Kiên Giang: Gần 300ha tôm chết vì sốc nhiệt và dịch bệnh

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, dịch bệnh bùng phát khiến nhiều diện tích nuôi tôm tại tỉnh Kiên Giang bị thiệt hại nặng nề.

Nắng nóng kéo dài suốt nhiều tháng, cao nhất có nơi trên 40oC, tại Kiên Giang, ở những khu vực phát triển mô hình nuôi tôm- lúa, nhiệt độ cao và nắng nóng kéo dài làm nóng vuông nuôi tôm, tình trạng tôm bị chết do sốc nhiệt và dịch bệnh nguy hiểm đang tăng mạnh.

Tại xã Tây Yên A, huyện An Biên, những ngày này người nuôi tôm sú dùng nhiều cách để thu hoạch tỉa bớt tôm trên nền đất lúa nhằm giảm thiệt hại do tôm chết. Anh Nguyễn Quốc Nam ở xã Tây Yên A, cho biết, năm nay nắng nóng kéo dài khiến vuông tôm sinh nhiều rong, tôm nhỏ còn sống nhưng không mạnh, tôm lớn không đủ nguồn thức ăn, suy kiệt, bệnh rồi chết. Nhiều hộ nuôi tôm trong xóm phải mua ốc cho ăn thêm…

Ông Nguyễn Văn Can thị trấn Thứ Mười Một, huyện An Minh, chia sẻ, trời nắng nóng gay gắt, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm rất cao. Tôm nuôi không chết vì sốc môi trường cũng chết vì dịch bệnh tấn công do lờ đờ, giảm sức đề kháng. Nắng nóng làm nước trong vuông tôm bốc hơi nhanh, độ mặn tăng cao. Nông dân buộc phải bơm thêm nước vào vuông, vừa pha loãng độ mặn, vừa hạn chế tình trạng nước quá nóng. Tuy nhiên, do không có ao lắng nên đã vô tình đưa nước có mầm bệnh vào vuông nuôi, khiến tôm bị nhiễm bệnh chết rất nhanh. Nhưng nếu không bơm nước vào thì tôm cũng sẽ bị chết do sốc nhiệt.

Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Kiên Giang nhận định, thời tiết nắng nóng gay gắt gây ảnh hưởng không tốt đến đề kháng tôm nuôi, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển. Nhiều diện tích tôm nuôi vào giai đoạn mẫn cảm cao với bệnh nên nguy cơ xảy ra thiệt hại do dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao.

Theo thống kê diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh từ đầu năm đến nay là 348ha, trong đó bệnh Đốm trắng (WSSV) chiếm phần lớn (298ha), còn lại là bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), Hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV), Vi bào tử trùng (EHP).

Theo ông Nguyễn Ðình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh cho biết, đối với các ao nuôi tôm công nghiệp, để giảm thiệt hại cho tôm cần bố trí thêm dàn quạt nước, sục khí thường xuyên để cung cấp đủ oxy cho tôm. Ðồng thời kết hợp sử dụng thêm các chế phẩm sinh học giúp ổn định môi trường ao nuôi, bổ sung vào thức ăn cho tôm các khoáng chất, vi sinh đường ruột, vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho tôm. Ngành chuyên môn trong tỉnh đã phối hợp các địa phương tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trên tôm. Người dân làm mô hình tôm – lúa không nên thả tôm nuôi với mật độ dày trong thời điểm nắng nóng, đặc biệt xử lý mầm bệnh trong ao kỹ trước khi thả mới.

Để giúp nông dân khống chế dịch bệnh, không để lây lan ra môi trường, Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh đã hỗ trợ hơn 26,7 tấn chlorine cho 103 hộ có tôm nuôi bị thiệt hại để xử lý nguồn nước trước khi xả ra ngoài môi trường.

Thu Hiền

Tin mới nhất

T6,19/04/2024