Kiên Giang: Đẩy mạnh phát triển tôm nuôi nước lợ

Những tháng đầu năm 2020, thủy sản nuôi trồng của Kiên Giang tăng trưởng khá, nhất là tôm nuôi nước lợ.

Diện tích thả nuôi tôm của Kiên Giang tăng mạnh

Kiên Giang là tỉnh nằm ven biển Tây, với chiều dài bờ biển hơn 200 km. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển nghề nuôi tôm nước lợ. Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã quy hoạch vùng nuôi và đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển nghề nuoi tôm nước lợ.

Theo đó, ven biển các huyện vùng U Minh Thượng, gồm An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và một phần huyện Gò Quao sẽ phát triển mô hình nuôi luân canh tôm – lúa theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến. Diện tích nuôi tôm khu vực này khoảng 80.000 ha. Ngoài ra, khu vực ven biển, cặp theo quốc lộ 80, trải dài từ huyện Hòn Đất đến Kiên Lương cũng đang được chuyển đổi từ đất 2 vụ lúa/năm sang luân canh tôm – lúa, với diện tích có khả năng chuyển đổi khoảng 20.000 ha.

Người nuôi tôm tại Kiên Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, hạn chế những tác động bất lợi từ môi trường

Khu vực Tứ giác Long Xuyên, gồm các huyện: Kiên Lương, Giang Thành và TP Hà Tiên là vùng tập trung nuôi tôm thâm canh công nghiệp và nuôi công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp đã chọn vùng đất này để nuôi tôm thâm canh, đầu tư khá bài bản. UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã có quyết định công nhận vùng nông nghiệp công nghệ cao đối với diện tích nuôi tôm của Cty CP Thủy sản Trung Sơn tại đây.

Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã thả nuôi được 104.245/130.700 ha tôm nước lợ. Trong đó, nuôi theo mô hình tôm – lúa là 80.711 ha, nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến 22.826 ha. Đáng chú ý là nuôi thâm canh công nghiệp, với diện tích thả nuôi là 708 ha, chủ yếu là nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng.

Không chỉ tăng về diện tích thả nuôi mà sản lượng tôm thu hoạch của tỉnh những tháng đầu năm cũng đạt khá cao, đạt 9.337 tấn. Vì vậy, nguồn tôm nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến khá dồi dào, không lo thiếu hụt. Giá tôm nguyên liệu ổn định ở mức cao, tôm sú loại 30 con/kg giá 180-190 ngàn đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, giá 90-95 ngàn đồng/kg.

Sản lượng thu hoạch tôm nuôi của Kiên Giang tăng mạnh, đã phần nào bù đắt sản thủy sản đang bị sụt giảm

Với giá này, người nuôi đạt lợi nhuận khá nên rất phấn khởi. Ông Nguyễn Hoàng Vương, một hộ nuôi tôm công nghiệp tại huyện Kiên Lương cho biết, năm nay thời tiết tương đối thuận lợi cho nghề nuôi tôm. Hơn nữa, với việc đầu tư công nghệ, nuôi tôm trong ao lót bạt hoặc nuôi trong hồ nổi, có mái che nên cũng ít bị ảnh hưởng các yếu tố môi trường. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã thả nuôi được 1 đợt đạt hiệu quả. Nhờ giá tôm ổn định nên lợi nhuận đợt nào cũng đạt khá. Tôi đang tiếp tục vèo tôm giống, chuẩn bị thả ra nuôi diện rộng.

Theo nhận định, nguồn lợi thủy sản tự nhiên tiếp tục suy giảm, gây ảnh hưởng lớn đến ngành khai thác đánh bắt, sản lượng thủy sản sẽ giảm theo. Từ thực tế đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp “tăng cường sản xuất tập trung lĩnh vực nuôi trồng, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ, nhất là nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm hộ gia đình, đẩy mạnh nuôi biển… để tăng sản lượng thủy sản, phục vụ chế biến xuất khẩu.

 Đ.T.CHÁNH