Hiệu quả mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Với hơn 400ha diện tích ven sông Cửa Lấp, những năm gần đây, huyện Long Điền đã dành nhiều nguồn lực phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. Đáng chú ý là, việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong nuôi tôm, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và DN.

Cơ sở nuôi tôm CNC Mạnh Cường 2 của ông Nguyễn Văn Lạc tại ấp An Thạnh (xã An Ngãi) đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Giàu lên từ con tôm

Trong những ngày cuối tháng 9, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có dịp về ấp An Thạnh (xã An Ngãi, huyện Long Điền) gặp nông dân Nguyễn Văn Lạc (SN 1970, chủ cơ sở Mạnh Cường 2), nơi có đến 24 ao nuôi tôm công nghệ cao (CNC) trong tổng diện tích gần 10ha.

Chỉ tay ra những ao tôm được bao bọc lưới đen như hình nón, nhấp nhô trên vùng ruộng nước mặn ven sông Cửa Lấp, ông Lạc cho biết, trước đây ông từng làm muối nhưng thu nhập thấp. Năm 2019, ông quyết định đầu tư 8 ao nuôi tôm (1.000m2/ao nuôi) theo mô hình ứng dụng CNC. Nhờ xử lý tốt nguồn nước, cùng với được hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp con giống và thức ăn cho tôm của Công ty CP Việt Nam, những vụ tôm đầu tiên cho hiệu quả rõ rệt. Liên tục trong các năm 2020 và 2022, ông Lạc mở rộng quy mô sản xuất lên 24 ao nuôi, 2 ao ương giống tôm thẻ chân trắng và hệ thống ao lắng xử lý nước thải.

Theo ông Lạc, mỗi năm cơ sở sản xuất 3 vụ tôm, trung bình mỗi ao nuôi thu hoạch từ 3-5 tấn tôm thương phẩm. Sau hơn 3 tháng nuôi, tôm thẻ chân trắng đạt trọng lượng từ 30-34 con/kg. Giá thương lái thu mua hiện nay từ 150-160 ngàn đồng/kg tôm tươi (30 con/kg), lợi nhuận đạt khoảng 10%. Nếu giá thu mua tôm thương phẩm cao hơn, lợi nhuận có thể đạt 30% trên tổng doanh thu.

“Việc liên kết thực hiện mô hình nuôi tôm an toàn sinh học CP.Biotic Farming cho đầu ra của tôm ổn định. Mô hình này còn kiểm soát tốt môi trường nước, ngăn ngừa bệnh gây hại cho tôm và thời gian nuôi ngắn, lợi nhuận cao”, ông Lạc cho biết thêm.

Cơ sở Mạnh Cường 2 còn tạo việc làm thường xuyên cho 24 lao động là con em hội viên nông dân khó khăn, với mức thu nhập ổn định từ 7-9 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Văn Lạc (phải), chủ cơ sở nuôi tôm CNC Mạnh Cường 2 kiểm tra tôm nuôi.

Phát triển vùng nuôi tôm công nghệ cao

Những năm gần đây, vùng nước lợ ven sông Cửa Lấp trên địa bàn xã An Ngãi được huyện quan tâm đầu tư nên diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng. Nếu như năm 2003, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng ven sông Cửa Lấp chỉ đạt 225 tấn thì đến nay đạt 550 tấn. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng qua từng năm nhờ vào việc áp dụng khoa học kỹ thuật mới.

Trong đó, cơ sở Farm Liên Giang, Công ty Thủy sản Mạnh Cường và HTX Chợ Bến… với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 30ha, áp dụng mô hình nuôi tôm theo công nghệ 3 sạch của CP Việt Nam, sử dụng nước tuần hoàn, kiểm soát được chất lượng nước, dịch bệnh. Riêng sản phẩm tôm giòn của Công ty Thủy sản Mạnh Cường được công nhận OCOP 4 sao.

Bên cạnh đó, huyện Long Điền còn huy động nguồn lực, cải tạo, mở rộng gần 5km đường ven biển đoạn từ cầu Cửa Lấp đến ngã ba Lò Vôi (xã Phước Tỉnh và xã Phước Hưng); mở rộng Tỉnh lộ 44A, kết nối Vũng Tàu-Long Hải-Hồ Tràm-Hồ Cốc-Bình Châu, tạo hành lang phát triển kinh tế biển và dịch vụ, du lịch; kiên cố hóa hệ thống kênh mương, đường nội đồng… đáp ứng yêu cầu đi lại và sản xuất của người dân trong vùng.

Theo ông Lương Tuấn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã An Ngãi, thời gian tới, địa phương tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành chức năng khảo sát thực tế, xác định vùng nuôi, lựa chọn con nuôi có giá trị kinh tế cao để xây dựng mô hình hiệu quả, sau đó đầu tư nhân ra diện rộng, tránh đầu tư tràn lan. Việc xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản, trong đó có mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC đã tận dụng được tiềm năng, lợi thế của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG-PHAN THẢO

Nguồn: Baobariavungtau.com.vn