Giải bài toán giá thành cho tôm Việt Nam

Một hạn chế lớn của tôm Việt Nam trên thị trường thế giới là giá thành cao, vậy phải làm gì để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho tôm Việt?


Thu hoạch tôm ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Thanh Sơn.

Việt Nam hiện đang là một trong những nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, tuy nhiên, tôm Việt Nam đang cạnh tranh khá vất vả tại nhiều thị trường quan trọng do giá thành luôn cao hơn so với các nguồn cung hàng đầu khác như Ecuador, Ấn Độ …

Theo TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2, Ecuador và Ấn Độ đều có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi tôm hàng hóa quy mô lớn.

Ở Ecuador, điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng giúp cho việc hình thành các trang trại có quy mô lớn, có trang trạng tới cả nghìn ha. Ecuador lại sản xuất được những nguyên liệu để làm thức ăn cho tôm với sản lượng khá dồi dào và hoàn toàn có thể nhập khẩu những nguyên liệu này một cách dễ dàng, nhanh chóng với chi phí vận chuyển thấp từ các nước lân cận.

Về con giống, Ecuador đã có hơn 20 năm nghiên cứu, chọn tạo nên có sẵn nguồn giống tôm có khả năng kháng bệnh và thích ứng tốt với điều kiện môi trường. Chi phí logistics từ Ecuador đi các thị trường lớn như Mỹ, EU khá thấp. Vì vậy, giá thành tôm Ecuador thấp hơn đáng kể so với tôm Việt Nam.

Ở Ấn Độ, những vùng có điều kiện thuận lợi để sản xuất tôm cũng có diện tích rộng, dễ dàng hình thành những vùng nuôi, những trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Ấn Độ là nước sản xuất lớn các nguyên liệu sản xuất thức ăn cho tôm như ngũ cốc, đậu nành. Đặc biệt, nguồn bột cá ở Ấn Độ rất dồi dào. Lao động nông nghiệp ở Ấn Độ cũng nhiều và giá nhân công rẻ.

So với 2 nước nói trên, nuôi tôm ở Việt Nam gặp nhiều bất lợi hơn như chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, khả năng tổ chức sản xuất tôm quy mô lớn như ở Ecuador và Ấn Độ là không cao.

Việc quy hoạch để hình thành những vùng nuôi tôm quy mô lớn là rất khó. Các vùng nông thôn Việt Nam lại đang ngày càng khan hiếm lao động nông nghiệp nói chung, lao động thủy sản nói riêng. Đây cũng là một yếu tố quan trọng làm tăng chi phí sản xuất tôm.


Giá thành tôm Việt Nam đang ở mức cao. Ảnh: Thanh Sơn.

Để giải bài toán giá thành, phát triển nuôi tôm bền vững, TS Nguyễn Thanh Tùng cho biết, các tỉnh đang định hình lại các vùng nuôi. Như ở vùng tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, đã xác định các mô hình đạt hiệu quả cao như nuôi sinh thái, nuôi hữu cơ, từ đó có những sản phẩm tôm đạt giá trị xuất khẩu cao.

Đặc biệt, một số địa phương đã xác định rõ là không nuôi tràn lan, mà nuôi những vùng có định hướng nhằm giảm bớt rủi ro trước biến đổi khí hậu, qua đó giảm được giá thành. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đường dây ống để lấy nguồn nước chất lượng tốt từ xa đưa vào vùng nuôi nhằm giảm rủi ro, giảm chi phí.

Nhà nước và doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư làm chủ công nghệ giống, tạo nguồn giống tốt nhằm giảm dịch bệnh. Các công nghệ mới đang được đưa vào sản xuất tôm thương phẩm hay việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã … cũng là những giải pháp quan trọng nhằm giảm giảm giá thành tôm Việt Nam.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), vấn đề quan trọng của ngành tôm Việt Nam là làm sao để phát triển một cách hợp lý, vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới (cả nhu cầu hiện tại và nhu cầu tăng lên trong thời gian tới), đồng thời cải thiện được giá thành để cạnh tranh được trên thị trường tôm toàn cầu.

Ông Hòe cho rằng, ngành tôm Việt Nam cần phải nghiên cứu tối ưu giá thành chứ không phải chỉ là hạ giá thành. Bởi nếu chỉ chăm chăm hạ giá thành có thể dẫn tới tình trạng chất lượng tôm nguyên liệu bị giảm sút.

Để tối ưu giá thành, trước hết là tối ưu hóa điều kiện nuôi tôm nhằm nâng cao tỷ lệ tôm sống, cải thiện chi phí thức ăn cho tôm ở mức hợp lý. Đồng thời, đẩy mạnh công tác khuyến nông tới người nuôi tôm theo hướng cung cấp đầy đủ cho họ các thông tin liên quan đến nuôi tôm, đến thị trường để họ có thể bắt kịp với các xu hướng nuôi mới, qua đó tạo ra nguồn tôm nguyên liệu phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Thanh Sơn

Nongnghiep.vn