Giải pháp xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2023

Chiều 20/10, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị chuyên đề xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2023. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Lữ Văn Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Văn Thiều – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Cục Xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Chủ tọa điều hành hội nghị.

Theo báo cáo, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đạt hơn 830 triệu USD. Riêng 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 670 triệu USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ. Tuy đạt kim ngạch khá nhưng xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn vấp phải nhiều khó khăn. Ảnh hưởng từ chiến sự giữa Nga – Ukraine kéo dài, hậu quả của dịch bệnh COVID-19 làm suy giảm tăng trưởng kinh tế; giá nguyên vật liệu đầu vào cao; doanh nghiệp mất cân đối vốn; thời tiết diễn biến bất lợi; nguồn nguyên liệu và lao động không ổn định; khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng; các rào cản thương mại của các nước nhập khẩu vẫn còn khắt khe và cạnh tranh với các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu như Ecuador, Ấn Độ; suy thoái, lạm phát ở một số thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn làm cho nhu cầu giảm, đơn hàng giảm.

Đồng chí Phạm Văn Thiều – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng: “Xuất khẩu tôm 9 tháng đầu năm 2023 vào thị trường EU chiếm hơn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam. Thời gian tới, nếu xuất khẩu tôm vào thị trường EU phải tăng cường các sản phẩm thế mạnh như: Sản phẩm hữu cơ, bền vững, giá trị gia tăng; có biện pháp bán hàng và thanh toán phù hợp; tận dụng triệt để các lợi thế từ EVFTA để nâng sức cạnh tranh.

Quang cảnh hội nghị.

Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực kinh doanh còn hạn chế; chưa đủ khả năng nhận biết và tránh né các rào cản kỹ thuật, lúng túng trong việc tìm biện pháp xử lý, tháo gỡ, e dè trong tiếp cận thị trường mới, chỉ chú trọng ở thị trường truyền thống nhưng thị trường này đang chịu sự suy thoái kinh tế mạnh. Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận việc mở rộng thị trường xuất khẩu tôm; đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, giảm giá thành sản xuất tôm nuôi, quy trình chế biến để cạnh tranh tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị tỉnh có cơ chế giãn thuế, giảm thuế, cho vay vốn ưu đãi để phát triển và mở rộng sản xuất hơn.

Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty Việt – Úc Bạc Liêu.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Thiều – Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước và hoàn thành chỉ tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu của tỉnh 1,3 tỷ vào năm 2025 là hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn cả về trước mắt lẫn lâu dài; không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh mà còn khẳng định đây là hướng đi đúng, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tăng nhanh năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng và bền vững, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường; hướng đến tạo thương hiệu tôm Bạc Liêu. Vì vậy, không chỉ ban, ngành, địa phương tìm giải pháp để phát triển mà chính doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng cần chung tay để tháo gỡ khó khăn hiện nay. “Với tiềm năng, lợi thế sẵn có của Bạc Liêu cộng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương; đồng thời đúc kết từ các ý kiến trao đổi, góp ý tại hội nghị, chúng ta sẽ thành công, sớm đưa Bạc Liêu thật sự trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của Việt Nam và hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1 tỷ USD trong năm 2023 và đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2025”, Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Thiều kỳ vọng.

Tin, ảnh: L.D – C.L

Nguồn: Baobaclieu.vn