển mang tầm dài hơi, liên minh tôm hướng tới tính bền vững, tạo nên sức mạnh tổng lực, đưa thương hiệu con tôm Cà Mau trở thành đại diện tôm Việt Nam đủ sức cạnh tranh, giữ vững tốp đầu ngành tôm thế giới…

Liên minh tôm Việt Nam vừa được hình thành tại thủ phủ tôm Việt Nam – Cà Mau, đây sẽ là đại diện cho con tôm cả nước, bởi trước nhất là từ con tôm sú sinh thái có truyền thống, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới vốn nhiều biến động. Ðó là vùng nuôi tôm sinh thái (tôm rừng) rộng lớn, đạt nhiều chứng nhận quốc tế, không đâu có được vì mang yếu tố tự nhiên, bền vững.

Với lợi thế từ những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn trải dài từ Ðông sang Tây, con tôm sú sinh trưởng tự nhiên dưới tán rừng đã tạo nên thương hiệu tôm Cà Mau, hình thành ngành hàng cạnh tranh không đối thủ trên thương trường thế giới.

Cùng với đó, hàng trăm ngàn héc-ta nuôi tôm sạch trên đất lúa, cũng đủ tạo nên sức mạnh “khủng”, tự tin để cạnh tranh. Một sức mạnh thực sự tạo nên thương hiệu lớn và lợi thế cạnh tranh tốp đầu, khi Cà Mau có rất nhiều nhà máy chế biến thuỷ sản thuộc các tập đoàn xuất khẩu thuỷ sản tầm cỡ thế giới với công nghệ hiện đại, luôn đổi mới, tạo nên sự đa dạng về hàng hoá chất lượng cao, đáp ứng thị trường khó tính nhất, từ Nhật, Hoa Kỳ đến châu Âu…

Cà Mau hiện có hơn 300.000 ha nuôi thuỷ sản, trong đó có trên 280.000 ha nuôi tôm nước lợ, chiếm khoảng 40% diện tích nuôi tôm của Việt Nam. Sản lượng tôm hàng năm của Cà Mau đạt khoảng 180.000 tấn, chiếm 22% tổng sản lượng tôm toàn quốc. Toàn tỉnh có hơn 30 nhà máy chế biến và xuất khẩu tôm với công suất 250.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Kim ngạch xuất khẩu tôm Cà Mau ước đạt 1,2 tỷ USD năm 2020, xuất sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngành tôm Cà Mau đóng góp đáng kể vào sinh kế của hơn 50% dân số địa phương, cung cấp việc làm cho 350.000 lao động, trong đó khoảng 300.000 lao động trực tiếp vào hoạt động nuôi tôm.

Tôm sinh thái, hay được gọi là tôm sạch, được các tổ chức uy tín thế giới công nhận, có sức cạnh tranh rất lớn trên thương trường.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết: “Liên minh tôm sạch bền vững đóng vai trò chính là chủ động hỗ trợ. Ðó là tiếp cận và vận động chính sách; thúc đẩy cải tiến công nghệ sản xuất và chế biến để giảm chi phí, tăng chất lượng và giảm tác động môi trường; tăng cường liên kết chuỗi, huy động nguồn lực giải quyết các vấn đề của ngành; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế và kinh doanh toàn cầu ngành tôm Cà Mau; phát triển thương hiệu tôm Cà Mau và Việt Nam trên thị trường thế giới…”.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, đơn vị đi đầu trong chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam, cho biết: “Hiện lợi thế cạnh tranh giữa con tôm Việt Nam và các đối thủ đã rút ngắn lại. Nếu chúng ta không có bước tiến nhanh hơn, chủ động hiệp sức để nâng tầm thì ngành tôm Việt Nam thực sự sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới”.

Theo ông Quang, đầu vào cho nghề nuôi tôm ở Việt Nam đang tăng quá cao so với các nước có tiềm năng nuôi tôm như Ấn Ðộ, Indonesia… Từ đó, giá con tôm nguyên liệu cũng như sản phẩm xuất khẩu khá cao, dẫn đến thiếu sức cạnh tranh.

Nhiều năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam cũng như Cà Mau mạnh tay đầu tư trang thiết bị nhằm sản xuất hàng giá trị gia tăng, hàng cao cấp, nhưng sức cạnh tranh chưa có nhiều đột phá, nhất là khi tình hình kinh tế thế giới đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, sự lựa chọn hàng cao cấp, đạt chứng nhận của người tiêu dùng có xu hướng giảm.

Một vấn đề khiến ông Quang lo ngại, là hiện Cà Mau chưa có vùng nuôi tôm tập trung, quy mô lớn nhằm tạo ra giá trị cũng như hiệu quả mang tính bền vững, cần có sự liên kết giữa các hộ dân, hình thành nên những hợp tác xã, công ty… có người đại diện để liên minh, liên kết.

Với lợi thế khi đặt nhà máy chế biến tại vùng nguyên liệu tôm sinh thái nức tiếng thế giới mà không đâu có được – tôm rừng, ông Ngô Minh Hiển, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Năm Căn, mong muốn cần có khung chiến lược mang tầm nhìn dài hơi, có định hướng từng lĩnh vực, hành động cụ thể cho từng giai đoạn từ liên minh tôm Việt Nam.

Tôm sú sạch Cà Mau cấp đông xuất nguyên con trở thành thế mạnh của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Năm Căn, khi đặt cơ sở tại vùng nguyên liệu Năm Căn, Ngọc Hiển.

“Tham gia liên minh không chỉ là cái bắt tay, mà đó là nắm tay nhau, cùng dìu dắt, hỗ trợ nhau để cùng phát triển”, ông Hiển chia sẻ. Nói về lợi thế, ông Hiển cho rằng, dây chuyền, công nghệ chế biến hiện không những tạo nên giá trị sản phẩm cạnh tranh, mà máy móc còn góp phần làm giảm chi phí lao động phổ thông, góp phần tạo giá trị cạnh tranh cho doanh nghiệp. Vì thế, khi tham gia vào liên minh, đánh giá đâu là lợi thế thì tận dụng để phát huy.

Với tầm nhìn phát triển ngành công nghiệp sản xuất tôm năng động và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, công bằng về sinh kế và cơ hội phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế, liên minh tôm Việt Nam không chỉ sạch mà phải mang tính bền vững.

Liên minh đặt ra mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025, trước mắt là quy hoạch, nâng cấp vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi cung ứng tôm sạch, bền vững, tuân theo các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế; thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ mới trong khâu nuôi, chế biến và chuỗi cung ứng tôm Cà Mau; mở rộng thị trường tôm sạch, bền vững trong nước và quốc tế, phát triển thương hiệu, các kênh phân phối cho sản phẩm tôm đạt chất lượng…

Liên minh tôm sạch, bền vững Việt Nam do Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử làm Chủ tịch; cùng với đó là các Phó chủ tịch, trong đó có ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú./.

Nguồn tin: Báo Cà Mau