Giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao

Những tháng cuối năm, giá các loại nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi tại thị trường trong nước đang “hạ nhiệt”, nhưng vẫn neo ở mức giá cao.


Giá thức ăn chăn nuôi “hạ nhiệt” nhưng vẫn còn ở mức cao. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Báo Chính phủ thông tin, theo khảo sát của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 269 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cần khoảng 32 triệu tấn nguyên liệu. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước mới đáp ứng khoảng 35%. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguyên liệu đầu vào.

Những ngày này, giá ngô tại cảng Cái Lân dao động khoảng 8.950 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu giao vào quý 1-2023, giá từ 9.150-9.500 đồng/kg. Đồng thời giá đậu tương từ nay đến cuối năm dao động trong khoảng 14.850 đồng/kg.

Với mức giá như hiện tại, dự báo các nhà máy thức ăn chăn nuôi sẽ ít mua hàng. Điều này đồng nghĩa với hoạt động thương mại có thể sẽ không nhộn nhịp trong thời gian tới. Theo đại diện Cục Chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi đóng vai trò quan trọng, chiếm tới 65-70% chi phí sản xuất. Vì vậy, đầu tư diện tích sản xuất nguyên liệu ngay trên thị trường nội địa là cần thiết để giảm chi phí thức ăn chăn nuôi.

Trong đó, có chính sách chuyển đổi một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây thức ăn chăn nuôi (ngô hạt và ngô sinh khối). Tuy nhiên, để thực hiện được cần có chính sách thu gom ruộng đất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê đất, liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu ngành chăn nuôi.

Trong năm nay, tính ở thời điểm tháng 8-2022, giá ngô giảm 20,6%, khô dầu đỗ tương giảm 16%, cám gạo chiết ly giảm 20,3% so với tháng 3-2022. Mặc dù vậy, mức giá này vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thức ăn thành phẩm tháng 8 chưa giảm nhiều do doanh nghiệp vẫn đang sử dụng giá nguyên liệu cao được nhập ở các tháng trước đó.

Trong khi đó, hiện nay, tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá…) của toàn ngành chăn nuôi của Việt Nam vào khoảng 33 triệu tấn/năm. Chủ yếu là dùng trong chăn nuôi heo và gia cầm. Ngoài ra, Việt Nam cũng có một số sản phẩm, phụ phẩm từ quá trình chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm (mỡ cá, bột cá…) làm thức ăn chăn nuôi, nhưng số lượng không đáng kể.

Theo Chinhphu.vn, dangcongsan.vn

Tin mới nhất

T7,20/04/2024