Kinh nghiệm phát triển nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc với công nghệ Sông trong Ao của USSEC

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Quốc tiếp tục là quốc gia đứng đầu thế giới về sản lượng nuôi trồng thủy sản. Ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) của Trung Quốc đã và đang chuyển sang hướng thân thiện với môi trường và bền vững hơn. Công nghệ Sông trong Ao – In Pond Raceway System (IPRS) của USSEC là một trong những giải pháp chính được quốc gia này được lựa chọn.

USSEC đã triển khai Chương trình NTTS tại Trung Quốc hơn 30 năm qua. Các công nghệ mới được triển khai và khuyến khích tại Trung Quốc bao gồm: LVHD, 80:20, IPRS với thức ăn được tối ưu bằng đậu nành Hoa Kỳ, cam kết thân thiện với môi trường, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.

Nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thành công trong NTTS bền vững, ngày 21/11, Hội đồng xuất khẩu đậu nành Hoa Kỳ (USSEC) đã mời ông Zhou Enhua, Trưởng nhóm chuyên gia IPRS toàn cầu của USSEC tới để chia sẻ về sự thành của công nghệ này tại Trung Quốc, thông qua hội thảo “Giải pháp cho nuôi trồng thủy sản bền vững quy mô công nghiệp với công nghệ sông trong ao”, tại Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT).

Toàn cành hội thảo

IPRS: Công nghệ nuôi được khuyến khích tại Trung Quốc

Từ 10 năm trước, Trung Quốc đã bắt đầu cấm việc nuôi cá lồng bè trên sông, hồ nhằm bảo vệ môi trường. Xuất phát từ yêu cầu thực tế đó, công nghệ nuôi IPRS được triển khai thực hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2013. Cho đến thời điểm hiện tại IPRS vẫn đang là mô hình được áp dụng rộng rãi tại quốc gia này.

IPRS là công nghệ mới được phát triển dựa trên nguyên lý của ao nuôi truyền thống và máng nuôi. Sự thành công của IPRS tại Trung Quốc có được là nhờ những ưu điểm vượt trội mà nó mang lại. IPRS được đánh giá là công nghệ nuôi giúp nâng cao năng suất và tỷ lệ sống; cải thiện hệ số chuyển đổi thức ăn và hiệu quả cho ăn; giảm thiểu thuốc và hóa chất để đảm bảo an toàn thực phẩm; giảm giá thành sản xuất trên đơn vị sản xuất; kiểm soát lượng cá tốt hơn với tỷ lệ thu hoạch 100% mà không cần rút nước; nuôi được nhiều loài cá hơn để giảm rủi ro về giá thị trường. Tăng lưu thông dòng tiền mặt thông qua thả và thu hoạch đan xen; quản lý sức khỏe cá nuôi và vận hành sản xuất đơn giản hơn; loại bỏ 70% chất thải và có thể tận dụng làm phân bón cho cây trồng; không thay nước giúp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Zhou Enhua cho biết, từ khi USSEC triển khai thành công mô hình IPRS đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2013, IPRS của USSEC đã và đang được khuyến khích áp dụng rộng rãi tại 20 tỉnh, thành phố. Tổng số máng nuôi đã tăng từ 3 máng lên khoảng 13.000 máng trong vòng 10 năm (2013-2023).

“Công nghệ IPRS của USSEC được Bộ Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc ưu tiên hàng đầu và là một trong 5 công nghệ mới, bền vững được khuyến khích, áp dụng tại quốc gia của chúng tôi”, ông Zhou cho hay.

Ông Zhou Enhua, Trưởng nhóm chuyên gia IPRS toàn cầu của USSEC

Tại Trung Quốc, mô hình Sông trong ao được áp dụng thành công với nhiều loại đối tượng nuôi. Các đối tượng cá được nuôi theo công nghệ Sông trong ao phổ biến tại Trung Quốc hiện nay bao gồm: trắm cỏ, trắm đen, chép, vược, rô phi, chim, diếc… Cá ăn lọc được thả ngoài ao, bên ngoài máng nuôi và không cho ăn (cá mè, tôm, chai ngọc hoặc thủy canh…).

Ví dụ điển hình về một ao nuôi cá trắm cỏ với thức ăn từ đậu nành Hoa Kỳ. Theo ông chia sẻ, ao được thả 20.000 cá giống trong 1 máng thể tích 220 m3 nước, sau 120 ngày nuôi cho thu hoạch 29,390 kg cá thương phẩm, với tỷ lệ sống lên tới 94.2%, FCR đạt 1.78. Lợi tức đầu tư đạt 52.15%.

 

IPRS đáp ứng được tất cả những yếu tố mà ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu đang hướng tới bao gồm: đổi mới trong công nghệ nuôi, thâm canh tăng sản lượng, an toàn thực phẩm quan trọng hàng đầu và tập trung vào cách tiếp cận dài hạn, bền vững.

 

Được người nuôi thủy sản Việt Nam đón nhận

Năm 2016, công nghệ IPRS bắt đầu được giới thiệu và triển khai tại Việt Nam, bước đầu được nhiều hộ nuôi cá đón nhận.

Chị Ngô Thị Lụa, thôn Đông Ninh, xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng là một trong những hộ nuôi tiên phong áp dụng mô hình nuôi sông trong ao của USSEC. Bắt đầu từ năm 2018, gia đình chị Lụa được biết tới IPRS, sau một thời gian nghiên cứu và tìm hiểu, nhận thấy đây là một mô hình phù hợp, gia đình chị Lụa đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống. Trải qua 6 năm áp dụng, mô hình đã giúp gia đình chị cải thiện về kinh tế, quay vòng vốn nhanh và đặc biệt, việc nuôi cá cũng dễ dàng hơn.

“Mô hình này giúp gia đình dễ dàng quản lý các yếu tố về môi trường, oxy và chất thải phân. Việc phòng bệnh ở hệ thống sông trong ao cũng hữu dụng hơn hơn bởi lượng hóa chất sử dụng giảm đáng kể do được xử lý ở không gian giới hạn. Cá nuôi chắc thịt, chất lượng thịt thơm ngon”, chị Lụa cho hay.

Được biết, thời gian tới chị Lụa sẽ cho bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp lại hệ thống này và tận dụng những tháng mùa Đông, nhiệt độ thấp để thử nghiệm nuôi cá tầm. Chị Lụa cho rằng, mô hình Sông trong ao rất phù hợp để nuôi cá tầm. Để đảm bảo năng suất, chất lượng vụ nuôi, gia đình chị nhập giống cá tầm kích cỡ từ 5-6 g/con, ương dưỡng thử trong điều kiện bể nổi, sau đó mới đưa ra nuôi tại mô hình sông trong ao.

Chuyên gia USSEC tham quan ao ương cá tầm giống của gia đình chị Lụa, trước khi chuyển ra nuôi tại hệ thống sông trong ao

Việc nuôi đan xen các loại cá giúp gia đình chị đảm bảo được đầu ra, tận dụng lợi thế về điều kiện thời tiết. “Nhờ mô hình nuôi sông trong ao mà gia đình có thể linh hoạt chuyển đổi đối tượng nuôi”, chị Lụa chia sẻ thêm.

Cũng như gia đình chị Lụa, trang trại nuôi Nam Sông Hồng nằm ven con đê sông Châu Giang, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, với hệ thống ao cá được đầu tư nuôi bài bản theo mô hình áp dụng công nghệ cao, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2020.

Hệ thống sông trong ao này gồm 4 máng xây kiên cố bằng bê tông có thể tích 220 m3 (5m x 2m x 22m). Mỗi máng nuôi có năng suất lên tới 130 kg/m3, tương đương với khoảng 28 tấn cá thành phẩm cho mỗi chu kỳ nuôi.

Anh Phạm Văn Đông, phụ trách kỹ thuật trang trại chia sẻ, sông trong ao là mô hình nuôi khác biệt hoàn toàn với truyền thống trước đây. Áp dụng mô hình này giúp kiểm soát được từng kg thức ăn, lượng oxy hòa tan và số lượng cá nuôi một cách dễ dàng. Việc vận hành dòng chảy liên tục giúp ao nuôi đẩy được các chất thải, khí độc trong ao nuôi. Đặc biệt, với diện tích quản lý nhỏ nuôi được sản lượng lớn, đánh bắt dễ.

“Sông trong ao là một mô hình nuôi bền vững, không tích tụ bùn đáy, không gây độc cho cá. Chính vì vậy có thể hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh, đáp ứng được nhu cầu về chất lượng”, anh Đông cho hay.

Chuyên gia USSEC tới tham quan tại trại cá Nam Sông Hồng

Hiện tại, với 4 máng nuôi, trang trại đang thả cùng lúc nhiều loại cá, trong đó, anh tập trung phát triển nuôi cá koi thương mại. Việc nuôi cùng lúc nhiều đối tượng cá nuôi giúp trang trại giải quyết được vấn đề thị trường.

“Đây là một mô hình thực sự tốt, tuy nhiên nhiều người còn đang chưa hiểu hết về quy trình vận hành, bởi vậy dễ gặp thất bại. Một khi đã hiểu rõ và nắm được cách vận hành thì mọi người có thể thấy đây là mô hình nuôi hữu dụng nhất, kiểm soát được tất cả các yếu tố, cho ra được sản phẩm có chất lượng cao”, anh Đông cho biết thêm.

Phương pháp vận hành IPRS để thành công

Sau khi đi thăm một số trang trại tại Việt Nam đang áp dụng công nghệ sông trong ao, ông Zhou đánh giá có rất nhiều sự khác biệt giữa mô hình IPRS giữa Trung Quốc và Việt Nam thời điểm hiện tại, nhất là về quy mô, số lượng. Hiện ở Trung Quốc có hơn 30.000 máng nuôi theo công nghệ IPRS, còn Việt Nam mới chỉ có hơn 300 máng nuôi.

Lý giải về việc công nghệ sông trong ao của Việt Nam ban đầu phát triển rất nhanh, nhưng sau đó chậm lại do nhiều người đã gặp thất bại với IPRS, ông Zhou cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới sự thất bại là do người nuôi chưa hiểu được rõ về nguyên lý hoạt động của IPRS, áp dụng chưa triệt để những điểm mạnh của IPRS, từ đó dẫn tới việc thất bại.

Theo ông Zhou, để thành công hơn, có 3 vấn đề cần được cải thiện cho hệ thống IPRS tại Việt Nam.

Thứ nhất là thị trường: Người nông dân có thể nuôi cá đạt sản lượng cao, nhưng vấn đề mà họ không kiểm soát được chính là giá cả thị trường. Vậy nên, để cải thiện về hiệu quả kinh tế, người nuôi cần biết nên chọn lựa đối tượng nuôi cho phù hợp với  nhu cầu thị trường, từ đó mới có thể mang lại hiệu quả về kinh tế.

Thư hai là cách vận hành: Người nuôi cần vận hành hệ thống ao nuôi của mình một cách tối ưu hơn, bố trí thời gian nuôi phù hợp loài nuôi, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu. Nên chọn lựa những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, có thể chế biến thành sản phẩm giá trị gia tăng…

Thứ ba là hiểu về chất lượng nước: Chất lượng môi trường rất quan trọng, nhưng cũng có nhiều người chưa thật sự hiểu hết về nguyên lý của IPRS. Trái tim của sông trong ao chính là đơn vị nước trắng, đây là yếu tố giúp IPRS trở thành công nghệ hiệu quả. Quản lý chất lượng nước trong ao để đáp ứng các tiêu chuẩn trong NTTS, vì chất lượng nước ảnh hưởng trực tiếp tới sự tăng trưởng của cá, năng suất, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn, sức khỏe cá và lợi tức đầu tư.

Ngoài ra, chiến lược cho ăn và chất lượng thức ăn thủy sản tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng của cá, FCR, sức khỏe cá, chất lượng nước và lợi tức đầu tư. Thức ăn nổi ép đùn là sản phẩm duy nhất được khuyến nghị sử dụng trong IPRS. Nên áp dụng với kỹ thuật cho ăn 90% nhằm tối ưu lượng thức ăn ăn vào và giảm thiểu chất thải ra môi trường nuôi. Luôn thả cá khỏe mạnh, xử lý sạch và lọc cỡ trước khi thả. Tiến hành xử lý thuốc hóa chất định kỳ cho cá để phòng bệnh.

“Trung Quốc và Việt Nam đều chung mục đích hướng tới ngành nuôi trồng thủy sản bền vững, thân thiện với môi trường và tiến tới không carbon. Công nghệ sông trong ao này có thể giúp hiện thực hóa điều đó. USSEC đang tiếp tục giúp cải thiện công nghệ nuôi của những người nông dân trên toàn thế giới. Chắc chắn rằng, Việt Nam sẽ đuổi kịp sự phát triển về công nghệ nuôi so với Trung Quốc, bởi chúng ta đang cùng hướng đến một mục tiêu đó là sự bền vững”, ông Zhou nhấn mạnh.

Phạm Huệ

 

IPRS của USSEC là xu hướng tất yếu trong nuôi trồng thủy sản

Đến một lúc nào đó, diện tích đất nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp lại trong khi nhu cầu thủy sản luôn có. Những số hộ nuôi nhỏ lẻ đang dần giảm đi, những hộ nuôi quy mô trang trại dần xuất hiện nhiều hơn. Điều này cho thấy, trong vòng 5-7 năm nữa, những mô hình nuôi đòi hỏi tiến bộ khoa học sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Cách tổ chức sản xuất của chúng ta vẫn đang cần được cải thiện để có một kế hoạch sản xuất rõ ràng, đi sâu về chất lượng và hiệu quả kinh tế. Rõ ràng, khi đưa công nghệ vào sản xuất sẽ cho hiệu quả cao hơn, liên quan tới một số yếu tố như cung cấp đầy đủ môi trường, an sinh của cá tốt hơn, giảm FCR, giảm phát thải tốt hơn.

Công nghệ nuôi sông trong ao tạo ra sản phẩm chất lượng, sản xuất quy mô lớn, gắn với truy xuất nguồn gốc và giảm phát thải, tạo ra những người nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm. Phân tích các góc cạnh hiệu quả kinh tế, môi trường, sông trong ao là một trong những công nghệ mà ngành thủy sản sẽ ưu tiên lựa chọn khi có các doanh nghiệp đầu tư phát triển các trang trại quy mô lớn.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT)

 

 

Cần giải quyết được vấn đề thị trường đầu ra

Năm 2017, tôi đã được tham dự cuộc họp nghe về công nghệ IPRS. Sau khi được tiếp nhận công nghệ này, Hưng Yên đã xây dựng và triển khai dự án trên địa bàn tỉnh với số lượng là 100 ao nuôi. Đây là mô hình nuôi rất hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi.

Tuy nhiên, vấn đề đáng ngại nhất hiện nay là thị trường. Giá cả thị trường đầu ra chưa được đảm bảo khiến người nuôi lo ngại. Thêm nữa, người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa có sự so sánh về chất lượng sản phẩm. Chính bởi vậy, sản phẩm cá sạch từ IPRS vẫn đang bị đánh đồng về chất lượng cũng như giá thành đối với các loại cá nuôi khác.

Ông Vũ Văn Điệp, Trưởng phòng Thủy sản (Sở NN&PTNT Hưng Yên)

 

 

 

Tin mới nhất

T6,03/05/2024