Hội thảo phát triển mô hình lúa thơm – tôm sạch vùng Mê-Kông

Chiều 10/2, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu và Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo phát triển mô hình lúa thơm – tôm sạch vùng Mê-Kông – Hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, bền vững và tích hợp đa giá trị. Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT – Lê Minh Hoan dự và chủ trì hội nghị. Cùng tham dự hội nghị còn có các đồng chí Lữ Văn Hùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Thị Ái Nam – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Văn Thiều – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Thế Chữ – Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, lãnh đạo các viện, trường, các diễn giả, nhà khoa học trong và ngoài nước, các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, đại diện các hộ nông dân canh tác lúa – tôm.

Khu vực ĐBSCL được xem là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp và thủy sản của cả nước, hàng năm đóng góp hơn 70% sản lượng lúa, cây ăn và thủy sản. Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi và cây trồng, đặc biệt đối với vùng canh tác lúa – tôm, với diện tích lúa tôm hơn 211.900ha, sản lượng đạt hơn 84.700 tấn, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng và đặc điểm lợi thế đã biến những mặt hạn chế về điều kiện sinh thái tự nhiên thành các thế mạnh trong vùng. Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành ven biển vùng ĐBSCL như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang,… đã tích cực triển khai chương trình vận hành và quản lí hiệu quả mô hình, góp phần nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất với thu nhập bình quân hơn 90 triệu đồng/ha.

Riêng Bạc Liêu, từ năm 2001, tỉnh đã bắt đầu tổ chức sản xuất mô hình tôm – lúa. Hiệu quả bước đầu mang lại từ mô hình này khá cao so với độc canh cây lúa nên tốc độ tăng diện tích sản xuất tôm – lúa khá nhanh, từ 5.851ha sản xuất ban đầu đã tăng lên 39.578ha vào năm 2020, gấp gần 6,8 lần so với năm 2001 (sau 20 năm). Đến năm 2021 diện tích mô hình này tiếp tục phát triển và mở rộng, đạt 39.404ha, chiếm khoảng hơn 33% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh Bạc Liêu (tốc độ tăng diện tích bình quân/năm là 5,26%). Hiện, tổng thu nhập trên 90 triệu đồng/ha; lợi nhuận 40 – 60 triệu đồng/ha/năm.

Phát biểu tại buổi hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Thiều đánh giá: Trong chuyển dịch cơ cấu, mô hình canh tác tôm – lúa đều tăng qua từng năm về diện tích, năng suất và giá trị gia tăng. Đây là mô hình phát triển bền vững, lợi nhuận cao hơn 15 – 30% so với độc canh cây lúa; có nhiều doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất. Có thể nói mô hình tôm – lúa là mô hình bền vững, hiệu quả, “thông minh”, tạo ra các sản phẩm sạch, phù hợp với quy trình GAP, giúp nông dân áp dụng các biện pháp canh tác, phòng chống dịch ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…

Tại hội thảo, nhiều đại biểu và nhà khoa học nhìn nhận, sau nhiều năm thực hiện mô hình, hiện nông dân đã áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới như: Giống chịu mặn, cải tiến thời vụ, sử dụng phân bón, thuốc vi sinh, sinh học trong canh tác lúa phục vụ cho vùng tôm – lúa, nhất là vùng mở rộng diện tích từ diện tích nuôi tôm kém hiệu quả sang thực hiện mô hình luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa, cho hiệu quả cao; ít sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất.

Ký kết ghi nhớ hợp tác phát triển mô hình lúa thơm – tôm sạch vùng ĐBSCL.

Kỹ sư Hồ Quang Cua nêu quan điểm: phát triển tôm – lúa là phát triển thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng cần có quy hoạch cụ thể, nhất là trong khâu điều tiết nước, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời cần hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, hạn chế sử dụng các phân, thuốc hóa học để đảm bảo sản xuất đúng quy trình – lúa thơm, tôm sạch. Bên cạnh đó, phía các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng cần quan tâm đến việc xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất để vừa đảm bảo sản lượng, vừa giúp xây dựng thương hiệu cho vùng sản xuất lúa – tôm sạch vùng Mê-kông.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Đối với mô hình lúa tôm, ngoài yếu tố lợi nhuận thì điều chúng ta cần quan tâm hơn là môi trường, hệ sinh thái. Môi trường sản xuất là vấn đề cần được ngành chức năng và các doanh nghiệp nghiên cứu vì bảo đảm tốt vấn đề môi trường thì mới làm ổn định về lợi nhuận. Trên thực tế còn một khoảng trống mênh mông giữa tâm huyết của các nhà khoa học, doanh nghiệp với bà con nông dân. Người nông dân nghĩ gì và nhận thức gì về mô hình mới là điều quan trọng nhất. Những kết tinh về mô hình phải đi vào cuộc sống. Chính vì vậy, địa phương phải tổ chức để nông dân có dịp ngồi lại với nhà khoa học, doanh nghiệp, nhằm cùng nhau chia sẻ những kiến thức về mô hình.

Nói về việc làm thương hiệu sản phẩm từ mô hình lúa – tôm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: “Chúng ta phải xây dựng thương hiệu từ chính cảm xúc và niềm tự hào với sản phầm của mình. Việc xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ những đúc kết, những câu chuyện được khắc họa một cách dễ hiểu nhất”.

Tin, ảnh: C.L

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu