Không có nhà máy chế biến, giá tôm Bến Tre “thiệt thòi” so với các tỉnh ĐBSCL

[Người Nuôi Tôm] – Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến giá tôm tại các tỉnh ĐBSCL giảm mạnh. Trong đó, tại Bến Tre giá tôm luôn thấp hơn so với các tỉnh trong khu vực từ 2.000 – 7000 đồng/kg tùy loại. Nhiều hộ nông dân nuôi tôm trong tỉnh bị lỗ nặng khiến người dân e ngại khi thả nuôi.

Chi phí sản xuất bị đội lên cao

Theo báo cáo từ Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, trong 5 tháng đầu năm 2021 diễn biến thời tiết khá thuận lợi, độ mặn ổn định và đặc biệt là chưa ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá tôm nguyên liệu tại đây được đánh giá là tăng so với mọi năm. Giá tôm thẻ chân trắng dao động từ 90.000 – 100.000 đồng/kg loại 100 con/kg, tôm sú đạt từ 120.000 – 130.000 đồng/kg loại 60 con/kg.

Hiện tại, do ảnh hưởng bởi thị trường chung, giá tôm Bến Tre giảm mạnh, khiến người nuôi thua lỗ. Theo tính toán của Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, nếu nuôi theo hướng tiết kiệm chi phí, giá thành bình quân cho mỗi cân tôm loại 50 con/kg tiếu tốn khoảng 80.000 – 85.000 đồng/kg. Nhưng giá bán hiện tại chỉ đạt 85.000 – 90.000 đồng/kg cùng loại. “Như vậy, nếu người dân nuôi về kích cỡ 50 con/kg trong thời điểm này thì coi như hòa vốn. Nếu nuôi về kích cỡ 60-70 con/kg chắc chắn người nuôi sẽ lỗ, mà hiện loại tôm kích cỡ này đang chiếm số lượng lớn. Việc nuôi về kích cỡ 20 con/kg như các doanh nghiệp thu mua vẫn khuyến khích rất ít hộ làm được, chủ yếu là những mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi nhiều giai đoạn thì mới về được kích cỡ đó”, ông Nguyễn Văn Buội, Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Bến Tre cho biết.

Lý giải nguyên nhân giá tôm thấp hơn so với các tỉnh ĐBSCL, Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, sản lượng tôm Bến Tre đứng thứ 5 trong khu vực ĐBSCL, nhưng hiện nay toàn tỉnh Bến Tre chưa có nhà máy chế biến tôm, chưa có doanh nghiệp lớn quan tâm liên kết đầu ra tôm nguyên liệu cũng như các chứng nhận, tiêu chuẩn sản xuất… trong khi chi phí đầu tư lại liên tục tăng. Tôm sản xuất ra không chế biến tại chỗ mà chủ yếu xuất bán sang các tỉnh lân cận như Cà Mau, Bạc Liêu. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà máy chế biến tôm cũng giảm công suất chế biến xuống còn khoảng 30% so với trước đây, chính vì vậy việc thu mua tôm nguyên liệu cũng bị hạn chế. Thêm vào đó, việc ra vào tỉnh thu mua tôm cũng gặp nhiều khó khăn, phát sinh thêm các chi phí xét nghiệm Covid… tất cả những chi phí này đều tính vào giá tôm.

Giá tôm giảm mạnh, nhưng những vật tư kỹ thuật phục vụ nuôi tôm lại ngày một tăng. Trong thời gian thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội, việc tập hợp đông người phục vụ thu hoạch tôm là điều không thể, mà thu hoạch tôm lại cần rất nhiều nhân công. Anh V.T.T, chủ vựa tôm tại huyện Bình Đại chia sẻ: “Tiền thuê người bắt tôm cũng tăng giá do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bởi những người đi bắt tôm buộc phải xét nghiệm Covid-19 nên họ cũng tính vào giá bắt tôm. Bình thường, giá mỗi tay lưới (2 người sử dụng 1 tay lưới bắt tôm) chỉ có giá 800.000 đồng thì nay đội giá lên 1,5-2 triệu đồng. Mặc dù vậy, cũng rất khó trong việc tìm nhân công, bởi họ ngại vì thời gian vừa rồi cũng đã có ổ dịch liên quan đến việc thu mua  tôm. Chính những nguyên nhân này khiến người nuôi tôm chịu thiệt thòi, thua lỗ.” Anh T chia sẻ, nếu giá vật tư đầu vào, chi phí sản xuất giảm thì người dân sẽ mới hi vọng tôm nuôi có lãi trong thời điểm này.

Khó khăn chồng chất từ khâu xuống giống, chi phí nuôi, đến khâu thu hoạch, xuất bán và giá cả thị trường. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý bà con. Thời điểm hiện tại đang là lúc xuống giống cho vụ mới nhưng người nuôi vẫn rất e dè và thờ ơ với việc tái vụ, bởi theo họ, rủi ro là rất cao.

 

Đề xuất giảm tiền điện hỗ trợ người nuôi

Trong thời điểm dịch bệnh kéo dài, giá tôm giảm sâu gây nhiều khó khăn cho bà con nuôi tôm, chi phí vật tư nuôi tôm ngày một tăng cao, khiến người nuôi tôm khó có lãi, thậm chí rất dễ thua lỗ. Trong nuôi tôm, giá điện chiếm một phần lớn chi phí, đặc biệt là với những mô hình tôm nuôi công nghệ cao.

Dựa trên tình hình thực tế và mong muốn hỗ trợ người nuôi tôm, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre đã gửi đề xuất cho Bộ NN&PTNT, mong được hỗ trợ tiền điện cho người nuôi tôm trong 6 tháng sắp tới. Cụ thể, Bến Tre đề xuất mức hỗ trợ từ 15-20 % chi phí điện cho người nuôi. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở cũng đưa ra đề xuất hỗ trợ vốn duy trì, bởi với tình hình hiện tại người nuôi đang đuối dần, khó tái sản xuất vụ tiếp theo. Thay vì hỗ trợ dàn trải các hộ nuôi, khó kiểm soát, đại diện Sở Nông nghiệp tỉnh Bến Tre đề xuất Chính Phủ có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến về lãi suất ngân hàng, với điều kiện, các doanh nghiệp này phải cam kết xây dựng chuỗi liên kết với các vùng nuôi, đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi tôm.

Song song với đó, Bến Tre cũng đang tích cực đàm phán và hỗ trợ để ngành thủy sản được tiếp cận và tiêm vaccine đầy đủ một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, để vượt qua được giai đoạn khó khăn khi giá tôm giảm cần phải có sự đồng lòng của cả hệ thống như: giải pháp thả nuôi giảm giá thành (có khống chế sự tăng giá không rõ ràng về con tôm giống, thức ăn; được hướng dẫn kỹ thuật nuôi tốt hơn…). Và về lâu dài, bền vững là giải pháp xây dựng thương hiệu con tôm Việt (truy xuất nguồn gốc, tôm sạch, ao nuôi có chứng nhận đạt chuẩn nuôi…).

Hạ Nhiên

Tin mới nhất

T5,18/04/2024