Ecuador: Chi phí sản xuất tăng 24%, đe dọa ngành tôm

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Theo Phòng nuôi trồng Thuỷ sản Quốc gia Ecuador (CNA), chi phí nuôi tôm năm 2022 tăng thêm 24% so với năm 2021, khiến sản phẩm tôm của Ecuador trở nên kém cạnh tranh hơn.

Một trang trại tôm tại Ecuador (Ảnh: ST)

CNA cho biết, hiệu quả hoạt động trong tương lai của ngành tôm Ecuador đến năm 2023 là mối quan tâm lớn khi chính sách hỗ trợ giá năng lượng không còn có hiệu lực, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tăng, nạn cướp bóc và những vấn đề khác liên quan đến chuỗi cung ứng tôm của Ecuador đang đe dọa ngành tôm nước này.

Theo ông Antonio Camposano, Giám đốc của CNA, số liệu sản lượng và xuất khẩu tôm trong năm 2022 chưa phản ánh đầy đủ thực tế khó khăn mà ngành công nghiệp này đang phải đối mặt. Thực tế, giá nguyên liệu thô đầu vào sản xuất thức ăn nuôi tôm tăng đáng kể, trong đó giá lúa mì tăng 71%, đậu tương tăng 45%, dầu cá tăng 105% so với năm 2019 – thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, ngành tôm Ecuador đang phải chịu mức phí cho đảm bảo an ninh lên đến 80 triệu USD/năm do ngày càng có nhiều vụ cướp và tấn công diễn ra hàng ngày. Những chi phí này bao gồm việc thuê nhân viên bảo vệ của các công ty tư nhân, ký hợp đồng với các dịch vụ giám sát bằng video cũng như mua thêm các hệ thống theo dõi và liên lạc.

Theo thống kê từ ban giám đốc an ninh của CNA, số lượng vụ cướp tôm trong năm 2022 tăng 300% so với năm 2021. Cùng với đó, số lượng vụ cướp thức ăn nuôi tôm cũng tăng 200% và số người thương nặng tăng 250%.

Trước tình hình này, ngành đã yêu cầu chính phủ thực hiện một số biện pháp khẩn cấp nhằm khác phục các điểm hạn chế, trong đó có chương trình hoàn trả thuế. Điều này cho phép hoàn trả toàn bộ hoặc một phần thuế quan đã trả đối với nguyên liệu thô nhập khẩu được sử dụng sản xuất hàng hoá xuất khẩu.

Ông Julio Jose Prado, Bộ trưởng Sản xuất, Ngoại thương, Đầu tư và Thuỷ sản Ecuador cho biết hiện Ecuador vẫn chưa có hành động cụ thể nào để gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm quốc gia này. “Ngược lại, chi phí của ngành ở mức cao do thiếu những chính sách ưu đãi, ngoài ra ngành còn chịu tác động của các yếu tố bên ngoài như giá cả trên thị trường quốc tế”, ông nói.

Tố Uyên (Theo Undercurrentnews)

Tin mới nhất

T4,09/10/2024