Khi con tôm bám đất lúa chuyển đổi

Chuyển đổi đất nhiễm mặn, đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh đang được xem là hướng đi hiệu quả cho giá trị kinh tế cao. Đây cũng là tiền đề quan trọng để chính quyền địa phương và người dân phát triển đối tượng nuôi mới có giá trị, góp phần thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thử nghiệm nuôi tôm càng xanh

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KNKN) Trần Thanh Hải cho biết: Quảng Bình có nhiều tiềm năng về nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở cả mặn lợ và nuôi ngọt. Hiện tại, NTTS nước ngọt ở tỉnh ta phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, đối tượng nuôi chủ yếu là các loài cá truyền thống như: Trắm, trôi, mè, chép, lóc, rô phi… nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Cũng theo ông Hải, mấy năm gần đây, thực hiện đề án tái tái cơ cấu ngành thuỷ sản của tỉnh, Trung tâm KNKN đã đưa vào nuôi thử nghiệm một số đối tượng mới, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng, như: Cá lăng chấm, cá chạch bùn, cá chình, tôm càng xanh…đặc biệt là mô hình nuôi tôm càng xanh tại các vùng đất nhiễm mặn, trồng lúa kém hiệu quả.

“Sau 3 năm triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh, kết quả cho thấy tôm càng xanh sinh trưởng phát triển tốt, thích ứng với điều kiện sinh thái của địa phương. Thời gian nuôi tương đối ngắn, phù hợp thời vụ nuôi tại Quảng Bình nên hạn chế được rủi ro do mưa lũ cuốn trôi, đối tượng ít dịch bệnh, hiệu quả kinh tế mang lại gấp 3-4 lần so với trồng lúa…”, Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh Trần Thanh Hải cho hay.

Ông Phan Đệ, xã Đồng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) tham gia nuôi tôm càng xanh cho biết, năm 2022, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi 0,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả để tiến hành nuôi thử nghiệm tôm càng xanh toàn đực. Mới đầu triển khai, gia đình ông còn khá bỡ ngỡ vì chưa biết nhiều về quy trình và kỹ thuật nuôi. Nhưng nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Trung tâm KNKN tỉnh nên ông đã sớm tiếp cận được quy trình kỹ thuật, cách chăm sóc và xử lý sự cố khi nuôi tôm…

“Tôm càng xanh là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, kích cỡ tương đối lớn, thịt thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Cái hay của nuôi tôm càng xanh là giống tôm này có phổ thức ăn rộng. Ngoài thức ăn công nghiệp, có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương để bổ sung cho tôm càng xanh, như: Cá tạp, tép…do vậy làm giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập. Vừa qua, gia đình thu hoạch tôm có lãi hơn 50 triệu đồng…”, ông Phan Đệ chia sẻ.


Mô hình nuôi tôm càng xanh của nông dân sinh trưởng phát triển tốt. Ảnh: Báo Quảng Bình

Ông Nguyễn Công Thanh, xã Hàm Ninh (Quảng Ninh) cho biết: Gia đình ông nuôi thử nghiệm tôm càng xanh trong năm nay với diện tích 0,5 ha. Bước vào vụ nuôi, ông đã thả hơn 40.000 con giống tôm càng xanh toàn đực. Sau 7 tháng nuôi, trừ chi phí sản xuất, gia đình ông cũng có thu nhập khoảng 50 triệu đồng, nhiều gấp 3-4 lần so với trồng lúa…

Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh Trần Thanh Hải cho biết, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực được thực hiện trên đất lúa nhiễm mặn, kém hiệu quả ở một số địa phương trong tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Qua tính toán, người dân có thu nhập từ 100-120 triệu đồng/ha từ nuôi tôm càng xanh. Việc người dân chuyển đổi sang nuôi tôm càng xanh cho thấy hiệu quả cao hơn nhiều lần so với trồng lúa…

Hướng đến nhân rộng mô hình

Với mục tiêu nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bền vững, khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng lợi thế vùng đất nhiễm mặn của các địa phương, phát triển các đối tượng nuôi có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Năm 2020, Trung tâm KNKN tỉnh đã thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả tại xã Đồng Trạch với quy mô 6 hộ, diện tích nuôi thử nghiệm 3 ha.

Năm 2021, 2022, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa kém hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được nhân rộng tại các xã: Hồng Thủy (Quảng Bình); Gia Ninh, Hàm Ninh, Vĩnh Ninh (Quảng Ninh); Đức Ninh (TP. Đồng Hới); Đồng Trạch, Thanh Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) với diện tích 9 ha, 15 hộ tham gia.

“Qua 3 năm triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa chuyển đổi, quy mô 12 ha với 21 hộ tham gia, lợi nhuận thu được từ 100-120 triệu đồng/ha. Hiện, mô hình đang được áp dụng, nhân rộng trên địa bàn các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch với tổng diện tích nuôi năm 2022 khoảng trên 40 ha. Ngoài nuôi chuyên canh, tôm càng xanh có thể nuôi xen ghép với một số đối tượng khác, như: Cá mè trắng, cá diếc…hoặc nuôi xen trong ruộng lúa. Nuôi tôm càng xanh được đông đảo bà con và địa phương đánh giá cao, xem đây là đối tượng nuôi mới có giá trị nhằm thay thế đối tượng nuôi truyền thống hiệu quả thấp mà các hộ nuôi đã áp dụng…”, Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh cho biết thêm.

Ngọc Hải

Báo Quảng Bình

Tin mới nhất

T6,26/04/2024