Ecuador: 99% sản lượng tôm nuôi dành cho xuất khẩu

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Xuất khẩu tôm Ecuador trong tháng 9 tăng 13% lên 237 triệu pound, dẫn đầu là xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu tăng cao. Ecuador xuất khẩu tới 99% sản lượng tôm của mình và năm 2022 đã xuất khẩu kỷ lục 2,34 tỷ pound trị giá hơn 6,6 tỷ USD (6 tỷ Euro).

Ecuador đã tăng xuất khẩu tôm nuôi thêm 15% lên 2,01 tỷ pound trong 9 tháng đầu năm 2023, giúp nước này tiếp tục hướng tới một năm kỷ lục khác và tiếp tục củng cố vị thế là quốc gia sản xuất tôm số 1 thế giới.

Bất chấp sự tăng trưởng trong xuất khẩu, giá trung bình trả cho các nhà xuất khẩu trong thời gian 9 tháng vẫn giảm 18% xuống còn 2,39 USD/pound, một phần do nhu cầu sụt giảm ở châu Âu và Hoa Kỳ.

Xuất khẩu tôm Ecuador sang các thị trường chính giai đoạn 2012-2023

Số lượng xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy nhờ sự phục hồi sang thị trường Trung Quốc sau dịch COVID-19. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 26% so với năm 2022 lên 1,2 tỷ pound từ tháng 1-9/2023.

Trước dịch COVID-19, Ecuador đã tuyên bố ý định giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc để chuyển sang các thị trường khác, nhưng nhu cầu của Trung Quốc đã chứng tỏ là một lực lượng không thể ngăn cản. Ecuador cung cấp 70% lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc so với 18% của Ấn Độ.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc chiếm 60% xuất khẩu tôm của Ecuador, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá xuất khẩu tôm trung bình của Ecuador từ tháng 12/2019-9/2023

Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chủ yếu là tôm nguyên đầu, nguyên vỏ đã tăng 4% từ tháng 1-9/2023 so với cùng kỳ năm 2022 ở mức chỉ hơn 337 triệu pound.

Tồn kho tôm đông lạnh cao cùng với nhu cầu tiêu dùng giảm đã khiến nhập khẩu tôm vào Hoa Kỳ giảm mạnh trong nửa đầu năm nay nhưng ngày càng có triển vọng về sự phục hồi thị trường trong thời gian tới.

Châu Âu phần lớn là thị trường tiêu thụ tôm còn nguyên vỏ, còn đầu, mặc dù vẫn có nhu cầu về các sản phẩm bỏ vỏ, bỏ đầu từ các nhà chế biến tôm. Xuất khẩu sang châu Âu tăng 9% trong 9 tháng đầu năm 2023 lên hơn 346 triệu pound, bất chấp đơn đặt hàng từ Pháp giảm.

Theo ông Gorjan Nikolik, nhà phân tích thủy sản toàn cầu của Rabobank, sự kết hợp giữa tăng trưởng nguồn cung của Ecuador và nhu cầu toàn cầu suy giảm đã khiến giá tôm sụt giảm, với khoảng 80% sản phản phẩm bán dưới giá thành.

Ngọc Anh (Theo Intrafish)